Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đam mê của người trẻ nhất

Là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016 lúc 32 tuổi, mới đây, PGS.TS Trần Xuân Bách càng được biết đến nhiều hơn khi trở thành giáo sư trẻ nhất của ĐH Johns Hopkins danh tiếng.

Là học sinh chuyên Toán - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, nhưng do say mê y tế công cộng, Trần Xuân Bách đã chọn ngành Y. Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Y tế công cộng năm 2009, chàng trai sinh năm 1984 theo học tiến sĩ tại ĐH Alberta (Canada), chuyên ngành kinh tế y tế và chính sách y tế.

Tiếp tục học sau tiến sĩ tại Johns Hopkins, ĐH hàng đầu thế giới về y tế công cộng ở Mỹ, năm 2015, Trần Xuân Bách được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư dự khuyết kiêm nhiệm. Tháng 4/2019, Bách được bổ nhiệm làm giáo sư trợ giảng tại ĐH danh tiếng này. Anh cũng là một trong những giáo sư trẻ nhất của Johns Hopkins.

Trần Xuân Bách từng được nhắc tới nhiều vào năm 2016 khi được phong phó giáo sư khi mới 32 tuổi, là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam lúc ấy.

"Đó là cột mốc quan trọng, niềm vinh dự to lớn với bản thân và gia đình tôi" - anh bày tỏ.

Đam mê và nỗ lực không ngừng, năm 2017, Trần Xuân Bách được ĐH Alberta trao Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp. Năm 2018, anh được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu - Viện Hàn lâm quốc gia Đức, là thành viên hội đồng điều hành.

PSG Tran Xuan Bach anh 1

PGS.TS Trần Xuân Bách, người có những nghiên cứu mang tầm quốc tế. Ảnh: Ngô Nhung/Người Lao Động.

Đề cập những thành công của mình, PGS.TS Trần Xuân Bách nhìn nhận: "Trong thế giới học thuật không có đường tắt và công việc nghiên cứu luôn đi kèm với rất nhiều khó khăn. Song, tôi coi đó là điều tất yếu, là bản chất của sự phát triển và là động lực để sáng tạo, rèn luyện bản thân... Trong môi trường học tập, nghiên cứu với bạn bè quốc tế, lòng tự tôn dân tộc cũng là đòn bẩy để tôi nỗ lực hơn".

PGS.TS Trần Xuân Bách hiện là Phó trưởng Bộ môn Kinh tế y tế, ĐH Y Hà Nội. Những nghiên cứu của anh tập trung việc xác định các can thiệp có tính chi phí - hiệu quả, đánh giá các dịch vụ và đổi mới y tế, củng cố hệ thống y tế.

Anh cho biết lý do chọn hướng đề tài này là vì nhận thấy vai trò của kinh tế y tế ngày càng cần thiết trong quá trình vận hành hệ thống y tế. PGS.TS Trần Xuân Bách còn nghiên cứu, phân tích tác động của các chính sách y tế đối với sức khỏe cộng đồng; nguy cơ nghèo đói của hộ gia đình; xác định cơ chế, ngưỡng chi trả một số dịch vụ y tế chuyên biệt; biện pháp thúc đẩy, mở rộng BHYT trong nhóm dễ bị tổn thương.

Những vấn đề y tế bức xúc của xã hội trong từng giai đoạn cũng được anh nghiên cứu và đưa ra giải pháp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Một trong những công trình gần đây nhất của PGS.TS Trần Xuân Bách là "Phân tích chính sách nghiên cứu khoa học toàn cầu, kết quả thông qua ứng dụng phương pháp liên ngành xác định khoảng trống và xu hướng phát triển khoa học". Nghiên cứu này đã được ĐH Johns Hopkins công nhận.

PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết ở ĐH Johns Hopkins, khi được bổ nhiệm, các giáo sư được kỳ vọng sẽ dành nhiều thời gian phát triển định hướng nghiên cứu, xây dựng và tổ chức các nhóm nghiên cứu, huy động nguồn lực mở rộng mạng lưới cộng tác, thúc đẩy việc chuyển giao kết quả và lan tỏa học thuật.

Các nghiên cứu mà anh đã và đang thực hiện cũng hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng những nhóm nghiên cứu mũi nhọn, hạt nhân của mô hình ĐH nghiên cứu.

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, PGS.TS Trần Xuân Bách được nhiều thế hệ sinh viên yêu quý, mến mộ. Anh từng được hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội trao thư khen dành cho "Giảng viên được nhiều sinh viên bình chọn".

Mong mỏi lớn nhất của anh là hướng dẫn, giúp đỡ thế hệ trẻ theo đuổi ước mơ nghiên cứu, khám phá y học. Đến nay, anh đã hướng dẫn hơn 50 học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công với hàng chục giải thưởng nghiên cứu khoa học.

"Dù chúng ta luôn mơ ước những thứ vĩ đại nhưng hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất và thiết thực nhất" - PGS.TS Trần Xuân Bách tâm niệm.

Với anh, áp lực thành công chính là động lực thôi thúc bản thân nỗ lực khẳng định mình. Khó khăn thì nhiều nhưng cơ hội mở ra cũng không ít, cùng với niềm đam mê, theo thời gian, anh liên tiếp nhận được những trái ngọt mà mình đã dày công gieo trồng.

Với vai trò là Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Bách luôn tích cực trong việc thúc đẩy nghiên cứu y học và thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước ta.

Theo anh, đóng góp và ảnh hưởng của một cán bộ y tế không chỉ ở các bài báo quốc tế mà còn ở việc phụng sự, cứu chữa và chăm sóc người bệnh.

Bày tỏ sự tin tưởng đối với việc phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu của Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết các cấp lãnh đạo cũng như nhiều trường ĐH trong nước đã dành sự quan tâm, đầu tư và tập hợp nguồn nhân lực.

Đến nay, rất nhiều trí thức trong và ngoài nước đã và đang tham gia các chương trình kết nối, đem kinh nghiệm, tâm huyết, khát vọng của mình cống hiến cho đất nước.

PGS.TS Trần Xuân Bách còn là Tổng Thư ký Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Với cương vị này, anh là một trong những người kết nối hàng trăm nhà khoa học trẻ đang sinh sống và làm việc ở 23 quốc gia trên thế giới tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019.

Thông qua diễn đàn này, các nhà khoa học trẻ đã mở rộng mạng lưới liên kết, trao đổi chuyên môn..., từ đó thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.

Năm 2019, Tạp chí PLoS Biology công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới được trích dẫn nhiều nhất và PGS.TS Trần Xuân Bách là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam góp mặt.

Giáo sư trẻ nhất Việt Nam giỏi Văn, mê Toán

Tân GS Sĩ Đức Quang cho biết ông từng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Văn thời THCS nhưng sau đó lại đam mê Toán lúc nào không hay.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dam-me-cua-nguoitre-nhat-20200120203451513.htm

Theo Ngọc Dung/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm