Một trong những nhân vật lịch sử đáng nhớ nhất ở Hàn Quốc không phải nhà cầm quyền hay nhà quân sự, mà là nữ sinh trung học đấu tranh vì chế độ.
Năm 1919, ở tuổi 18, Yu Gwan-sun tổ chức cuộc biểu tình hòa bình nhằm phản đối chính sách cai trị của Nhật Bản. Hàng nghìn người mang theo cờ Hàn Quốc, yêu cầu Nhật trao trả độc lập. Trong suốt 35 năm thuộc địa, mọi dấu hiệu của chủ nghĩa dân tộc đều bị cấm. Yu bị bắt. Vài năm sau, nữ sinh dũng cảm này hy sinh trong tù do bị tra tấn.
Hiện tại, cuộc đời và di sản của Yu Gwan-sun lại trở thành tiêu điểm trong cuộc tranh luận trên khắp Hàn Quốc liên quan việc giải thích và giảng dạy Lịch sử.
Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố chính sách sách giáo khoa mới thống nhất trên cả nước. Ảnh: AFP/ Getty Images. |
Năm 2014, ông Hwang Kyo-ahn, Bộ trưởng Giáo dục, từng thắc mắc nguyên nhân một số sách giáo khoa Lịch sử tại các trường trung học cơ sở không đề cập Yu Gwan-sun. Ông cho rằng, học sinh cần biết nữ anh hùng này, chính phủ nên xuất bản một cuốn sách Lịch sử duy nhất áp dụng tại tất cả các trường trên cả nước.
Từ năm 2010, Hàn Quốc cho phép các nhà xuất bản đặt hàng giáo viên và nhà sử học viết sách giáo khoa. Sau đó, họ đệ trình lên chính phủ để được cấp phép in ấn. Các trường lựa chọn sách từ danh sách đã được phê duyệt.
Sau cuộc tranh luận kịch liệt về tự do học thuật, đa dạng trong giáo dục và tính thống nhất toàn quốc, tháng 11/2015, chính phủ nước này tuyên bố sẽ xuất bản sách giáo khoa Lịch sử duy nhất, áp dụng tại tất cả các trường trung học cơ sở.
Người dân cùng giới chuyên gia tiếp tục phân thành hai luồng ý kiến về nội dung sách dự kiến được phát hành vào năm 2017 này.
"Chúng ta không thể tiếp tục dạy học sinh bằng những cuốn sách bóp méo sự thật", ông Hwang Kyo-ahn nói.
Chính phủ khẳng định, nó sẽ khắc phục lỗ hổng trong tư tưởng bằng cách để học tiếp xúc với những sự thật, bình luận giống nhau. Tuy nhiên, thay vì mang lại tính thống nhất về lịch sử, chính sách này có thể khiến vấn đề chia rẽ trong xã hội sâu sắc hơn.
"Cuộc tranh luận về sách giáo khoa cho thấy tình trạng phân cực trong xã hội Hàn Quốc", Han Sung-hoon, giáo sư Đại học Yonsei ở Seoul, nói.
Người dân biểu tình phản đối chính sách mới về sách giáo khoa Lịch sử hôm 3/11. Ảnh: AFP/ Getty Images. |
Cuộc tranh luận thu hút sự tham gia của người dân. Nhiều học giả cũng cho rằng, chính sách sách giáo khoa mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tự do học thuật. Tuần trước, 204 học giả nước ngoài nghiên cứu về Hàn Quốc đã ký một tuyên bố công khai chỉ trích động thái này. Theo họ, "việc sử dụng duy nhất một sách giáo khoa do nhà nước phát hành vi phạm nguyên tắc về tính đa dạng trong tư tưởng, yếu tố cần thiết của nền dân chủ".
Chính sách mới thậm chí còn liên quan mối quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước láng giềng. Phe đối lập và các nhà giáo dục cho rằng, mục đích thực sự của chính phủ trong việc phát hành sách giáo khoa Lịch sử duy nhất là để thanh minh cho mối quan hệ hợp tác giữa giới thượng lưu Hàn Quốc với các nhà cai trị nước ngoài và thời kỳ độc tài chuyên chính sau chiến tranh (1950 - 1953). Trong tháng 11, các thành viên thuộc phe đối lập không tham gia họp quốc hội nhằm phản đối chính sách mới.
Trong các cuộc biểu tình, những người ủng hộ Liên minh Chính trị mới vì dân chủ mang theo biểu ngữ chỉ trích chính quyền. Các cuộc biểu tình chỉ thu hút khoảng vài trăm người nhưng diễn ra tại các thành phố trên khắp nước.
Lý do việc một số sách giáo khoa Lịch sử không đề cập Yu Gwan-sun cũng không rõ ràng. Các sử gia thuộc cánh hữu đã phóng đại huyền thoại về nữ sinh anh hùng. Ngược lại, sử gia thuộc cánh tả lại hạ thấp giá trị của nhân vật lịch sử này.
Nhóm người ủng hộ chính sách sử dụng sách giáo khoa Lịch sử thống nhất của chính phủ. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, sự tranh luận nổ ra khi trong một cuộc biểu tình diễn ra tại Seoul hôm 3/11, hàng chục người lại ủng hộ cách làm của chính phủ.
"Chúng ta cần thoát khỏi xu hướng biến dạng theo cánh tả tại các trường học. Đất nước cần một quan điểm thống nhất", một thành viên trong nhóm biểu tình này nói.
Tuy nhiên, các học sinh tại trường Trung học Nữ sinh Ewha, trường học cũ của Yu Gwan-sun, không quan tâm đến vấn đề chính trị trong cuộc tranh luận lớn nhất tại Hàn Quốc hiện nay, vì họ bận chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.