Theo bác sĩ Y Sĩ Buôn Dap, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 7/8, bé gái 4 tuổi, trú tại xã Krông Nô, xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, chảy nước mắt.
Ngày 8/8, bệnh nhi được người nhà đưa đến nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Lắk với biểu hiện sốt, viêm phổi, tiêu chảy. Ngày 9/8, bệnh nhi xuất hiện phát ban vùng mặt, cổ, tiêu chảy và viêm phổi.
Ngày 12/8, bệnh nhi được chẩn đoán nghi sởi nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sởi.
Cán bộ y tế tuyên truyền phòng sởi cho người dân tại ổ dịch. Ảnh: Kim Long/ Sở Y tế Đắk Lắk. |
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi, Trung tâm Y tế đã tổ chức khoanh vùng, điều tra dịch tễ tại buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk. Kết quả ghi nhận chùm ca bệnh sởi tại buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang với 7 trường hợp mắc bệnh.
Cũng theo bác sĩ Y Sĩ Buôn Dap, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, do dịch bệnh Covid-19 và từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024 thiếu một số loại vaccine khiến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi, trong đó có vaccine sởi.
Tại buôn Lach Dơng, tỷ lệ tiêm sởi đạt 47%, tiêm sởi - rubella đạt 59,5%, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ đạt 30,3%.
Tại buôn Ba Yang, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đẩy đủ đạt 60,2%. Sau khi ghi nhận chùm ca bệnh, Trung tâm Y tế phối hợp với Trạm Y tế xã Krông Nô đã triển khai rà soát và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi cho các trẻ chưa được tiêm và bỏ lỡ mũi tiêm. Đồng thời thành lập khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc sởi để tránh lây nhiễm chéo tại Trung tâm Y tế.
Để khống chế ổ dịch sởi tại huyện Lắk, CDC đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế điều tra, xác minh, đánh giá tình hình ổ dịch và tiến hành phun hóa chất khử khuẩn tại 54 hộ gia đình khu vực ghi nhận các ca bệnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tại 2 buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng bệnh sởi.
Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, CDC Đắk Lắk, ổ dịch tại 2 buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh do tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi chưa đạt.
Bên cạnh đó, do khi có những ca mắc bệnh đầu tiên, người dân chủ quan không khai báo cho ngành y tế khiến dịch bệnh lây lan. Do đó, bác sĩ Trần Kim Long nhận định thời gian tới, tình hình bệnh sởi có nguy cơ diễn biến phức tạp bởi sẽ còn nhiều trường hợp trẻ ủ bệnh.
Theo số liệu thống kê của CDC, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 25 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó TP Buôn Ma Thuột 7 trường hợp, huyện Cư Kuin 3 trường hợp, Krông Ana 3 trường hợp, Krông Búk 1 trường hợp, Ea Kar 1 trường hợp, Buôn Hồ 1 trường hợp, Buôn Đôn 1 trường hợp, Krông Pắc 1 trường hợp và huyện Lắk 7 trường hợp.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Đến nay, bệnh sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm tính mạng ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh sởi rất dễ lây lan, thường gây thành dịch, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Do đó, để chủ động phòng bệnh sởi, các bậc phụ huynh cần đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi.