Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đam mê xê dịch của người phụ nữ mắc 2 bệnh ung thư

Từng bước qua 2 cánh cửa tử, chị Loan tâm niệm “còn sức là còn đi” vì không muốn sống phải hối tiếc điều gì.

Những năm 20-30 tuổi, như nhiều người trẻ đồng trang lứa, chị Nguyễn Thị Phương Loan (hiện 41 tuổi, TP.HCM) chỉ biết lao đi kiếm tiền. Chị làm cùng lúc 3 công việc mỗi ngày để duy trì thu nhập khá.

Tất cả đảo lộn khi chị phát hiện mắc ung thư vú.

“Tôi cay đắng nhận ra cuối cùng, tiền bạc mình vất vả tích cóp lại được đặt hết trên giường bệnh đắt đỏ nhất”, chị nói với Zing.

Biến cố này khiến chị Loan thay đổi suy nghĩ rằng không được bỏ phí giây phút nào mà phải tận dụng để sống cuộc đời thật ý nghĩa.

Dam me xe dich cua nguoi phu nu mac 2 benh ung thu anh 1

Phát hiện mắc ung thư ở tuổi 32 là cú sốc và khiến chị Loan thay đổi quan niệm sống.

Cú sốc

Cuối năm 2012, khi có công việc ổn định trong ngành quảng cáo, chị Loan phát hiện mắc ung thư vú. Cú sốc ập đến khiến chị sụp đổ, tự nhốt mình trong phòng khóc suốt 2 ngày đêm.

Khi thấy giọt nước mắt của cha mẹ, chị Loan gượng dậy để tuyên chiến với bệnh tật. Chị xin nghỉ việc và bắt đầu điều trị.

Một năm đầu, chị Loan đau đớn như “chết đi sống lại” vì những lần hóa trị. Chị bị rụng tóc, miệng lở, ăn uống không thấy vị và móng tay, chân thâm đen.

Tuy nhiên, tất cả chưa là gì khi chị phải dùng hơn nửa vùng da lưng để tái tạo phần ngực hậu phẫu thuật. Nhờ tuân theo phác đồ điều trị và đáp ứng thuốc tốt, sức khỏe chị ngày càng tiến triển.

Năm 2015, chị Loan quyết định leo đỉnh Pha Luông.

“Chuyến đi bộc phát và không hề chuẩn bị kỹ càng. Tôi chỉ nghĩ thời gian sống không còn nhiều nên muốn gì thì phải làm cho nhanh. Đồng hành cùng tôi là anh đồng nghiệp thân thiết và người em ở Sơn La dẫn đường”, chị nhớ lại.

Trong suốt hành trình, chị Loan nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng lời động viên của đồng nghiệp rằng “Người bình thường leo núi đã khó, bệnh nhân ung thư như cô mà lên đến đỉnh thế này thì hơn hàng triệu phụ nữ khác rồi” thôi thúc chị tiếp tục hướng về đích.

Sau những ngày tháng khó khăn, chị Loan tìm được công việc phù hợp và nên duyên với chồng hiện lại là anh Nguyễn Thành Nhân. Hai người kết hôn sau một năm gặp gỡ ở công ty.

Tưởng chừng cuộc sống sẽ viên mãn, chị Loan bàng hoàng phát hiện mắc thêm ung thư tuyến giáp vào cuối năm 2019. Trái với lần đầu, chị đón nhận mọi thứ bằng sự bình thản.

“Ung thư tới thì mình cứ chiến đấu thôi”, chị nói đầy lạc quan.

Đi đến khi nào còn có thể

Nhiều năm nay, dù phải cùng lúc chiến đấu với 2 bệnh ung thư, chị Loan luôn giữ niềm đam mê xê dịch. Tuần nào chị cũng đi phượt hoặc leo núi ở đâu đó với điểm đến gần đây nhất là Núi Bà Đen.

Đến nay, chị đã đặt chân tới 54 tỉnh, thành và chinh phục nhiều đỉnh núi từ Nam ra Bắc.

“Tôi vốn thích sự tự do và không ràng buộc. Chân đã quen đi, ngồi yên một chỗ là thấy ốm yếu. Từ khi phát hiện bệnh, tôi tự nhủ không được bỏ phí giây phút nào mà phải tận dụng hết để khám phá đủ 63 tỉnh, thành trước tuổi 50”, chị nói.

Mục tiêu của chị Loan là đi hết Việt Nam, các cửa khẩu qua Campuchia (hiện dừng ở con số 10 vì 2 năm nay dịch không đi được), chinh phục nốt cực Tây ở A Pa Chải (Điện Biên) và toàn bộ chợ nổi ở miền Tây.

Nếu ngày trước phải đi một mình, từ khi lấy chồng, chị Loan có sự đồng hành của bạn đời.

“Anh vốn không thích xê dịch nhưng thương vợ nên đồng hành và cố gắng thay đổi thói quen. Nhiều lúc, anh tự lên tiếng hỏi tôi tuần này, tháng tới mình đi đâu. Có ông xã, tôi không phải lo điều gì. Anh sợ đang trên đường mà vợ có chuyện gì nhưng đi nhiều, người gặp rắc rối chính là anh vì sức không bằng vợ”, chị bật cười nói.

Vợ chồng chị Loan đồng quan điểm rằng họ không cần nhà cửa, xe hơi, tiền bạc mà chỉ cần đủ ăn và thời gian để được vui sống mỗi ngày.

“Tôi có rất đông bạn bè nhiều tiền bạc nhưng lại nghèo về thời gian và sự dũng cảm. Họ luôn nói rằng tôi là người giàu và được sống ý nghĩa nhất. Mỗi giây phút của họ đều là tiền, bỏ đi thì tiếc. Thật ra, cơm áo gạo tiền ai cũng cần. Mỗi người cũng có hoàn cảnh riêng nên không thể phán xét. Nhưng một lần nào đó hãy thử gạt bỏ mọi thứ sang một bên, sống vì mình một chút sẽ thấy cuộc đời này đáng sống lắm”, chị nói.

Hiện, chị Loan đi kiểm tra tổng quát, theo dõi di căn định kỳ 3-6 tháng/lần. Sức khỏe và tinh thần của chị đều ổn.

Từng bước qua 2 cánh cửa tử, chị Loan tâm niệm cuộc sống không nói trước được gì.

“Tôi không ngoảnh lại quá khứ, không hướng xa tương lai mà chỉ biết hiện tại còn được sống là điều quý giá nhất. Tôi hứa dành cả quãng đời còn lại để đi, để ghi lại trong mắt và ký ức mọi điều tốt đẹp nhất của đất nước mình”, chị chia sẻ.

Vợ chồng nghỉ việc một tháng, đưa con đi xuyên Việt

Năm 22 tuổi, chị Trang ước mơ đi xuyên Việt nhưng phải 10 năm sau, chị mới thực hiện được với sự đồng hành của chồng và con trai.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm