Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân mạng Hàn - Trung tranh nhau món gà hầm sâm

Sau kim chi, bánh gạo, samgyetang (gà hầm sâm) là món ăn tiếp nối cuộc tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ giữa dân mạng Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngày 30/3, trên Baidu - công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, tương tự Google - mô tả món gà hầm sâm có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sau đó mới du nhập vào Hàn Quốc và trở thành một trong những món ăn được các thành viên hoàng tộc yêu thích.

Động thái trên khiến nhiều người Hàn Quốc bức xúc. Họ cho rằng xứ củ sâm mới là quê hương của món gà này, Korea Times đưa tin.

Theo Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc, người dân nước này đã nấu gà hầm sâm ít nhất là từ thời Joseon. Món này được giới giàu có Hàn Quốc ưa chuộng và trở nên phổ biến với tầng lớp bình dân sau những năm 60.

tranh cai nguon goc ga ham sam anh 1

Gà hầm sâm là món ăn tiếp theo trong cuộc tranh cãi bản quyền của dân mạng Hàn - Trung. Ảnh: Getty.

Giáo sư Seo Kyung-duk của Đại học Nữ sinh Sungshin cho biết ông đã gửi email khiếu nại tới Baidu, yêu cầu sửa đổi thông tin về món ăn này.

Theo giáo sư Seo, Trung Quốc thậm chí không sử dụng mã HS (Harmonized System - mã phân loại hàng theo danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu) hay tên quốc tế cho món gà hầm sâm, trong khi Hàn Quốc sử dụng dãy 1602.32.1010.

Đây không phải là lần đầu tiên dân mạng hai nước tranh cãi về bản quyền các món ăn nổi tiếng.

Đầu tháng 12/2020, tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin về việc món đồ chua của nước này được chứng nhận ISO và nói rằng ISO “là tiêu chuẩn quốc tế cho ngành sản xuất kim chi mà Trung Quốc dẫn đầu”.

tranh cai nguon goc ga ham sam anh 2

Kim chi, bánh gạo từng là các món ăn gây tranh cãi về bản quyền giữa hai nước. Ảnh: Getty.

Tại Trung Quốc, món này được gọi là Pao cai, làm từ bắp cải, thân cây mù tạt, đậu dài, ớt, cà rốt và gừng.

Theo The Guardian, việc tờ báo trên nhắc đến từ “kim chi” khiến người Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc đang cố gắng biến kim chi thành của mình.

Tháng 1 vừa qua, cuộc tranh cãi càng kéo dài với bài quảng cáo của giáo sư Seo Kyoung-duk đăng trên mặt trang New York Times. Theo đó, ông đưa ra nhiều bằng chứng, luận điểm chứng minh kim chi bắt nguồn từ Hàn Quốc để phản đối Trung Quốc.

Đến tháng 2, cư dân mạng Hàn - Trung tiếp tục đưa ra các bằng chứng chứng minh món bánh gạo xuất phát từ nước mình.

Cụ thể, bánh gạo Trung Quốc gọi là niangao, được làm từ gạo giã nhỏ và có độ dẻo, dai. Ở Hàn Quốc, tteokbokki, dịch theo nghĩa đen là "bánh gạo xào" là món ăn đường phố phổ biến của Hàn Quốc, được làm từ garaetteok cỡ nhỏ. Garaetteok là một loại bánh gạo dài, hình trụ và bánh thường dai hơn nhiều so với phiên bản Trung Quốc.

Liên tục có bê bối, giới mukbang Hàn chuyển hướng

Thay vì phát sóng "ăn thùng uống vại", nhiều mukbanger xứ kim chi bắt đầu làm video dạy nấu ăn nhắm đến nhóm người xem ở nhà nhiều do dịch bệnh, muốn học làm bếp.

Mai An

Bạn có thể quan tâm