Trong khi tăng trưởng thu nhập bình quân của số đông người dân Trung Quốc vẫn chưa phục hồi do tác động của đại dịch, cuộc sống của nhóm lao động có thu nhập trung bình và thấp ngày càng khó khăn, theo South China Morning Post.
Tina Tang, thư ký cho một công ty công nghệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Châu, cảm nhận rõ ảnh hưởng khi số tiền cô kiếm được trong 2 năm qua chững lại.
Một gia đình công nhân nhập cư xách đồ đạc đến bến xe buýt ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người làm cùng ngành với Tina chịu cảnh cắt giảm lương hoặc chấp nhận việc bị “đóng băng” lương.
“Công ty giảm 20% lương hàng tháng, nhiều người bỏ việc sau đó. Tình hình hoạt động và doanh thu không tốt, còn các khoản thanh toán hợp đồng bên ngoài không được giải quyết đúng hạn. Từ hơn 130 nhân viên trong nửa đầu năm ngoái, bây giờ chỉ còn lại 32 người”, cô nói.
Thu nhập tỷ lệ nghịch với sinh hoạt phí
Lời kêu gọi từ các nhà kinh tế và cố vấn chính phủ đã tăng lên, đề nghị có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Kinh tế thuộc Diễn đàn Kinh tế trưởng Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, tốc độ tăng trưởng thu nhập trung bình hàng năm của người dân ở 18 thành phố lớn đã chậm lại, từ 14% năm 2010 xuống còn khoảng 8% vào năm 2019.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chẳng hạn như tiền thuê nhà và thực phẩm, đã ảnh hưởng đến túi tiền của một loạt người dân.
“Lương hàng tháng của tôi là 5.300 nhân dân tệ. Vì vậy, tôi hiếm khi dám chi tiền cho những thứ không thiết yếu. Năm ngoái, tôi thường gọi đồ ăn mang về nhưng năm nay chủ yếu tự nấu ăn”, Tina nói.
Không chỉ dân lao động chân tay, giới văn phòng Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi bị cắt giảm lương trong hai năm dịch bệnh. |
Tăng trưởng thu nhập của nhóm thu nhập thấp và trung bình là một trong những mục tiêu được đặt ra trong chiến dịch thịnh vượng chung của Bắc Kinh, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang đe dọa sự đi lên của kinh tế đất nước.
Mức lương tối thiểu ở các thành phố phát triển nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu là hơn 2.000 nhân dân tệ/tháng (314 USD), trong khi các khu vực nghèo hơn như tỉnh Hắc Long Giang là 1.860 nhân dân tệ/tháng.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) định nghĩa những người có thu nhập thấp là những người có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 nhân dân tệ, trong khi nhóm thu nhập trung bình là những người nhận được 2.000-5.000 nhân dân tệ/tháng.
Hai năm gần đây, khoảng cách thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn ở Trung Quốc ngày càng mở rộng.
Theo số liệu của NBS, thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị cao gấp 2,44 lần so với cư dân nông thôn vào năm 2019, và tỷ lệ này đã tăng lên 2,56 vào năm 2020 và 2,6 trong nửa đầu năm nay.
Nhóm lao động có thu nhập trung bình và thấp, vốn có mức lương không dư dả, càng chứng kiến mức sống đi xuống. |
Đời sống tằn tiện, eo hẹp
Nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, cải thiện mức lương vẫn là câu chuyện xa vời.
“Với tình hình khó khăn hiện tại, chúng tôi không thể tăng lương cho nhân viên. Những công nhân nhập cư chúng tôi thuê sẽ đến và đi, chúng tôi không đủ khả năng giữ chân họ. Bản thân công ty cũng đang trong cảnh nợ nần. Doanh nghiệp nhỏ có rất ít sự bảo vệ và hỗ trợ từ chính sách”, Shen Xiaomei, quản lý tại một công ty xây dựng ở tỉnh Hà Bắc, nói.
Huang Weijie, chủ sở hữu 45 tuổi của một xưởng may nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, cho biết doanh số bán hàng đã sụt giảm mạnh do nhu cầu thấp. Để kiếm sống qua ngày, anh phải tìm đến các quầy hàng nhỏ lẻ tại địa phương.
Tuy nhiên, mức độ chi tiêu của nhóm khách hàng chính - lao động nhập cư và gia đình của họ - vốn đã thấp, lại càng giảm mạnh.
"Năm ngoái, doanh thu hàng ngày cao nhất của tôi có thể vượt quá mốc 5.000 nhân dân tệ. Năm nay, lúc nào khá nhất thì là 3.000 nhân dân tệ và hầu hết tôi chỉ kiếm được khoảng 1.000 nhân dân tệ/ngày", Huang nói thêm rằng một số ngày mình bị lỗ sau khi trừ các khoản chi phí liên quan.
Giới chuyên gia và phân tích đánh giá tình hình lao động thất nghiệp, doanh nghiệp nhỏ làm ăn thất bát có xu hướng tồi tệ hơn. |
Giới phân tích đánh giá tình hình có khả năng tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo về áp lực đi xuống “mới” đối với nền kinh tế, nhấn mạnh rằng chính phủ cần tập trung vào việc duy trì việc làm ổn định và hỗ trợ cho các nhà sản xuất nhỏ trong nước.
Luo Zhiheng, trưởng ban phân tích kinh tế vĩ mô của bộ phận nghiên cứu tại Yuekai Securities, cảnh báo nguy cơ thất nghiệp trên đà tăng lên tại các doanh nghiệp nhỏ vì những đơn vị này khó duy trì hoạt động.
"Đó là lý do ổn định giá cả và việc làm là điều quan trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà vì việc làm, thu nhập và sinh kế của dân lao động đều bị đe dọa. Ngoài ra, đối với những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cho dù họ là công ty hay nhóm thu nhập thấp, chính phủ nên hỗ trợ”.
Để thúc đẩy tiêu dùng của nhóm thu nhập thấp, chính quyền Quảng Đông tuần trước cho biết họ đang tìm cách rót thêm tiền vào các lĩnh vực công cộng như an sinh xã hội, chăm sóc y tế và giáo dục, đồng thời tăng nguồn cung nhà thuê giá rẻ cho những người trẻ tuổi đang gặp khó khăn.
Đối với Li Wei, một freelancer sống ở Thâm Quyến, chuyên viết bài PR cho các chương trình tạp kỹ Trung Quốc, việc cắt giảm lương và tăng tiền thuê nhà đã buộc cô phải sống tằn tiện, "thắt lưng buộc bụng".
“Số tiền tôi được trả cho mỗi 1.000 từ đã giảm từ 1.100 nhân dân tệ vào năm ngoái xuống còn 800 nhân dân tệ vào năm nay. Ngược lại, tiền thuê nhà đã tăng từ 8.000 lên 9.000 nhân dân tệ, với 4 người trẻ ở chung căn hộ 3 phòng ngủ. Tôi cũng còn có khoản thế chấp cho căn hộ nhỏ của mình để lo lắng", Li cho biết.
Cô nói những người bạn làm công ăn lương của cô cũng không tránh khỏi tình cảnh eo hẹp tương tự.
"Một vài người may mắn được những gã khổng lồ công nghệ nhận vào làm và lương có thể đã tăng 50% nhưng đó là những nơi làm việc cường độ cao, vắt kiệt sức lực. Còn trong các ngành công nghiệp truyền thống, chẳng hạn như sản xuất và dịch vụ, thu nhập chỉ có đi xuống, không có tăng”, Li nói.