Bị mắc kẹt tại căn hộ ở Thượng Hải trong 40 ngày liên tiếp, livestreamer chuyên nghiệp Zhu Cancan (27 tuổi) gần như đã từ bỏ công việc này.
Zhu vẫn đặt báo thức vào buổi sáng nhưng không phải để sẵn sàng đi làm. Cô dậy sớm để mua thực phẩm tươi sống trên các ứng dụng tạp hóa. Giờ đây, lịch trình của cô thường chỉ là chơi game vào buổi sáng và đánh mạt chược online với bạn bè vào buổi chiều. Buổi tối, cô say sưa xem phim truyền hình, theo South China Morning Post.
"Về cơ bản, tôi không thể bán sản phẩm thông qua phát trực tiếp trong thời gian Thượng Hải phong tỏa. Hệ thống chuyển phát nhanh không hoạt động, vì vậy tôi không thể nhận các sản phẩm đã lên kế hoạch để bán. Các thành viên trong nhóm tôi cũng đang bị kẹt ở những nơi khác. Nhiều nhãn hàng cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề và phải cắt giảm ngân sách", Zhu cho biết.
"Nếu trước đây có thể kiếm 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD)/tháng thì bây giờ chỉ còn khoảng 40.000 nhân dân tệ hoặc không gì cả". Zhu vẫn kiếm được một chút nhờ việc đăng quảng cáo trên các tài khoản mạng xã hội như Weibo, nơi cô có 3,4 triệu người theo dõi.
Những người chuyên livestream bán hàng ở Trung Quốc gặp khó do chiến lược Zero Covid-19. Ảnh: Xinhua. |
Khó khăn
Cô gái đến từ tỉnh An Huy là một trong số hàng trăm người phát trực tiếp bị đảo lộn cuộc sống do cuộc phong tỏa ở Thượng Hải. Vào tháng 3, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng ở Trung Quốc giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược so với mức tăng 34,2% vào năm 2021 trong bối cảnh phục hồi sau suy thoái năm 2020, theo dữ liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Các hệ thống chuyển phát nhanh tư nhân, vốn là kênh hàng hóa mua trực tuyến thường được vận chuyển, đã bị gián đoạn nghiêm trọng bởi các quy định phòng chống dịch. Nhiều người bán hàng online phải gửi cho khách danh sách các thành phố không thể giao hàng.
Kể từ khi Thượng Hải phong tỏa vào ngày 1/4, người dân chỉ có thể mua những thứ cần thiết thông qua hình thức mua theo nhóm và nguồn cung cấp của chính phủ. Các giao dịch thương mại điện tử đối với các mặt hàng không thiết yếu như sách, cà phê gần như không thể giao hàng.
Hoạt động bán hàng online bị ảnh hưởng do nhiều thành phố Trung Quốc thực hiện phong tỏa. Ảnh: VCG. |
Một người bạn của Zhu ở Hàng Châu hiện chỉ nhận được khoảng 2 quảng cáo mỗi tháng cho kênh livestream. Trước đây, người bạn này có hợp đồng quảng cáo gần như mỗi ngày.
"Không chỉ các influencer ở Thượng Hải bị ảnh hưởng, tình hình của những người sống ở các thành phố khác cũng khó khăn. Các nhãn hàng ở Thượng Hải, sức tiêu thụ ở Thượng Hải, các công ty quảng cáo ở Thượng Hải, rất khó để làm việc một cách hiệu quả".
Livestreamer Zheng Liuping, sống tại Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, đã phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Nơi anh sống đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt sau khi phát hiện một số ca mắc Covid-19.
"Nhiều khách đã hủy đơn vì không thể nhận được hàng. Lượng truy cập chúng tôi nhận được tương tự trước đây song số đơn hàng thu về ít hơn".
Deng Jinling, một cư dân khác ở Nghĩa Ô, thường thuê các công ty livestream để giúp bán bình nước giữ nhiệt. Tuy nhiên, việc giao hàng thường bị hoãn hoặc hủy bỏ.
"Lúc đầu, nơi A bị phong tỏa và nơi B hoạt động bình thường. Tuy nhiên sau đó, vị trí có thể đổi ngược lại. Chúng tôi đang mắc kẹt trong một vòng tròn như vậy".
Hy vọng
Thời gian đầu đại dịch, ngành công nghiệp phát trực tiếp ở Trung Quốc được hưởng lợi từ việc thay đổi thói quen tiêu dùng khi mọi người buộc phải mua sắm online nhiều hơn vì bị giới hạn ở nhà.
Năm 2020, quy mô ngành thương mại điện tử phát trực tiếp của Trung Quốc đã vượt 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, gần gấp 3 lần năm 2019. Theo báo cáo của iResearch được công bố vào tháng 9/2021, ngành công nghiệp này được dự đoán vượt 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.
Ngành bán hàng qua livestream cũng bị các cơ quan quản lý Trung Quốc nhắm mục tiêu. Tháng 12/2021, cơ quan thuế đã phạt "nữ hoàng livestream" Vi Á 1,3 tỷ nhân dân tệ vì tội trốn thuế. Tài khoản Weibo chính thức và cửa hàng Taobao của cô sau đó cũng biến mất khỏi Internet.
Nữ hoàng livestream Vi Á bị phạt số tiền khổng lồ vì trốn thuế. Ảnh: AFP. |
Chen Tao, nhà phân tích thương mại điện tử tại Analysys, hy vọng ngành công nghiệp sẽ phục hồi sau khi đợt dịch này được kiểm soát.
Trong khi đó, Carrie Zhang, một đối tác ở Thượng Hải tại Bain & Company, cũng nhận thấy những lợi ích tiềm năng đối với ngành về lâu dài. Bất chấp “sự xáo trộn ngắn hạn”, những thói quen mới đã xuất hiện ở người tiêu dùng trẻ tuổi, chẳng hạn như những người thuộc Thế hệ Z, họ thường sử dụng tính năng phát trực tiếp và các video khác trên Internet để tìm thông tin về các thương hiệu.
“Ngành công nghiệp này đã có mức tăng trưởng rất cao trong vài năm qua. Năm nay, tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm xuống. Tuy nhiên, livestream có lẽ vẫn sẽ là định dạng thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc", Zhang nhận định.
Hiện tại, Zhu vẫn đang sử dụng khoảng thời gian này để tạm nghỉ ngơi sau thời gian làm việc liên tục khi có thể sống nhờ tiền tiết kiệm. Thời gian này, điện thoại của cô cũng không còn liên tục hiện các thông báo như trước.
"Trước đại dịch, tôi nhận được nhiều lời mời kết bạn trên WeChat mỗi ngày. Nhưng giờ không ai gửi lời mời nữa".