Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làn sóng nhảy việc liên tiếp ở Mỹ

Nhờ nhảy việc nhiều lần trong vài năm, mức lương của nhiều nhân viên văn phòng Gen Z tại Mỹ đã tăng gấp đôi, tính theo đơn vị trăm nghìn USD.

Kể từ khi tốt nghiệp vào năm 2019, Aleigha (25 tuổi, Mỹ) chưa gắn bó với công việc nào quá 1 năm. Trong 3 năm, lương của nữ nhân viên văn phòng đã tăng gấp đôi, từ 62.000 USD lên 130.000 USD, theo Fortune.

Aleigha bắt đầu sự nghiệp của mình ở vị trí kiểm soát viên. Việc nhảy việc nhiều lần đã giúp không chỉ mức lương mà chức vụ công việc có sự thăng tiến. Hiện, Aleigha đang làm quản lý khoa học dữ liệu cho một nhà thầu nhỏ của chính phủ.

Bản thân Aleigha đã sốc khi các nhà tuyển dụng liên tiếp nhắn tin chiêu mộ với mức lương cao ngất ngưởng, sau khi cô cập nhật hồ sơ trên LinkedIn - mạng xã hội chuyên về việc làm.

Lan song nhay viec lien tiep anh 1

Số lượng dân văn phòng trẻ tại Mỹ liên tục nhảy việc tăng mạnh trong 2 năm qua.

“Tôi nhận được những lời đề nghị trả lương dao động 110.0000-150.000 USD. Đó là điều không tưởng với một người lớn lên trong gia đình có thu nhập thấp như tôi”, cô bày tỏ.

Khi làn sóng bỏ việc (Great Resignation) diễn ra và các công ty “khát” người, thế hệ MZ - thuật ngữ chỉ cả nhóm Millennials (sinh năm 1981-1995) và Gen Z (sinh năm 1996-2005) - coi đây là cơ hội để họ thoải mái nhảy việc, tìm kiếm công việc được trả lương cao hơn, có cơ hội thăng tiến và phù hợp với sở thích của họ hơn.

Động thái này có lợi cho nhóm nhân viên văn phòng, song khiến các nhà tuyển dụng lo lắng, khi họ buộc phải lao mình vào cuộc cạnh tranh giành người.

Nhân viên thành người làm chủ cuộc chơi

Theo dữ liệu được cung cấp bởi LinkedIn Labs vào năm 2022, tỷ lệ người dùng LinkedIn ở Mỹ có thay đổi công việc đã tăng 37,6% kể từ năm 2021 và 29,6% kể từ năm 2019.

Trong đó, Gen Z là những người nhảy việc nhiều nhất, với tỷ lệ 59,6%. Nhóm tuổi Millennials theo sau với 34,8%.

Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trong một cuộc khảo sát khác của LinkedIn với hơn 21.000 chuyên gia vào đầu năm 2022, dự báo nhiều nhân viên công sở khác có ý định đổi công việc mới trong vòng nửa năm tới.

Một lần nữa, thế hệ MZ chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Lan song nhay viec lien tiep anh 2

Hannah Williams kiếm thêm 50.000 USD mỗi năm nhờ nhảy việc. Ảnh: Fortune.

Trái với thế hệ cha mẹ ở tuổi trung niên đề cao công việc ổn định, nhóm người trẻ hơn không còn đi theo lối nghĩ này.

“Cha tôi không muốn con chuyển việc liên tục vì coi trọng tính an toàn, lâu dài. Điều này có thể dễ hiểu, bởi những người cùng thế hệ với họ đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, suy thoái khác nhau”, Aleigha giải thích.

Nhưng theo cô gái, các lợi ích vẫn được nhắc tới, như lương hưu, không còn thật sự quan trọng.

Hannah Williams (25 tuổi), hiểu rằng việc trung thành với một công ty trả mức lương 40.000 USD sẽ không giúp cô trả hết các khoản vay sinh viên hoặc giúp cô đủ tiền mua nhà, nhất là ở thành phố đắt đỏ như Washington D.C.

Hiện Hannah kiếm được 115.000 USD, sau khi chuyển sang vị trí nhà phân tích dữ liệu.

“Tất cả đều hiểu những gì đã xảy ra trong đại dịch, với hàng triệu người mất việc làm. Nhiều nhân viên được đối xử như thể họ rất cần thiết cho công ty, song lại không nhận được hỗ trợ tốt. Tôi nghĩ rằng sự mệt mỏi và tức giận đã nhân lên và người lao động nhận thấy họ mới là người nên làm chủ cuộc chơi”, Hannah nói.

