Gần đây, dư luận quan tâm đến vị trí môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT. Theo đó, cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc.
Các môn tự chọn bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Công nghệ, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, các chuyên đề học tập về Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Dũng Tiến. |
Nhiều giáo viên dạy sử trong cả nước, cũng như chuyên gia nghiên cứu môn học này lo lắng, dự thảo đang từng bước “khai tử” môn Lịch sử trong chương trình học và trong cả kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - khẳng định, vị trí môn Lịch sử không có gì thay đổi và đây cũng là môn bắt buộc. Tuy nhiên, việc sắp xếp môn này ở vị trí nào là điều đang được bàn luận.
Vấn đề đào tạo giáo viên để đáp ứng được việc đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng được quan tâm.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, từ 3 năm trước, Bộ GD&ĐT đã mời 7 trường đại học đào tạo sư phạm trao đổi về đổi mới chương trình đào tạo và đang triển khai.
Ông Thống cho rằng, bậc THPT, mỗi tuần sẽ có một tiết Lịch sử, 3 năm học là 105 tiết. Ngữ văn và Toán cũng là môn bắt buộc, mỗi tuần có hai tiết học. Thậm chí, trong chương trình mới, các em học sử nhiều hơn, bởi học sinh theo định hướng khoa học tự nhiên, công nghệ đều học môn Khoa học Xã hội (trong đó có Lịch sử).
Những em theo định hướng chuyên ngành Khoa học Xã hội, sẽ học Lịch sử 2 (Lịch sử tự chọn). Còn ý kiến băn khoăn giờ Lịch sử ghép vào Công dân với Tổ quốc có hợp lý không thì cần bàn tiếp.
Theo Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Lịch sử là môn học riêng sẽ có nội dung trùng với An ninh Quốc phòng, Giáo dục Công dân. Hơn nữa, việc tách riêng sẽ không thực hiện được định hướng giảm môn bắt buộc và tăng cường môn tự chọn. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, học sinh hoàn toàn học môn tự chọn.
“Thêm nữa, giáo dục Lịch sử không phải chỉ ở môn Lịch sử, mà Ngữ văn, Địa lý, Đạo đức, Công dân, Âm nhạc cũng đều có ý nghĩa giáo dục lịch sử. Hình thức giáo dục Lịch sử của chúng ta nên đổi mới, hướng học sinh trở về cội nguồn, đi thăm di tích lịch sử. Chúng ta không thể đánh đồng giáo dục Lịch sử chỉ là dạy sử”, ông Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.
Cũng theo quan điểm của ông Thống, môn Lịch sử không thể biến thành Khoa học Lịch sử (dành cho những nhà nghiên cứu). Một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình giáo dục hiện hành là bê nguyên khoa học tương ứng từ đại học xuống chương trình THPT. Các môn học phải được qua bàn tay nhào nặn của nhà sư phạm để có những bài học sinh động.
Bộ GD&ĐT đang lắng nghe ý kiến của toàn xã hội góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. “Nếu hợp lý, Bộ GD&ĐT sẽ tách Lịch sử thành môn học riêng”, ông Thống nói.
GS sử học Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm không đồng tình việc đưa Lịch sử trở thành môn tích hợp và biến môn học này không còn là riêng biệt. Dự kiến, trong tháng 11, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề này.
Về vấn đề tích hợp môn học, GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, phương án như trong dự thảo thiếu cơ sở khoa học, mang tính chắp vá, gò ép, phá nát chương trình môn Lịch sử.
GS Bình dẫn ví dụ, các nước phát triển không xếp Lịch sử là môn tự chọn. Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước chúng ta đang học tập về giáo dục, cũng coi Lịch sử là môn bắt buộc. Trong một cuộc hội thảo, khi nói tới tích hợp, các giáo sư Hàn Quốc cho biết, họ không thể thực hiện được tích hợp Lịch sử với môn khác.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho rằng, dạy Lịch sử còn là dạy làm người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao phông văn hóa cho học sinh. Học Lịch sử còn để biết giá trị của ngày hôm nay, từ đó biết ý nghĩa của thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
"Tôi đề nghị Lịch sử phải là môn học bắt buộc và trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia", ông Hiếu nói.