Khi số ca nhiễm Covid-19 giảm nhiệt và cuộc sống bình thường trở lại, các công ty tại Mỹ ngày càng kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng, theo Bloomberg.
Các lãnh đạo cấp trên, giám đốc điều hành vẫn coi sự tương tác, văn hóa công sở là lý do chính cần người lao động có mặt tại nơi làm việc.
Nhưng với nhóm nhân viên, nhiều người nhận thấy việc về lại chốn công sở không có ý nghĩa hay tác dụng gì, khi họ vẫn phải tham gia các cuộc họp online đều đặn như khi ở nhà.
Sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh, việc trở lại văn phòng làm việc gặp nhiều rắc rối hơn thông thường. Ảnh: Quint. |
Tốn thời gian, vô nghĩa
“Nhóm của tôi không đi làm vào cùng một ngày. Vậy nên, nếu cần bàn bạc công việc, chúng tôi sẽ lại bật Zoom. Điều này thật khó chịu và vô nghĩa. Ngay cả khi ở văn phòng, chúng tôi cũng không hợp tác với nhau nhiều hơn so với lúc work from home”, Maddi Perkins (26 tuổi, Dallas) hoạt động trong ngành tài chính, nói.
Điều khiến Maddi khó chịu là tiếng vọng khi cô ngồi cạnh một đồng nghiệp khác cũng tiến hành họp online. Đôi khi, cô không hiểu được nhóm mình đang nói về chuyện gì vì âm thanh nhiễu bên ngoài.
Thêm vào đó, việc đi lại tất yếu tốn chi phí. Maddi mất khoảng 1 giờ lái xe để đến chỗ làm. Tiền xăng và đỗ xe tốn khoảng 16 USD/ngày.
“Cấp trên thúc giục nhân viên quay lại văn phòng, nhưng đó là một căng thẳng về tài chính, tinh thần và vẫn không có giao tiếp thực tế", cô bày tỏ sự thất vọng.
Theo nhiều nhân viên, việc đến văn phòng nhưng vẫn phải họp online thường xuyên khiến họ mất tiền bạc, phí thời gian. Ảnh: Bloomberg. |
Đối với Dave Murphy, người làm việc trong lĩnh vực quản lý công nghệ thông tin ở Sacramento (California), việc ép buộc nhân viên quay lại văn phòng là bất hợp lý, đặc biệt nếu họ đang làm việc với những đồng nghiệp không ngồi chung ở cùng một nơi.
“Ban quản lý ở một thành phố khác nên việc họp online luôn là phương án thuận tiện nhất. Kết quả là bạn tham dự cuộc họp, cố gắng nói chuyện trong khi 5-6 người khác cũng cố thảo luận công việc với sếp. Đó là một trải nghiệm kinh khủng”.
Lý do cấp trên đưa ra về tính hiệu quả khi làm việc trực tiếp ở văn phòng không thuyết phục được Murphy.
“Có một khoảng trống rõ ràng trong các cuộc họp đó. Ở văn phòng, chúng tôi chỉ tập trung vào phần việc của mình. 5 người quây quần bên một chiếc máy tính và giải quyết một số vấn đề không đem lại hiệu quả gì”, Murphy nói.
Đối với những người thích làm việc từ xa, chuyện này càng khiến họ dễ chán nản.
Theo khảo sát gần đây từ công ty tư vấn quản lý Advanced Workplace Associates, chỉ 3% nhân viên thích làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần. Theo Kastle Systems, công ty cung cấp dịch vụ an ninh cho các văn phòng thương mại, tỷ lệ lấp đầy văn phòng của Mỹ hiện ở mức khoảng 39,5%.
Sau 2 năm làm việc từ xa, đông nhân viên văn phòng đã quá chán với cảnh tham gia các cuộc họp qua Zoom. Ảnh: Washington Post. |
Kết hợp linh hoạt
Lauren Mason, cố vấn cao cấp về việc làm tại công ty tư vấn quản lý Mercer, cho biết để chiến lược kết hợp hoạt động hiệu quả, các công ty cần phải có kế hoạch rõ ràng về cách thức và lý do thuyết phục mọi người quay lại làm việc trực tiếp.
Hiện tại, nhiều công ty đang bỏ qua điều đó mà chỉ gấp rút mở lại văn phòng.
“Khi mọi người đi làm lại và thấy họ vẫn phải tham gia vào các cuộc gọi điện video, điều đó càng gây ra sự thất vọng và bực bội", cô nói.
Brian Elliott, lãnh đạo điều hành của diễn đàn Slack Future Forum, chuyên nghiên cứu về sự phát triển của công việc, cho biết những người nóng lòng trở lại văn phòng đang muốn tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ hơn bất cứ điều gì khác.
Nhân viên cần những lý do và hành động thuyết phục hơn để họ muốn quay lại làm việc trực tiếp. Ảnh: Forbes. |
Tuy nhiên, ở những công ty, việc duy trì họp qua Zoom vẫn có nhiều điểm lợi.
Việc xem tài liệu hoặc ghi chú trên màn hình cùng với cuộc gọi dễ dàng hơn. Chức năng chia sẻ màn hình có nghĩa là không cần phải in ra hàng đống trang tài liệu.
Và đối với những người không hứng thú với các cuộc họp, việc không ngồi cùng sếp hay đồng nghiệp giúp họ thuận tay làm công việc khác.
Jonathan Richardson, một luật sư ở Ottawa, thường thực hiện các cuộc họp qua Zoom với khách hàng để không ai phải đến văn phòng trong trung tâm thành phố. Bằng cách đó, cả hai bên đều không mất thời gian di chuyển hoặc trả tiền gửi xe.
Văn phòng của Jonathan chỉ có 11 nhân viên và họ được phép làm việc tại nhà bất cứ khi nào họ muốn. Nhiều người đến văn phòng, nhưng không phải tất cả đều đến cùng một lúc, có nghĩa là cuộc họp thứ ba hàng tuần luôn diễn ra online.
“Có một số nhiệm vụ mà gặp mặt trực tiếp sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng rất nhiều việc chúng tôi làm đều có khả năng được thực hiện qua làm việc, họp hành từ xa", anh nói.
Vấn đề hiện nay đối với các công ty là tìm ra cách tốt nhất để tiếp tục sử dụng công nghệ trong giai đoạn dịch bệnh - thứ đã giúp một số khía cạnh của công việc trở nên dễ dàng hơn, đồng thời khuyến khích các tương tác trong đời thực.
“Điều dễ hiểu là mọi người vẫn đang thích nghi trong giai đoạn điều chỉnh lại. Cũng giống như hai năm trước, nhân viên bị buộc phải làm từ xa, bây giờ chúng tôi đang gặp phải những thách thức tương tự để chuyển về làm việc lại ở văn phòng”.