Khoảng 14h ngày 18/10, Phó đội trưởng Đội dịch vụ hàng không chuyến bay đi Nguyễn Lê Quỳnh Anh bị hành khách Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi) túm áo, còn Trần Dương Tùng (32 tuổi) đánh mạnh vào đầu gây choáng váng, buồn nôn, phải nhập viện.
Ngay sau đó, Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Trần Dương Tùng, 6 tháng đối với ông Đào Vịnh Thuấn vì những hành vi có tính chất côn đồ.
Chàng 'Lục Vân Tiên thời nay'
Theo hình ảnh camera an ninh tại sân bay Nội Bài, khi hành khách Trần Dương Tùng định tiếp tục hành hung nhân viên Quỳnh Anh, nam thanh niên mặc áo đen chứng kiến vụ việc đã lao vào đẩy anh ta ra. Một người mặc áo xanh cũng kịp thời xuất hiện kéo hành khách Thuấn ra ngoài.
Nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines bị hành khách túm áo, đánh vào cổ và đầu. Ảnh: N.V.M.
|
Hành động của thanh niên mặc áo đen đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng mấy ngày qua.
"Nếu có mặt ở đó, mình chưa chắc kịp thời lao vào giải cứu chị ấy như thế. Một phần vì mình phản ứng chậm và đôi khi cũng ngại gặp rắc rối, nhìn anh mà hâm mộ quá!", Minh Trường lên tiếng.
Trần Hồng Hà khẳng định việc người đàn ông áo đen bước tới đẩy hành khách Tùng ra là hợp lý. Vì nếu không nhanh tay, nữ nhân viên Quỳnh Anh có thể bị đánh thậm tệ hơn.
Nhiều cô gái gọi anh là "soái ca sân bay" vì hành động nhanh nhẹn, trượng nghĩa. Cư dân mạng cũng muốn tìm chàng "Lục Vân Tiên thời nay".
Nguyễn Khánh Ngọc trầm trồ: "Quá hâm mộ Hắc Y Nhân cùng cú song phi kịp thời, đáng mặt đàn ông. Cùng là phái mạnh, một bên đánh phụ nữ, một bên giải cứu phụ nữ".
Dân mạng ngay lập tức truy tìm người đàn ông áo đen nhưng chưa có kết quả. Ngay khi lực lượng an ninh sân bay tới giải quyết vụ việc, "soái ca" cũng rời đi.
Jun Nguyễn đồng tình việc không công khai danh tính người này: "Chúng ta cảm kích người tốt thì hãy giữ trong lòng, nêu tên tuổi anh ấy lại làm xáo trộn cuộc sống riêng tư, thậm chí còn gặp chuyện không hay".
Hiện tại, chưa ai biết anh là ai, phần lớn phán đoán rằng nam thanh niên đến sân bay tiễn người nhà nên không có thông tin gì về anh.
Dân mạng khen ngợi hành động trượng nghĩa của "soái cá sân bay". |
Ở nước ngoài, đánh phụ nữ có thể bị phạt nặng
Trái ngược những lời khen dành cho "Lục Vân Tiên", các ý kiến đều bất bình trước hành động hung hãn của hai hành khách, đặc biệt là người đánh nữ nhân viên.
Trần Xuân Anh bình luận: "Hai người đàn ông của năm, mất hết thể diện phái mạnh. Hóa ra, cơ bắp và sự khỏe mạnh ấy chỉ để đánh phụ nữ".
Hùng John nêu quan điểm: "Mặc đồ bảnh bao mà lại thản nhiên đánh phụ nữ. Đấng nam nhi này văn hóa quá lùn".
Thạc sĩ cộng đồng Nguyễn Thị My (ĐH La Trobe, Australia) nhận định đánh phụ nữ là hành vi côn đồ, thiếu văn hóa. Nữ thạc sĩ cho rằng không có lý do gì để thông cảm hay giải thích cho người đánh vào đầu phụ nữ.
"Việc dùng từ ngữ lăng mạ, bạo lực để bắt nạt người mang giới tính nữ chỉ có thể giải thích do thói quen trấn áp người khác bằng bạo lực", nữ thạc sĩ cộng đồng nêu quan điểm.
Hoàng Đức Huy (sinh năm 1991, Đại học West Virginia, Mỹ) chia sẻ hành động bạo lực diễn ra nơi công cộng như vậy, nếu ở Mỹ, kẻ hành hung có thể ngồi tù.
"Nhiều người nhìn thấy cảnh xô xát và cho rằng đó là chuyện bình thường, có thể hòa giải. Nhưng ở Mỹ, mức xử phạt với bạo lực phụ nữ nặng hơn nhiều lần tội trộm cướp", Huy nói.
Nam sinh thông tin kẻ hành hung có thể sẽ bị nhốt từ 1-3 ngày, ra tòa nghe phán xét và phải nộp cả nghìn USD bảo lãnh mới được tại ngoại.
Nếu như không gây tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân, người hành hung có thể sẽ bị tố tội tấn công, mức xử phạt mỗi bang của Mỹ không giống nhau. Ví dụ ở California, tiền phạt cao nhất có thể lên đến 2.000 USD hoặc bị phạt tù khoảng thời gian ngắn.
Nếu dùng đồ vật để đánh phụ nữ hoặc nạn nhân bị thương nặng, ngoài việc bị phạt đến 6.000 USD, người hành hung có thể bị phán ngồi tù đến một năm.
Lưu Duy Tùng (sinh năm 1989, nghiên cứu sinh ĐH Lyon, Pháp) cho biết tại nước này, phụ nữ bị đánh đến mức phải nhập viện, bác sĩ chỉ cần khẳng định do bị bạo hành, họ sẽ gọi cho cảnh sát để giải quyết.
Dù nạn nhân không muốn kiện nữa, phía cảnh sát cũng không tùy tiện bác bỏ vụ án mà tiếp tục phân tích tùy theo thương tích và tình hình sự việc.
"Ở nước Mỹ và các nước châu Âu nói chung, việc bạo hành phụ nữ rất nghiêm trọng. Nhiều người vào tù, mất việc, không thể trở lại cuộc sống bình thường chỉ vì trót 'động tay chân' với phái đẹp, cho dù đó là vợ, con, mẹ ruột, chứ đừng nói người không quen", Tùng cho biết.
14h ngày 18/10, trước khu kiểm tra an ninh soi chiếu, tầng 2 - nhà ga T1, hai hành khách là Tùng và Thuấn đã giắng co, xô xát với nữ nhân viên Vietnam Airlines.
Lực lượng chức năng sau đó đưa 2 người họ tới cơ quan công an làm việc. Nữ nhân viên được đưa vào bệnh viện thăm khám.
Ngày 20/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ sự việc, báo cáo kết quả trong tháng 10/2016.
Cục Hàng không Việt Nam cũng ký quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với ông Tùng, cấm vận chuyển hàng không 6 tháng với ông Thuấn.