Lan song nhay viec lien tiep anh 3

Làn sóng nhảy việc đẩy người tuyển dụng vào thế đã khó lại càng khó.

Rời đi khi không hài lòng

Kiếm được nhiều tiền hơn không phải là mục đích duy nhất. Gen Z đang đòi hỏi những công việc đem lại cho họ giá trị tinh thần.

80% những người nhảy việc thuộc Gen Z cho biết họ muốn rời bỏ công việc để tìm một công việc phù hợp hơn với sở thích và 76% nói rằng lý do khác là tìm kiếm cơ hội tích lũy kinh nghiệm.

Trong khi đó, 59% thuộc thế hệ Millennials muốn nghỉ việc để tìm một tổ chức có ý nghĩa hơn và 55% hy vọng rời đi để có thêm kỹ năng.

Điều này có nghĩa những nhân viên Gen Z có sự linh hoạt và sớm áp dụng điều này vào sự nghiệp của họ.

Bỏ việc từng được coi là giải pháp cuối cùng cho những người lao động bị đối xử tệ bạc. Hiện tại, những nhân viên trẻ hơn đang rời đi vì thấy không hài lòng hoặc không nhìn thấy tương lai với công ty của mình.

Aleigha cho rằng các thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị bản thân hơn. Họ không cần phải cố vui vẻ và chịu đựng môi trường làm việc độc hại.

Lan song nhay viec lien tiep anh 4

Trái với thói quen giữ kín chuyện nhảy việc trước kia, giờ nhiều lao động trẻ tại Mỹ công khai với thái độ tự hào, kêu gọi người khác có nhu cầu tương tự dũng cảm làm theo. Ảnh: BI.

Lớp người trẻ có thể nghỉ việc với sự thoải mái khi biết rằng các công ty đang tranh giành việc tuyển dụng. Ngay cả nhân viên ở những nơi làm việc được cho là lành mạnh cũng có thể mong đợi nhiều hơn từ công ty nếu họ cảm thấy buồn chán hoặc không còn hứng thú với công việc.

“Nếu có ai cảm thấy sợ hãi rời khỏi một môi trường an toàn, tôi sẽ khuyến khích họ vượt qua nỗi sợ đó. Vì tôi đã làm và kiếm thêm 50.000 USD mỗi năm”, Aleigha nói.

Với làn sóng bỏ việc vẫn chưa dừng lại, các cấp lãnh đạo và người tuyển dụng càng ý thức sâu sắc rằng họ sẽ không thể giữ chân nhân viên nếu không có đãi ngộ và cách đối xử tốt.

Công khai nói về chuyện lương, thưởng vốn không phổ biến. Nhưng thế hệ MZ đã không còn ngại ngần nếu số tiền họ nhận được xứng đáng với công sức bỏ ra.

Trên mạng xã hội, những chia sẻ về thu nhập đang phổ biến. Khi chia sẻ về sự nghiệp với người xem, Aleigha và Hannah còn nói về những tập đoàn, công ty có chính sách lương, đãi ngộ không thỏa đáng, gây thiệt cho người lao động.

Bên dưới phần bình luận, nhiều người xem cũng tiết lộ mức lương hoặc nói về quyết định bỏ việc của mình, được thúc đẩy bởi những video nói về chuyện nhảy việc liên tục.

Ngoài ra, các bình luận phản đối đến từ nhóm phụ trách tuyển dụng cũng xuất hiện, với tuyên bố “sẽ không bao giờ thuê những người nhảy việc liên tiếp”.

Tuy nhiên, thực tế cho rằng trong các lĩnh vực như công nghệ hay làm cho chính phủ, những người nhảy việc không cần tốn nhiều công sức để tìm việc làm mới mà cơ hội tự tìm đến họ.

“Chúng ta không nên coi những người trẻ nhảy việc là vấn đề nghiêm trọng hoặc điểm tiêu cực với công ty. Điều đó có lẽ đã không xảy ra nếu các công ty đưa ra mức lương và đãi ngộ cạnh tranh hơn”, Hannah bày tỏ.

Dân văn phòng đi chơi để làm việc

Đi làm và đi chơi vốn là hai khái niệm tách biệt khỏi nhau. Song, xu hướng làm việc từ xa lên ngôi đã giúp dân công sở ở nhiều nơi được lựa chọn vừa du lịch, vừa chạy deadline.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm