Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những quy định cách ly tại nhà gây tranh cãi

Dù được coi là một trong những biện pháp quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh, việc đặt ra quy định cách ly tại nhà vẫn không ít lần vấp phải phản đối.

Biện pháp cách ly tại nhà trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vốn được nhiều quốc gia áp dụng, cho cả bệnh nhân F0 lẫn các trường hợp đi từ vùng có dịch về.

Đây được coi là phương án cần thiết để giảm tải áp lực khổng lồ lên bệnh viện, cơ sở cách ly, nhân viên và hệ thống y tế vốn đã quá tải. Tuy nhiên, không phải lúc nào biện pháp này cũng được hoan nghênh và ngược lại, gây ra tranh cãi.

quy dinh cach ly tai nha gay tranh cai anh 1

Thông báo cách ly tại một ngôi nhà ở Ấn Độ. Ảnh: ET.

Dùng nhận diện gương mặt để theo dõi

Hồi tháng 9, New South Wales và Victoria - hai bang đông dân nhất của Australia với tổng 25 triệu dân - thông báo thử nghiệm phần mềm nhận dạng khuôn mặt, cho phép cảnh sát kiểm tra người dân thuộc diện cách ly tại nhà.

Động thái này gây ra phản ứng trái chiều cho người dân xứ chuột túi, theo Euro News.

Theo đó, người dân được yêu cầu chụp ảnh selfie ngẫu nhiên trước địa chỉ cách ly tại nhà cố định của họ. Nếu phần mềm, thu thập cả dữ liệu vị trí, không xác minh được gương mặt, cảnh sát có thể đến tận nhà để xác nhận người đang trong thời gian cách ly vẫn đang tuân thủ quy định phòng dịch.

Trên website của mình, công ty công nghệ Genvis có trụ sở tại Perth, miền Tây Australia - đơn vị cung cấp phần mềm - cho biết các thử nghiệm được tiến hành trên cơ sở tự nguyện.

quy dinh cach ly tai nha gay tranh cai anh 2

Chính quyền hai bang đông dân nhất Austrlia vấp phải chỉ trích khi dùng công nghệ nhận diện gương mặt để quản lý người cách ly tại nhà. Ảnh: 7news.

Công ty khởi nghiệp này đã phát triển phần mềm với cảnh sát bang Western Australia vào năm 2020 để giúp theo dõi các di chuyển trong đại dịch. Genvis cũng hy vọng sẽ bán thành công dịch vụ của mình ra nước ngoài.

Trước đó, bang South Australia đã thử nghiệm cách làm tương tự. Biện pháp này làm dấy lên làn sóng phản đối từ những người ủng hộ quyền riêng tư về việc bị giám sát quá mức.

Việc có thêm 2 bang khác cùng áp dụng cách này càng làm tăng thêm những lo ngại.

Thông báo hai bang đông dân nhất Australia đang thử nghiệm tính năng nhận dạng khuôn mặt được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Liên Hợp Quốc cảnh báo công nghệ này có thể vi phạm quyền riêng tư.

“Các công nghệ dựa trên AI như nhận dạng khuôn mặt có thể gây ra tác động tiêu cực nếu chúng được sử dụng mà không lường trước đầy đủ mức độ ảnh hưởng”, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho biết.

Bà Bachelet nói thêm chính quyền ở Australia nên ngừng sử dụng tính năng quét khuôn mặt cho đến khi họ chứng minh được công nghệ này là chính xác, không phân biệt đối xử và đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư lẫn bảo vệ dữ liệu.

quy dinh cach ly tai nha gay tranh cai anh 3

Người dân được yêu cầu chụp ảnh "tự sướng" trước nhà ở để chứng minh vẫn tuân thủ quy định tự cách ly. Ảnh: The Guardian.

Thủ hiến của bang New South Wales Gladys Berejiklian khi đó cho biết rằng bang này “sắp thí điểm phương án cách ly tại nhà mới cho những người mới trở về nước”, song không trả lời thắc mắc về việc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt.

Giám đốc điều hành Genvis Kirstin Butcher từ chối bình luận về các thử nghiệm, ngoài những tiết lộ về sản phẩm trên trang web.

“Bạn không thể tự cách ly tại nhà mà không có chính quyền kiểm tra. Để hỗ trợ các kế hoạch tái mở cửa, việc sử dụng công nghệ là cần thiết”, Butcher nói.

Còn những người không ủng hộ đặt câu hỏi về độ chính xác và tin cậy của công nghệ này, thậm chí đặt nghi vấn chúng có thể bị hacker tấn công và đưa ra những báo cáo vị trí sai.

Về phía giới chức, chính quyền bang Western Australia cho biết họ cấm cảnh sát sử dụng dữ liệu được thu thập bởi phần mềm liên quan đến Covid-19 cho các vấn đề không phải dịch bệnh. Cảnh sát bang này thì khẳng định họ đã áp dụng cách thức mới cho 97.000 người cách ly tại nhà mà không xảy ra sự cố.

Bắt trẻ đã tiêm vaccine cách ly

Cuối tháng trước, Sở Giáo dục bang Florida (Mỹ) thông báo sẽ điều tra một trường tư thực ở thành phố Miami. Trước đó, Học viện Centner yêu cầu phụ huynh để con cái ở nhà trong vòng 30 ngày sau khi những đứa trẻ được tiêm vaccine phòng Covid-19, theo Local10.

“Chúng tôi nhận được thông tin trường yêu cầu cha mẹ của những học sinh vừa được tiêm chủng phải cách ly con họ trong một khoảng thời gian không hợp lý. Hành động này là không cần thiết”, trích trong thư Sở Giáo dục Florida gửi ngôi trường này.

“Nếu kết luận điều tra cho thấy chính sách của trường vi phạm luật của bang, các biện pháp xử phạt nghiêm khắc sẽ được thực thi, như thu hồi học bổng và tiền tài trợ”, thông báo nói thêm.

Trả lời về vụ việc, David Centner - người đồng sáng lập trường - cho biết email gửi tới gia đình dựa trên các ưu tiên của nhà trường về “lợi ích của học sinh và tính an toàn trong môi trường giáo dục”. Người đại diện nói thêm quy định mới dựa trên các quy trình thử nghiệm về việc tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em tại Mỹ.

Tiến sĩ Aileen Marty, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết chính sách của Học viện Centner không dựa trên cơ sở khoa học thực tế.

“Quy định cách ly trẻ em tại nhà 30 ngày không có căn cứ khoa học. Chưa hết, nó còn có thể gây nhầm lẫn và gieo rắc hoang mang trong cộng đồng”, tiến sĩ Marty cho hay.

CDC Mỹ đã bác bỏ thông tin rằng vaccine phòng ngừa Covid-19 có thể giải phóng virus ra bên ngoài. “Việc phóng thích virus chỉ có thể xảy ra khi vaccine có chưa một phiên bản virus đã suy yếu. Không có loại vaccine nào được phép sử dụng ở Mỹ có chứa virus sống”, vị tiến sĩ nói thêm.

Tương lai u ám của việc tiêu xài đồ hiệu ở Trung Quốc

Làn sóng nhà giàu Trung Quốc bùng nổ sắm sửa đồ hiệu trong các năm qua nhiều khả năng sắp bước vào giai đoạn chững lại vì vấp phải rào cản từ chính phủ.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm