Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại úy CSGT bắn chết sếp: 'Tôi bị mất trí nhớ'

Để phủ nhận những lời khai trước đây, cựu đại úy CSGT bắn chết trạm phó cho rằng lúc đó chưa tỉnh táo, bị... lú và mất trí nhớ vì trong trại giam thiếu oxy.

Sáng 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai đưa Ngô Văn Vinh (39 tuổi, nguyên đại úy CSGT Suối Tre) ra xét xử tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động. Bị cáo này bị cáo buộc đã dùng súng bắn chết cấp trên là thiếu tá Trần Ngọc Sơn – nguyên Trạm phó trạm CSGT Suối Tre.

Với khung hình phạt bị truy tố, Vinh phải đối mặt với khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù giam.

Bị cáo Vinh đang mô tả lại hôm xảy ra vụ việc trước tòa. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Bị cáo Vinh đang mô tả lại hôm xảy ra vụ việc trước tòa. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Đúng 8h30, Vinh được đưa lên vành móng ngựa. Luật sư bào chữa cho bị cáo này là ông Khưu Thanh Tâm. Trong phần làm thủ tục, thư ký phiên toà cho biết vắng mặt 2 nhân chứng Trương Thành Chí và Nguyễn Văn Đông. Tuy nhiên, đến 9h thì 2 nhân chứng quan trọng này có mặt tại tòa.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trần Thanh Tùng. Hai hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Ngọc Tính và ông Nguyễn Văn Bình. 

Trong phần xét hỏi, cựu đại úy công an khai vào ngành năm 1994, đến tháng 7/1995 được điều đến Phòng cảnh sát giao thông Đồng Nai.

Vợ thiếu tá Sơn chăm chú nghe lời khai của hung thủ.
Vợ thiếu tá Sơn chăm chú nghe lời khai của hung thủ.
Khai về vụ xô xát xảy ra ở quán karaoke ở phường Xuân An, thị xã Long Khánh, bị cáo thừa nhận có qua phòng Sơn để mời bia người quen. Khi sang đến nơi có nhìn thấy Chí, 2 bên uống cạn ly.

Tại quán, sau khi xảy ra xô xát với cấp trên của mình là Trần Ngọc Sơn và được mọi người can ngăn, Vinh bảo cảm thấy xấu hổ nên bỏ về trạm CSGT Suối Tre. "Tìm không thấy Sơn ở trên phòng, tôi quay về lấy bông y tế vào nhà vệ sinh để kiểm tra vết thương vùng mặt", bị cáo Vinh nói trước tòa.

Trả lời câu hỏi của HĐXX tại sao khẩu súng làm nhiệm vụ lại để dưới gối, Vinh thản nhiên nói: "Vì bị cáo mải đi nhậu, thay đồ nên quên".

Bị cáo khai tiếp, đến khoảng 17h cùng ngày, anh ta đang nằm trên giường thì Sơn vào phòng túm tóc đập liên tiếp vào đầu. "Lúc này có 2 người lạ mặt xông vào đánh tôi, không có ai can ngăn. Tôi chỉ biết ôm đầu, mắt không mở được. Tôi sờ lấy khẩu súng để trên đầu giường. Lúc này súng đã lên đạn. Chốt an toàn thường xuyên bị mở. Tôi bắn lên trời nhiều phát để mọi người lui ra. Tuy nhiên những người này cố tình ám sát tôi", bị cáo khai tiếp.

Cựu đại úy nói khi có kết luận của cơ quan điều tra, bị cáo mới biết Sơn chết từ khẩu súng của mình. Người đàn ông 39 tuổi cho rằng kết luận đó hoàn toàn sai.

Nhân chứng Lâm kể lại sự việc trước tòa.
Nhân chứng Lâm kể lại sự việc trước tòa.

Trước những lời của Vinh, chủ tọa phiên tòa cho rằng bị cáo khai nhận quanh co, không đi thẳng vào câu hỏi. Chủ tọa hỏi: "Bị cáo có thừa nhận do súng của mình khiến anh Sơn chết không?". "Không ạ". "Bị cáo khai là có những người lạ mặt xông vào phòng mình không?". "Có ạ".

Với mâu thuẫn không thừa nhận kết quả điều tra nhưng vẫn ký trong biên bản làm việc với công an, bị cáo Vinh trả lời khiến cả hội trường theo dõi phiên xử ồ lên cười: "Lời khai đó là tôi vừa trong bệnh viện, mê man chưa tỉnh táo. Hơn nữa, trong trại giam, bị cáo bị... lú, mất trí nhớ, chắc do trong tù thiếu oxy".

Những lời phản bác của bị cáo tại phiên tòa buộc HĐXX đã phải mời VKS có ý kiến. Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng trong suốt quá trình điều tra, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Bị cáo cần có thái độ thành khẩn, khai nhận hành vi phạm tội của mình. Việc Vinh khai nhận hay không nhận là quyền của bị cáo, tuy nhiên VKSND sẽ chứng minh được hành vi phạm tội.

"Bị cáo có dùng súng bắn vào nhau hôm đó hay không?", đại diện VKSND hỏi. "Dạ có". "Vậy tại sao bị cáo còn quanh co?". Vinh im lặng.

Người dân đứng bên ngoài phòng xử án theo dõi phiên tòa.
Người dân đứng bên ngoài phòng xử án theo dõi phiên tòa.

Cũng trong phiên tòa sáng nay, HĐXX đã hỏi một số nhân chứng. Trương Học Lâm (người giữ xe tại trạm CSGT Suối Tre) cho biết nhìn thấy Vinh về trạm với vẻ mặt hằm hằm, bất ngờ chĩa súng vào người ông rồi hỏi: "Sơn có trong phòng không", "Anh sơn chưa về".

"Vinh tiếp tục chĩa súng vào người tôi bảo 'gọi Sơn về gấp'. Tôi sợ quá giả vờ gọi cho Sơn và nói ở quán ồn quá chắc Sơn không nghe máy", nhân chứng này nói trước tòa.

Theo ông Lâm, khi anh Sơn về tới Trạm CSGT Suối Tre thì lên phòng Vinh. Biết có chuyện không hay, ông Lâm ngăn nhưng Sơn vẫn đi.

"Khi đi theo vào phòng thì tôi thấy anh Sơn đánh Vinh. Vinh cầm súng trên tay. Sau đó 2 tiếng súng nổ lên, tôi hoảng hồn nhưng không chạy được. Vinh dí súng vào hông của anh Sơn bắn một nhát rồi tiếp tục giằng co. Sau đó bị cáo bắn phát thứ 2 trúng người Sơn. Nạn nhân ngã xuống nền nhà, tay vẫn nắm tay Vinh”, ông Lâm kể trước tòa.

Thấy Sơn bị thương, ông Lâm cùng mọi người đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Không đồng tình với lời kể nhân chứng, bị cáo cho rằng Lâm nói không đúng. Trước phản ứng trên, chủ tọa nói: "Tòa hỏi thì bị cáo nói không nhớ, nhưng lại khẳng định nhân chứng nói sai. Bị cáo không bị tâm thần, nếu bị bệnh thì đã cho đi giám định rồi. Bị cáo phải thành khẩn khai báo để nhận khoan hồng của pháp luật".

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục hỏi nhân chứng.

Chủ quán karaoke kể về mâu thuẫn của nhóm CSGT

Trước khi xảy ra vụ nổ súng nghiêm trọng trong trạm CSGT Suối Tre, thiếu tá Trần Văn Sơn cùng nhiều người có đến quán karaoke và xảy ra mâu thuẫn.


Theo cáo trạng, chiều ngày 22/9/2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn - nguyên Trạm phó trạm cảnh sát giao thông Suối Tre cùng nhóm bạn (Nguyễn Thái Phong, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trương Thành Chí) đến một quán karaoke ở phường Xuân An, thị xã Long Khánh để hát. Tại đây nhóm Sơn gặp nhóm Ngô Văn Vinh (39 tuổi, nguyên đại úy cảnh sát giao thông Suối Tre), Lê Nguyên Cường, Phạm Lê Ngọc Long (đều là cán bộ Trạm cảnh sát giao thông Suối Tre) cũng đang hát. 

Thấy Vinh ở phòng đối diện, Sơn mời nhóm anh này qua phòng mình. Vì biết có Chí nên Vinh và Long chấp thuận lời mời. Tại đây, Vinh và Chí xảy ra cãi nhau. Chí đã cầm ly bia đập trúng sống mũi của Vinh gây chảy máu. Sau khi sự việc xảy ra, 5 người đi ra ngoài, chỉ còn lại mình nạn nhân ở lại phòng.

Lúc sau, Sơn và Long quay vào chỗ Vinh. Lời qua tiếng lại, Vinh đấm vào cổ Sơn nhưng được Long can ngăn. Trong lúc nhóm của Sơn ở lại quán hát để chuẩn bị đi nhậu, Vinh và Cường đón taxi về Trạm Suối Tre.

Về đến trạm, Vinh lên phòng lấy khẩu súng K59 cầm trên tay rồi quay xuống tầng một. Thấy vậy, Trương Học Lâm (người giữ xe tại Trạm cảnh sát giao thông Suối Tre) đã mật báo cho Sơn biết chuyện.

Khoảng 17h cùng ngày, Sơn cùng 5 người (Chí, Phong, Hạnh cùng 2 người bạn) về đến trạm Suối Tre. Vừa bước vào phòng, Sơn gắt "Vinh đen, mày kiếm tao, mày ngon mày bắn tao đi" đồng thời đấm vào mặt và đầu Vinh.

Phát hiện Vinh rút khẩu súng ở đầu giường ra, Sơn lao đến tước. Thấy đôi bên vật nhau, anh Đoàn Thanh Phú ngồi ở giường kế bên đến can ngăn liền bị trúng đạn.

Sau cuộc giằng co, Vinh bắn 2 phát đạn khiến Sơn gục ngã xuống sàn nhà. Nhiều viên đạn khác cũng văng ra nhưng may mắn không trúng ai. Tối cùng ngày, thiếu tá Sơn tử vong. Kết quả giám định pháp y xác định anh Phú bị thương tật tỉ lệ 15%, Vinh bị 40%.

Liên quan đến vụ án, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã cách chức trưởng và phó Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre. Theo đó, trung tá Phạm Hồng Minh, trưởng Trạm, bị cách chức và điều chuyển công tác khác; trung tá Nguyễn Văn Sinh, phó trạm, bị cách chức và giải quyết chế độ hưu. Ngoài ra, lãnh đạo Phòng PC 67 và một số cán bộ, chiến sĩ có liên quan trong vụ việc đều nhận các hình thức kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.

 

H.Thu

Bạn có thể quan tâm