Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Phan Huy Lê: Đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Lịch sử

Nếu mới mà hay thì chúng ta hoan nghênh nhưng rất tiếc đây là cái mới nhưng rất tùy tiện, không dựa trên một nền tảng khoa học nào cả nên chúng ta phải góp ý đến cùng với Bộ GD&ĐT.

 

Đó là khẳng định của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trước việc dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lồng ghép môn lịch sử và đưa môn này trở thành môn tự chọn ở cấp THPT với tên gọi công dân với Tổ quốc. 

Xin lược trích ý kiến của GS Phan Huy Lê về vấn đề này.

Sẽ xóa bỏ môn lịch sử

Bộ GD&ĐT luôn luôn giải thích rằng không bao giờ bỏ môn Lịch sử mà hơn thế nữa rất coi trọng môn này. Nhưng trên thực tế, bằng cách xây dựng chương trình như hiện nay, tức là đưa môn Lịch sử vào các môn tích hợp, không còn môn Lịch sử.

Điều đó, theo tôi là xóa bỏ môn Lịch sử. Nếu xóa bỏ môn Lịch sử, không riêng tôi mà cả xã hội này đều hết sức lo lắng, vì nó dẫn đến một hệ quả cực kỳ nguy hiểm trên phương diện đào tạo thế hệ trẻ thành một công dân tương lai của đất nước tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GS Phan Huy Lê cho rằng nếu xóa bỏ môn lịch sử là điều rất nguy hiểm. 

Phải khẳng định một điều là tích hợp là một khuynh hướng của nền giáo dục hiện đại. Nhưng tích hợp như thế nào, tích hợp ở các bậc học nào thì trong nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Chính phủ đã có hướng dẫn và chỉ đạo và hướng dẫn rất rõ ràng và chuẩn xác.

Tức là tích hợp ở các lớp cấp dưới và phân hóa dần ở các lớp cấp trên. Trên tinh thần đó, tôi nghĩ môn lịch sử tích hợp vào các môn như: cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội từ lớp 1 đến lớp 5 là hoàn toàn thỏa đáng.

Nhưng mà nếu tiếp tục tích hợp khoa học xã hội ở THCS và công dân với Tổ quốc ở THPT theo tôi đã xóa sạch môn sử, tức là đem môn sử học vốn là môn học riêng biệt, bây giờ cắt nhỏ thành vụn rồi ghép với các môn học khác rõ ràng là không thỏa đáng, đặc biệt là cấp THCS và THPT.

Ví dụ môn công dân với Tổ quốc, tên rất hay nhưng Bộ GD&ĐT giải thích môn này tích hợp trên cơ sở của ba môn chính, tức là giáo dục công dân, giáo dục an ninh quốc phòng và lịch sử.

Theo tôi, an ninh quốc phòng dĩ nhiên là môn học bắt buộc, điều đó đã có trong Luật An ninh quốc phòng rồi. Nhưng đem vào đó môn giáo dục công dân thì về phương diện nào đó còn thể hiện được vì cùng một loại hình và có mối quan hệ mật thiết. Nhưng đem môn Lịch sử tích hợp vào thì hoàn toàn thiếu cơ sở.

Về nguyên tắc tích hợp không phải muốn gán ghép bất cứ môn nào với nhau mà phải trên cơ sở môn học gần nhau, hay nói trên thuật ngữ khoa học, là những môn phải có khả năng liên hệ với nhau.

Lịch sử là môn học của quá khứ, nó có hệ thống lý luận và phương pháp luận riêng mà đem chắp nối với một môn hoàn toàn của thời kỳ hiện đại thì rất gập ghềnh và hoàn toàn không có cơ sở.

Cuộc gán ghép “vô tiền, khoáng hậu”

Trong cuộc hội thảo của Bộ GD&ĐT, tôi nói môn học công dân với Tổ quốc là môn tích hợp nhưng thực chất mà nói đây là gán ghép với một tên mà nền giáo dục Việt Nam cũng như thế giới chưa bao giờ có. Tức là vô cùng mới mẻ, mới mẻ đến mức tôi nói đùa là “vô tiền, khoáng hậu”.

Nếu mới mà hay thì chúng ta hoan nghênh nhưng rất tiếc đây là cái mới nhưng rất tùy tiện, không dựa trên một nền tảng khoa học nào cả. Mà ngay cả tên gọi cũng có nhiều điều băn khoăn. Khái niệm Tổ quốc đưa vào đây quá rộng lớn mà gói gọn trong ba môn học không thỏa đáng, từ tên gọi đến nội dung tích hợp không thỏa đáng một chút nào.

Trong hội nghị 3/11, tất cả người phát biểu đều phản đối kịch liệt và tỏ ra rất băn khoăn, đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu nghiêm túc hơn. Đấy là ý kiến của đa số các đại biểu nhưng tôi cũng tin rằng đó là ý kiến tôi tin rằng nếu không phải tất cả nhưng là của đại bộ phận dư luận chúng ta. Nhưng đến lúc này Bộ GD&ĐT vẫn chưa tỏ ra bất kỳ một thái độ nào, tiếp thu hay không tiếp thu, bảo vệ chủ trương của mình hay thay đổi.

Góp ý đến cùng

Tôi đã nhiều lần nói tích hợp là xu hướng rất hiện đại nhưng tích hợp ở cấp độ nào, tích hợp những môn nào với nhau thì cần nghiên cứu cụ thể.

Trong Điều 28 Luật Giáo dục đã nhấn mạnh một điểm ở cấp THCS phải coi trọng giáo dục kiến thức cơ sở cho học sinh, thứ nhất là tiếng Việt, thứ hai là toán và thứ ba là lịch sử dân tộc, điều này đã đi vào luật.

Tôi nghĩ rằng Bộ GD&ĐT am hiểu hơn ai hết và có trách nhiệm cao nhất phải thực thi điều luật này. Như vậy, đứng ở phương diện này mà nói chính Bộ GD&ĐT coi thường pháp luật.

Thứ hai, đứng ở phương diện yêu cầu đào tạo lớp trẻ thì tôi nghĩ rằng không thể thiếu lịch sử được. Đây không phải vấn đề đặc thù của riêng Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới kể cả nước Mỹ, có lịch sử trên hai thế kỷ nay, họ đều coi trọng môn lịch sử và coi lịch sử là môn cơ bản hoặc bắt buộc giảng dạy trong phổ thông.

Không có lý do gì Việt Nam, đặc biệt những nội dung lịch sử đầy những kiến thức nền tảng, làm nền tảng cơ sở cho việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc để xây dựng bản lĩnh của con người Việt Nam mà lại không hiểu biết về lịch sử dân tộc. Tôi không thể hình dung nổi thế hệ trẻ, sau khi ra trường mà hiểu biết về lịch sử mơ hồ như hiện nay.

Thậm chí Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, tôi không thể hiểu nổi các em làm thế nào để hoàn thành trọng trách công dân với Tổ quốc, nhất là trong điều kiện nước ta vừa xây dựng vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trong lúc đó phải luôn luôn sẵn sàng để bảo vệ Tổ quốc mình.

Trong lúc một phần lãnh thổ của nước ta đang bị đe dọa, điều này gần như xã hội lo ngại, chỉ riêng Bộ GD&ĐT bằng lòng với việc làm hiện nay nên chúng ta phải góp ý đến cùng với Bộ GD&ĐT.

Tổ chức hội thảo quốc gia về môn lịch sử

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia về môn lịch sử vàongày 15-11 tạiBảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các trung tâm, vụ, viện, khoa Sử các trường đại học trên toàn quốc và một số giáo viên lịch sử phổ thông.

Thất vọng với ý tưởng bỏ môn Lịch sử

“Bộ GD&ĐT luôn lập luận không bỏ môn Lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

'Nếu hợp lý, Bộ GD&ĐT sẽ tách Lịch sử thành môn học riêng'

Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ này đang lắng nghe ý kiến của toàn xã hội góp ý cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.


 

http://phapluattp.vn/giao-duc/gs-phan-huy-le-dau-tranh-den-cung-de-giu-lai-mon-lich-su-589916.html

Theo Huy Hà/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm