Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đàn ông cũng khổ

Theo chuyên gia, vấn đề về giới không phải chỉ là của phụ nữ. Đàn ông cũng cần tham gia nhiều hơn để có bình đẳng giới thật sự.

Binh dang gioi anh 1

Khi thực hiện nghiên cứu gần nhất về khuôn mẫu giới liên quan đến việc làm trên mạng xã hội của giới trẻ, PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội, có ấn tượng đầu tiên là những khuôn mẫu giới có tính “truyền thống” vẫn tiếp tục được củng cố trong quan điểm của giới trẻ.

Thứ nhất, cái nhìn về nam và nữ vẫn bắt đầu từ những đặc tính về sinh học.

Ví dụ, phụ nữ được coi là những người dịu dàng, mềm mại, kiên nhẫn, bền bỉ, chịu đựng, nhẫn nại, khéo léo. Trong khi đó, đàn ông là những người mạnh mẽ, vững chãi, sáng tạo, sáng kiến, có trách nhiệm.

Những đặc tính này là khuôn mẫu giới, luôn được coi như cơ sở để nhìn nhận về vai trò của đàn ông và phụ nữ trong xã hội.

Cụ thể, phụ nữ được coi là phù hợp với vai trò chăm sóc và các loại công việc có tính cẩn trọng, nhẹ nhàng, cần đến sự tỉ mỉ. Bởi vậy, họ cần làm những công việc như kế toán, thư ký, hành chính văn phòng.

Còn đàn ông thích hợp làm những công việc có tính bứt phá, kỹ thuật, khoa học, lãnh đạo, đi đầu trong khi phụ nữ là người đi theo.

Đặc tính giới cũng quyết định việc đàn ông hay phụ nữ nên đứng ở đâu trong xã hội. Ví dụ, đàn ông mạnh mẽ nên ở bên ngoài, còn phụ nữ chỉn chu, cẩn thận nên ở bên trong.

Bên cạnh đó, người Việt không nghĩ về mình như những cá thể tồn tại độc lập trong xã hội. Họ thường suy nghĩ về trách nhiệm của mình như thành viên trong gia đình.

Ví dụ, khi lựa chọn nghề nghiệp, phụ nữ luôn nghĩ mình phải làm công việc gì để sau này lập gia đình có điều kiện chăm sóc con cái, ở gần nhà. Trong khi đó, đàn ông nghĩ tới công việc giúp mình trở thành người trụ cột.

Hay bố mẹ dạy con trai sau này phải làm trụ cột, kiếm tiền nuôi vợ, con, còn con gái được dạy phải học nữ công gia chánh để làm vợ, làm mẹ.

Binh dang gioi anh 2

Các diễn giả chia sẻ trong tọa đàm “Các diễn ngôn mới về bình đẳng giới ở Việt Nam” do VGEM, ECUE, Australian Aid và Investing in Women tổ chức. Ảnh: BTC.

Chống lại khuôn mẫu

Theo PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, hiện nay, một xu hướng rất rõ là người ta đang chống lại các khuôn mẫu trói buộc phụ nữ và đàn ông trong vai trò người chăm sóc hay trụ cột, kiếm tiền.

Điều này có thể thấy trong rất nhiều quảng cáo hay thảo luận trên mạng xã hội nói về việc đàn ông vào bếp như thế nào.

Phụ nữ ngày nay cũng được ca ngợi khi có sự thành đạt, bứt phá, thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp. Họ cũng có quyền kiểm soát cơ thể của mình như thích làm đẹp, thẩm mỹ,... chứ không còn bị bó buộc bởi các định kiến trong xã hội truyền thống.

Phụ nữ cũng tự quyết chuyện lập gia đình, trở thành mẹ đơn thân hay sống độc thân mãi mãi.

Xã hội hiện nay cũng nhìn nhận rộng hơn về vấn đề bình đẳng giới. Họ chấp nhận con người không chỉ có nam và nữ, mà có giới thứ 3 hay bất cứ giới nào khác theo lựa chọn của cá nhân.

Bên cạnh đó, vấn đề của giới không phải chỉ là của phụ nữ. Bởi vậy, đàn ông cần phải được chú tâm, mang vào những thảo luận xã hội liên quan đến giới.

“Người ta nhận ra đàn ông cũng có những nỗi khổ, là đối tượng của sự định kiến và kỳ thị, bất bình đẳng về giới. Với phong trào bình đẳng giới, đàn ông được yêu cầu bước chân vào bếp và làm việc nhà nhiều hơn. Nhưng trong khi đó, ngày 20/10 và 8/3 vẫn tồn tại. Đàn ông vẫn phải lo việc tặng quà, làm công việc nặng nếu không vẫn bị cười chê. Gánh nặng của đàn ông hay phụ nữ đều bị tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường”, bà Phương nói.

Binh dang gioi anh 3

Xu hướng chống lại khuôn mẫu giới có tính “truyền thống” đã xuất hiện trong xã hội và trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn. Ảnh: Phương Lâm.

Theo TS. Phạm Quốc Lộc, Phó hiệu trưởng ĐH Thái Bình Dương, sự định giới (phân biệt thế nào là nam, thế nào là nữ) trong gia đình, xã hội tiếp tục được khúc xạ, chuyển tải vào trong nơi làm việc.

Hiện nay, có sự phân biệt khá rõ nét giữa công ty quốc tế có trụ sở ở Việt Nam và công ty nội địa Việt Nam quan tâm đến bình đẳng giới.

Ở các công ty quốc tế, câu chuyện bình đẳng giới được lồng ghép vào trong khung chung là đa dạng và dung hợp (diversity and inclusion). Họ có các chuẩn mực về kiểm định bình đẳng giới, thang số đo như tỷ lệ phần trăm nam - nữ trong nơi làm việc, khoảng cách tiền lương ở cùng cấp bậc giữa nam - nữ trong cùng tổ chức, số lượng chính sách bảo vệ phụ nữ.

