Số lượng nữ giới nắm giữ vị trí quan trọng tại các chaebol (tập đoàn gia đình) Hàn Quốc đang tăng lên, theo Korea Times.
Tháng 2 năm ngoái, Quốc hội Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Thị trường, yêu cầu các công ty niêm yết tài sản từ 2.000 tỷ won trở lên không được phép có hội đồng quản trị chỉ toàn nam giới.
Các tên tuổi chaebol lớn nhất đất nước như Samsung, Hyundai, SK và LG đang cố gắng đáp ứng yêu cầu trước khi luật sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8 năm sau.
Từ năm ngoái, Quốc hội Hàn Quốc ra quy định hội đồng quản trị tại các chaebol lớn trong nước phải có ít nhất 1 thành viên nữ. Ảnh minh họa: Reuters. |
Quy định bắt buộc
Tại Hyundai Motor, truyền thống là nam giới nắm giữ các vị trí quan trọng nhất, cho đến gần đây, khi Lee Ji Yun - thành viên nữ đầu tiên - được bổ nhiệm. Samsung Electronics cũng đã có một nữ giám đốc đối ngoại trong hội đồng quản trị của mình.
Theo Viện CXO Hàn Quốc, nhiều tên tuổi trong 100 công ty hàng đầu của đất nước đã bổ nhiệm tổng cộng 31 thành viên nữ vào hội đồng quản trị trong năm nay. Nhưng hầu hết chỉ có 1 thành viên nữ góp mặt và trong hầu hết trường hợp, họ là các giám đốc bên ngoài.
Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Credit Suisse công bố vào tháng 9, phụ nữ chiếm trung bình 24% trong các vị trí hội đồng quản trị tại các công ty trên khắp thế giới.
Viện đã theo dõi tỷ lệ giới tính trong hội đồng quản trị của hơn 3.000 công ty ở 46 quốc gia. Châu Âu và Bắc Mỹ dẫn đầu mức trung bình toàn cầu với lần lượt tỷ lệ là 34,4% và 28,6%.
Tỷ lệ 10% nữ giới góp mặt trong hội đồng quản trị ở 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 24% và 17,3% ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Việc bổ nhiệm các thành viên nữ vào hội đồng quản trị tại các tập đoàn lớn được coi là bước tiến lớn ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times. |
Hơn nữa, việc đưa thành viên nữ vào phần lớn vì quy định bắt buộc, thay vì nhu cầu thực sự cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn xem đây là động thái tích cực.
“Lời kêu gọi tự nguyện cân bằng tỷ lệ nam-nữ ở các vị trí đầu não của công ty đã thất bại, vì vậy Hàn Quốc muộn trong việc tham gia xu hướng toàn cầu về sự đa dạng giới ở môi trường làm việc. Nhưng quy định mới đã được thiết lập”, Oh Il Sun, Giám đốc của Viện CXO Hàn Quốc, nói.
“Tại thời điểm này, tầm ảnh hưởng của thành viên nữ mới được bổ nhiệm có thể bị hạn chế. Dù vậy, nó vẫn đem lại sự thay đổi tại các hội đồng quản trị trước giờ do nam giới nắm quyền hoàn toàn”, ông nói thêm.
Tỷ lệ phụ nữ vẫn thấp
Việc bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị nữ trước khi sửa đổi quy định là một thách thức đối với các công ty do số lượng ứng viên hạn chế.
Hội đồng quản trị tại các tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc chủ yếu do nam giới thống trị. Ảnh: Yonhap. |
Để giải quyết vấn đề này và đảm bảo rằng các công ty có đội ngũ giám đốc điều hành nữ đủ tiêu chuẩn trong những năm tới, các công ty cần đảm bảo rằng phụ nữ tiếp tục chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng quản lý cấp trên.
Dữ liệu từ Viện CXO cho thấy chỉ 1/4 nhân viên tại các tập đoàn của Hàn Quốc là phụ nữ. Oh cho rằng điều này là do các công ty lớn của Hàn Quốc tập trung vào sản xuất, trong đó kỹ sư và nghiên cứu chiếm phần lớn những vị trí cấp cao nhất.
Nam giới lấp đầy các vị trí này vì họ chủ yếu chọn chuyên ngành kỹ thuật. Tỷ lệ phụ nữ ở cấp độ tuyển dụng đã tăng đáng kể trong những năm qua, nhưng tỷ lệ nữ nhân viên vẫn thấp do phần lớn quyết định nghỉ việc sau khi có con.
“Hai nỗ lực lớn cần phải được thực hiện: một là tăng số lượng phụ nữ làm chuyên ngành kỹ thuật và hai là các công ty đóng vai trò chủ động trong việc bồi dưỡng các nữ quản lý, lãnh đạo trong tổ chức”, Oh nói.
Điều này cũng cần thiết theo quan điểm thị trường lao động. Lực lượng lao động ở Hàn Quốc đang thu hẹp do đất nước đang ngày càng già hóa với tỷ lệ sinh thấp.
Trong một hội nghị ở Seoul vào năm 2017, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde từng phát biểu sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động ở Hàn Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của đất nước lên 10%.