Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại úy CSGT đã gây ra tội ác với đồng đội, bạn bè

Bào chữa cho bị cáo, luật sư Khưu Thanh Tâm nói: "Thay mặt bị cáo, mong gia đình nạn nhân thông cảm dù Vinh đã gây ra tội ác". Kết thúc phiên tòa, HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại.

14h10 ngày 26/8, lực lượng công an đưa bị cáo Ngô Văn Vinh đến tòa án để bắt đầu phiên xử buổi chiều. Bắt đầu phiên tòa, chủ tọa thẩm vấn ông Phú - người mang thương tích 15% vì bị trúng đạn của Vinh và Hảo - đồng nghiệp đi tuần cùng ca với Vinh.

Theo nhân chứng Hảo, sau khi về đội gặp Vinh trên phòng, thấy anh ta máu mũi chảy. Hảo hỏi lý do thì Vinh nói mình bị té. Sau đó Hảo nghe anh Sơn nói "tao nè Vinh đen, giỏi thì bắn tao đi". "Sau đó thấy Vinh bị anh Sơn đấm vào mặt và lúc sau nghe thấy tiếng súng”, anh Hảo nói.

Đại úy CSGT bắn chết sếp: 'Tôi bị mất trí nhớ'

Để phủ nhận những lời khai trước đây, cựu đại úy CSGT bắn chết trạm phó cho rằng lúc đó chưa tỉnh táo, bị... lú và mất trí nhớ vì trong trại giam thiếu oxy.

Còn theo thượng úy Phú, lúc ông Sơn lên phòng gặp Vinh có chửi tục và buông lời thách thức. "Khi 2 người xông vào đánh nhau, tôi chỉ can. Vì không biết sự việc này như thế nào nên không biết ai sai ai đúng. Vì diễn biến xảy ra quá nhanh nên khi trúng đạn tôi bò ra ngoài đến khi được đưa đi cấp cứu", anh Phú cho hay.

Chủ tọa phiên tòa hỏi anh Phú: "Vinh lấy súng ở đâu?". "Tôi không biết, nhưng việc anh này cầm súng thì tôi có thấy. Họ giằng co rồi đạn nổ. Hơn một phút sau tôi bị trúng đạn”, thượng úy cho biết.

Thượng úy Phú bị nhiều vết thương từ súng của Vinh.
Còn Nguyễn Thái Phong (thuộc trạm CSGT Suối Tre) cho biết tại tòa: "Vinh liên tục điện thoại cho tôi hỏi về Sơn. Sau đó anh ta nói sẽ cầm súng bắn Sơn nhưng tôi không tin. Nhậu một lức nữa chúng tôi tính tiền ra về. Tôi không cho Sơn về trạm mà nói đi tìm chỗ nào ngủ để tránh mặt Vinh. Khi về tới trạm, tôi không lên trên phòng nên không biết sự việc như thế nào, chỉ nghe tiếng súng thôi...”.

Tòa gọi em trai bị cáo Vinh là anh Việt lên vành móng ngựa. Anh này cho biết chiều cùng ngày có nghe anh trai nói mình bị đánh nên khuyên can Vinh "phải bình tĩnh". "Lúc đầu nghe chuyện anh trai kể bị đánh tôi rất bức xúc. Tuy nhiên tôi bình tĩnh khuyên ngăn anh Vinh để không xảy ra vụ việc đáng tiếc”, anh Việt cho HĐXX biết.

Bị cáo Vinh khẳng định, trước khi xảy ra vụ án, 2 người không có mâu thuẫn, là đồng đội và bạn học thân thiết. "Khi rút súng, bị cáo hướng lên trần nhà bắn chỉ thiên cho những người đánh mình tránh ra chứ không có mục đích giết người", Vinh nói.

Đại diện gia đình nạn nhân, chị Nguyễn Thị Bích Vân (vợ thiếu tá Sơn), nói trước tòa khi nghe tin chồng bị bắn chỉ biết khóc, ngất xỉu. Từ khi xảy ra sự việc, gia đình Vinh chưa đến bồi thường hoặc thắp nén nhang cho anh Sơn. Bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại 3 tỷ đồng.

“Tôi yêu cầu HĐXX xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh", chị Vân nói. Riêng thượng úy Phú yêu cầu bị cáo bồi thường 200 triệu đồng chi phí chữa trị vết thương.

Vợ nạn nhân tại phiên tòa chiều 26/8.
Đến phần luật sư tham gia phiên tòa. Luật sư của bị hại Nguyễn Thị Kim Vinh hỏi Vinh: "Bị cáo có được cấp súng K59 không? "Có", bị cáo trả lời. "Vậy súng có được cấp phép sử dụng?". Vinh nói: “Thời gian đó nằm trong kế hoạch trấn áp tội phạm của tỉnh nên được sử dụng súng có đạn".

Cũng theo bị cáo Vinh, khẩu súng có khóa an toàn. Tuy nhiên khi về đến Trạm CSGT Suối Tre thì Vinh lại không để trong bao. "Vừa đi làm về, tôi tháo súng để trên giường. Nghe Long, Cường gọi điện thoại đi nhậu nên tôi vội vàng mang theo điện thoại, còn súng để trên gối, bao súng để trong tủ", bị cáo Vinh nói.

"Bị cáo khai mình vội vàng, nhưng lại bỏ được bao súng vào trong tủ, còn súng không cất được. Có mâu thuẫn không?", luật sư truy. Bị cáo không trả lời được.

Bị cáo Vinh khẳng định, trước khi xảy ra vụ án, 2 người không có mâu thuẫn, là đồng đội và bạn học thân thiết. "Khi rút súng, bị cáo hướng lên trần nhà bắn chỉ thiên cho những người đánh mình tránh ra chứ không có mục đích giết người", Vinh nói.

Hung thủ và bị hại là bạn thân

Tại phần tranh luận, đại diện VKSND nêu quan điểm: Vụ án xảy ra gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công an. Vì vậy đề nghị HĐXX tuyên mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên HĐXX cũng xem xét những tình tiết giảm nhẹ, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, gia đình cách mạng. Vì vậy, VKSND đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù giam đối với Vinh.

Luật sư Vinh bảo vệ cho bị hại.
Luật sư Khưu Thanh Tâm, bào chữa cho bị cáo Vinh, nêu ý kiến: Thay mặt bị cáo, rất mong gia đình nạn nhân thông cảm. Vinh đã gây ra tội ác với đồng đội, bạn bè. Luật sư tán thành với quan điểm luận tội của đại diện VKSND. Giữa Vinh và nạn nhân Sơn là bạn học, không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Vì vậy, hành động của bị cáo là tự phát, bị kích động mạnh.

"Bị cáo bị nạn nhân đánh, đập đầu vào tường. Hành vi này là trái pháp luật nghiêm trọng. Vinh có 2 vết thương ở đầu với tỷ lệ thương tật đến 41%", luật sư nói.

"Khi Sơn lao tới đánh Vinh thì nhiều người bạn của anh này cũng nhào vô. Lúc này tình trạng tinh thần của bị cáo đẩy đến cao độ nên không tự chủ được bản thân. Khi thấy anh Sơn bị thương, Vinh đã đưa đi cấp cứu.

Vì vậy, hành vi của bị cáo là ngoài ý muốn. Hoàn cảnh gia đình bị cáo hết sức khó khăn, có con nhỏ 3 tuổi. Trên cơ sở đó đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo để sớm quay về với gia đình", luật sư trình bày tiếp.

Đến lúc này, Vinh đứng lên xin có ý kiến: "Tôi xin lỗi gia đình nạn nhân Sơn, xin lỗi đơn vị vì đã gây ra hậu quả quá lớn. Mong HĐXX xem xét những tình tiết giảm nhẹ tội".

Làm rõ nguồn gốc khẩu súng gây án

Trước phần luận tội của VKSND và lời bào chữa của luật sư bị cáo, bà Nguyễn Thị Kim Vinh (luật sư bào chữa cho bị hại) nên quan điểm: Cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khẩu súng K59 là vật chứng quan trọng ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án đã không được chuyển sang cho tòa án xem xét đánh giá mà trả lại cho phòng CSGT (PC67) công an tỉnh Đồng Nai.

Với các chứng cứ có trong hồ sơ cho thấy, khẩu súng K59 mà Vinh đã sử dụng để gây án là vật chứng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá tính chất hành vi phạm tội của bị cáo nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ.

Tòa trả hồ sơ để điều tra lại tội danh của Vinh.
Ngoài ra, theo lời khai của bị cáo không đồng nhất về mã số khẩu súng gây án, cũng như vị trí phát hiện khẩu súng trong biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định với bản kết luận điều tra... Luật sư Vinh bảo vệ cho người bị hại.

Như vậy, ngay trong hồ sơ vụ án đã có sự khác biệt về mã số của khẩu súng gây án, giữa biên bản hiện trường và kết luận điều tra. Điều này cần phải được xác định rõ liệu đây có phải là khẩu súng gây án hay không? Là khẩu súng đã được cấp cho Vinh sử dụng hay không? Hay bị cáo Vinh đã tàng trữ vũ khí quân dụng khác?

Mặc dù có sự mâu thuẫn như vậy, nhưng cơ quan điều tra và VKSND vẫn không làm rõ. Biên bản khám nghiệm hiện trường không có sự tham gia của VKSND tỉnh Đồng Nai, cũng như của người chứng kiến.

Cơ quan điều tra không xem xét, cho đối chất đánh giá lời khai của các nhân chứng khi có sự mâu thuẫn trong lời khai của họ. Kết luận điều tra chưa xác định đúng bản chất của tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1, Điều 95 BLHS.

Với các chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị cáo Vinh đã thực hiện cấu thành tội Giết người theo Khoản 1, Điều 93 BLHS. Vì vậy, luật sư Vinh yêu cầu HĐXX trả lại hồ sơ để cơ quan điều tra lại.

Đại diện VKSND giữ nguyên quan điểm, cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội. Về việc số hiệu khẩu súng Vinh dùng gây án không thống nhất, VKSND cho rằng, sau khi giám định súng đó là K59, cơ quan điều tra cũng phát hiện ra sai sót về số hiệu. Công an Đồng Nai thừa nhận sơ suất trong quá trình khám nghiệm hiện trường, do trời tối, nên dẫn đến sai sót về số hiệu.

Tuy nhiên luật sư bào chữa cho bị hại khẳng định, VKSND cho rằng mã số khẩu súng là có sự nhầm lẫn, nhưng đến nay bị hại chưa có nhận được bất kỳ văn bản đính chính nào.

“Dù bị cáo Vinh có bị kết tội nặng thì anh Sơn cũng không sống lại được, nhưng phải đúng người đúng tội để người chết không bị oan ức. Bị cáo đấm vào cổ anh Sơn, anh Sơn bỏ qua, tại sao vẫn về trạm cầm súng, gọi điện cho mọi người để tìm anh Sơn bắn? Hãy trả lại công bằng cho người bị hại”, luật sư Vinh nói.

Được cho phép nói lời cuối cùng nhưng bị cáo Vinh từ chối. HĐXX vào giờ nghị án. Sau giờ nghị án, HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều khuất tất nên đã trả lại hồ sơ để cơ quan cảnh sát tiến hành điều tra lại.

Sáng nay (26/8), TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử bị cáo Ngô Văn Vinh (39 tuổi, nguyên đại úy cảnh sát giao thông Suối Tre) tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động. Vinh bị cáo buộc đã dùng súng bắn chết cấp trên là thiếu tá Trần Ngọc Sơn - nguyên Trạm phó trạm cảnh sát giao thông Suối Tre. Truy tố ở Điều 95 Bộ luật hình, Vinh đối mặt với mức án sáu tháng đến ba năm tù giam.

Theo cáo trạng, chiều ngày 22/9/2013, thiếu tá Sơn cùng nhóm bạn (Nguyễn Thái Phong, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trương Thành Chí) đến một quán karaoke ở phường Xuân An, thị xã Long Khánh để hát. Tại đây nhóm Sơn gặp nhóm Ngô Văn Vinh, Lê Nguyên Cường, Phạm Lê Ngọc Long (đều là cán bộ Trạm cảnh sát giao thông Suối Tre) cũng đang hát.

Thấy Vinh ở phòng đối diện, Sơn mời nhóm anh này qua phòng mình. Vì biết có Chí nên Vinh và Long chấp thuận lời mời. Tại đây, Vinh và Chí xảy ra cãi nhau. Chí đã cầm ly bia đập trúng sống mũi của Vinh gây chảy máu. Sau khi sự việc xảy ra, 5 người đi ra ngoài, chỉ còn lại mình nạn nhân ở lại phòng. Lúc sau, Sơn và Long quay vào chỗ Vinh.

Lời qua tiếng lại, Vinh đấm vào cổ Sơn nhưng được Long can ngăn. Trong lúc nhóm của Sơn ở lại quán hát để chuẩn bị đi nhậu, Vinh và Cường đón taxi về Trạm Suối Tre. Về đến trạm, Vinh lên phòng lấy khẩu súng K59 cầm trên tay rồi quay xuống tầng một. Thấy vậy, Trương Học Lâm (người giữ xe tại Trạm cảnh sát giao thông Suối Tre) đã mật báo cho Sơn biết chuyện. Khoảng 17h cùng ngày, Sơn cùng 5 người (Chí, Phong, Hạnh cùng 2 người bạn) về đến trạm Suối Tre.

Vừa bước vào phòng, Sơn gắt "Vinh đen, mày kiếm tao, mày ngon mày bắn tao đi" đồng thời đấm vào mặt và đầu Vinh. Phát hiện Vinh rút khẩu súng ở đầu giường ra, Sơn lao đến tước. Thấy đôi bên vật nhau, anh Đoàn Thanh Phú ngồi ở giường kế bên đến can ngăn liền bị trúng đạn. Sau cuộc giằng co, Vinh bắn 2 phát đạn khiến Sơn gục ngã xuống sàn nhà. Nhiều viên đạn khác cũng văng ra nhưng may mắn không trúng ai. Tối cùng ngày, thiếu tá Sơn tử vong.

Kết quả giám định pháp y xác định anh Phú bị thương tật tỉ lệ 15%, Vinh bị 40%. Liên quan đến vụ án, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã cách chức trưởng và phó Trạm tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre. Theo đó, trung tá Phạm Hồng Minh, trưởng Trạm, bị cách chức và điều chuyển công tác khác; trung tá Nguyễn Văn Sinh, phó trạm, bị cách chức và giải quyết chế độ hưu. Ngoài ra, lãnh đạo Phòng PC 67 và một số cán bộ, chiến sĩ có liên quan trong vụ việc đều nhận các hình thức kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.


H.Thu

Bạn có thể quan tâm