Trong khi đó, tại các công ty Việt Nam, nó được đặt trong khung coi sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ là văn minh, chuyên nghiệp. Họ bắt đầu có những sự “né tránh”, thay thế chữ “nữ quyền”.

Bản thân trong doanh nghiệp có hàng loạt rào cản khiến phụ nữ không đạt được năng lực phù hợp để tiến thân. Ví dụ, các công ty vẫn chuộng sự mạnh mẽ, quyết đoán, dấn thân, làm việc vượt trội, cạnh tranh tối đa,... đều phù hợp hơn với lối sống, quan niệm xã hội của người nam.

Binh dang gioi anh 4

Câu chuyện bình đẳng giới ở nơi làm việc được quan tâm hơn nhưng chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Ảnh: Phương Lâm.

Ông Lộc cho biết hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có nỗ lực, nhưng chưa đủ. Họ mới chỉ làm được 3/4 góc tư để đạt được bình đẳng giới.

“Ví dụ, một tổ chức có khóa học về dung hợp, chúng tôi đặt ở khung tăng cường nhận thức. Một số tổ chức khác chi vài chục nghìn USD để làm kiểm định về bình đẳng giới, đó là cung cấp nguồn lực. Hay có tổ chức đề ra chính sách như làm việc linh hoạt để hỗ trợ phụ nữ trở lại làm việc sau sinh. Riêng cấu trúc ngầm của bình đẳng giới (sự định giới) vẫn chưa được quan tâm”, ông nói.

Theo TS. Phạm Quốc Lộc, cần sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội cùng tổ chức sự nghiệp để bắt đầu giải quyết một cách căn cơ, có tính phản biện hơn các cấu trúc ngầm. Đó chính là nền tảng của bất bình đẳng giới.

“Nếu không làm được thì như báo cáo của Liên Hợp Quốc, chúng ta cần hơn 267 năm nữa mới có bình đẳng giới thực sự”, ông nói.

Chấp nhận sự đa dạng giới

Dưới quan sát của ThS. Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), sự dịch chuyển trong lứa tuổi tiêu dùng chủ lực hiện tại (Gen Z) khiến các chủ đề về giới đối với các nhóm này đa tầng, chồng chéo hơn.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa tân tự do vẫn còn đất sống khi yêu cầu phụ nữ thì phải theo đuổi đam mê, có sự nghiệp bứt phá, phá khuôn. Tất cả đều đặt trách nhiệm lên vai phụ nữ.

Ngoài ra, văn hóa đại chúng ngày càng trở nên thân thiện với chủ đề LGBT, các show truyền hình, nhân vật giải trí về LGBT xuất hiện rất nhiều, nhưng lại bị rơi vào 2 thái cực là họ rất đáng yêu hoặc rất đáng thương.

Bên cạnh đó, cũng tồn tại thực tế nhiều doanh nghiệp dùng LGBT để che đi những vi phạm đối với các vấn đề về quyền khác. Họ muốn gắn với hình tượng là tổ chức tiến bộ nên sử dụng LGBT như cách để thúc đẩy.

Nếu ngày trước chỉ có nam và nữ, các tổ chức cộng đồng bây giờ cũng nói về vấn đề của người liên giới tính (có những đặc điểm giới tính không phù hợp với định nghĩa điển hình của cả nam hay nữ) hay “queer” (cá nhân/tập thể nào đó điển hình bởi sự đa dạng tính dục). Ngoài thể hiện nam tính, nữ tính, còn có cả trung tính hoặc không thể hiện ra.

“Gen Z rất hay nhận mình là 'queer' hay 'bisexual' không phải bởi vì họ muốn gây chú ý. Đó là tuyên ngôn của giới trẻ, về việc họ cảm thấy là không hài lòng với hệ thống dị nguyên về giới (chỉ có nam và nữ) nữa”, ông Huy cho biết.

Binh dang gioi anh 5

Cần nhiều nỗ lực hơn để đạt được bình đẳng giới thật sự. Ảnh: Economictimes.

ThS. Lương Thế Huy cho rằng có 2 luồng quan điểm có thể lôi kéo thêm đàn ông hay đặt họ ở vị trí trung tâm trong tiêu chuẩn bình đẳng giới.

Thứ nhất, đàn ông và phụ nữ đều là nạn nhân của khuôn mẫu về giới.

“Khi đàn ông vẫn còn là định kiến của khuôn mẫu giới, những tiềm năng của họ không thể hiện ra được. Đó là bước đầu rất tốt để đàn ông bước vào tiến trình thảo luận này”, ông nói.

Viện trưởng iSEE cho biết trong tiến trình có thể đạt được tốc độ định giới tương đối nhanh hơn, đa dạng giới và đặc biệt liên quan chủ đề LGBT cần được quan tâm hơn.

Ông cho rằng phải đẩy những quan điểm mạnh hơn như giới là kiến tạo xã hội chứ không phải tự nhiên sinh ra đã như thế.

Trong khi đó, TS. Phạm Quốc Lộc cảnh báo mọi giải pháp, quan điểm nghe có vẻ hay nhưng chắc chắn không hoàn hảo. Điều cần thiết là phải tiếp tục chất vấn nó.

Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.

> Xem thêm: Sách cho tuổi trẻ

Cái khó của người chuyển giới ở Việt Nam

Mỗi người chuyển giới đều có quyền quyết định chung sống với cơ thể sinh học, dùng hormone hay phẫu thuật mà không phải chịu tác động của định kiến hay kỳ thị.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm