Trong suy nghĩ của nhiều người, nước mắt là đặc quyền của phụ nữ. Nhưng họ đâu biết rằng, đàn ông cũng cần được khóc để giải tỏa cảm xúc.
"Đàn ông mà, có gì phải khóc. Mạnh mẽ vượt qua đi".
"Sao đó bạn hiền, con trai mà yếu đuối quá, cố lên nhé".
"Nhỏ nào hack nick à? Khóc gì vậy?".
Những dòng bình luận liên tục xuất hiện dưới status "Con trai gặp áp lực, khóc có phải là quá yếu đuối?" của Hải Đăng (25 tuổi, Cần Thơ, nhân viên truyền thông).
Stress công việc, bị sếp mắng, người yêu đòi chia tay, anh không biết làm gì ngoài việc mở điện thoại, gõ vài dòng tâm sự.
Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau khi đọc bình luận của bạn bè, chàng trai lặng lẽ ấn xóa.
Thực tế, Đăng cũng không khóc được. Chỉ là trái tim nặng nề, đầu óc căng thẳng, mọi thứ xung quanh cứ tối tăm và khó chịu đến ngạt thở.
Trong tâm niệm của "đứa con trai trưởng thành" như Đăng và trong suy nghĩ của nhiều người nữa, nước mắt là đặc quyền của phụ nữ. Còn đàn ông, sinh ra đã mang danh là "phái mạnh", mọi việc phải cố gắng giải quyết theo cách "đàn ông" nhất.
Nhưng, việc "ngó lơ" đi cảm xúc và gồng mình sống cho trọn vẹn hai từ "nam tính" có phải là thước đo của sự mạnh mẽ?
Nước mắt là đặc quyền của phụ nữ, vậy còn đàn ông? Ảnh: Giphy. |
Đàn ông lớn rồi, sao phải khóc?
Hải Đăng đã học tập và sinh sống ở Sài Gòn được 7 năm. Trong hơn 3 năm đi làm, không ít lần chàng trai cảm thấy mình "chỉ muốn buông xuôi tất cả" vì áp lực.
Công việc. Gia đình. Tình yêu. Mỗi thứ một ít.
"Căng thẳng ai cũng có, nhưng những điều tồi tệ bao giờ cũng làm bạn và dắt tay nhau đến cùng một lúc. Đôi khi mình còn cảm thấy đó là điều dĩ nhiên. Như là trời đang mưa thì xe chết máy, vừa hết tiền thì mất vài thứ đồ, hay đúng ngày bị sếp mắng thì người yêu sẽ đòi chia tay", Hải Đăng kể.
Tư tưởng "đàn ông lớn rồi, đừng khóc nhè" làm nhiều người phải kìm nén cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Giphy. |
Đăng nghĩ về mẹ, anh lấy điện thoại ra và gọi điện cho bà. Mỗi lần muốn tâm sự chuyện cá nhân, anh đều do dự. Đăng sợ mẹ buồn và lo lắng cho đứa con ở xa.
Đăng đứng lặng người ở công viên, tay cầm điện thoại ấn gọi cho mẹ trong vô thức. "Lắp bắp, nói không rõ lời, lan man" là những gì Đăng nhớ về mình lúc ấy.
“Bây giờ con khóc thì kỳ cục lắm phải không mẹ?", Đăng hỏi mẹ sau một hồi trò chuyện.
“Ừ con. Lớn rồi, có gì từ từ mình giải quyết. Sao phải khóc? Con trai mà! Mạnh mẽ lên. Có gì gọi điện nói chuyện với mẹ”.
Đăng cúp máy và thấy lòng mình nặng hơn. Anh muốn gọi điện về cho bố. Nhưng suy đi nghĩ lại, anh bỏ cuộc. Bởi chàng trai 25 tuổi biết rằng suy nghĩ của bố cũng giống như mẹ.
Đàn ông không được khóc không chỉ là định kiến của xã hội. Trong mắt người thân của anh, đây là điều hiển nhiên.
Bố mẹ thương anh không? Đăng nói có. Nhưng để hiểu được một thằng con trai vấp ngã trong cuộc sống và chỉ muốn khóc để giải tỏa tâm lý, bố mẹ không hiểu được.
"Cứ khóc thôi, sợ gì"
"Nữ quyền" luôn là khẩu hiệu được nhiều phụ nữ hướng đến trong xã hội hiện đại. Theo đó, nữ giới hoàn toàn làm được những thứ nam giới đang làm. Đấy cũng là thước đo được người theo đuổi nữ quyền áp dụng.
Về phía đàn ông thì ngược lại, họ không có định hướng để trở thành đàn ông thực thụ là phải thế nào. Mơ hồ và nhiều định kiến.
GS Michael Kimmel (ĐH Stony Brook, New York, Mỹ), người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu về giới, từng nói: "Đàn ông phải chứng minh họ là đàn ông, phụ nữ thì không cần".
Theo GS Kimmel, đàn ông liên tục chịu áp lực để thể hiện mình là đàn ông. "Đi đứng, nói chuyện, cử chỉ, hành động với người khác phái... đều phải như một người đàn ông thực thụ", giáo sư nói.
Một nghiên cứu từ ĐH Mở (Anh) liên kết với Promundo (tổ chức chuyên nghiên cứu về bình đẳng giới) cho thấy đàn ông đang đối mặt với nhiều thứ mà xã hội kỳ vọng.
Theo kết quả khảo sát, có đến 72% độ tuổi từ 20-24 cho biết họ luôn được kỳ vọng phải mạnh mẽ, có kinh nghiệm trong chuyện chăn gối, dũng cảm và đặc biệt là phải thành công trong cuộc sống.
Ngoài ra, đàn ông còn có "hàng tá" gánh nặng trên vai như phải biết quyết đoán, không cầu cứu và phải giữ "cái đầu lạnh", tránh biểu hiện cảm xúc ra ngoài.
"Khi buồn, áp lực hoặc lúc vui sướng, yêu đời thì cứ khóc đi, sợ gì". Ảnh: AFP. |
"Kỳ vọng quá mức từ xã hội dẫn đến việc
Nghiên cứu được công bố bởi Thư viện Y học quốc gia Mỹ cho thấy khóc có thể tự làm giảm stress và khiến tâm trạng tốt hơn bất kỳ loại thuốc chống trầm cảm nào.
Theo đó, chỉ 8% những người được khảo sát cho rằng khóc khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Trong khi hơn 90% người cho biết tâm trạng của họ được cải thiện sau khi khóc.
Judith Mitchoff - bác sĩ tâm thần người Mỹ - từng nhiều lần tư vấn sức khỏe trên New York Times viết: "Khóc là điều cần thiết để giải quyết nỗi buồn. Nước mắt giúp chúng ta xử lý đau buồn và khiến bản thân vui vẻ hơn".
Một cuộc khảo sát khác đến từ Universal Channel cho thấy có 8/10 người đàn ông Anh đã khóc trong một chương trình truyền hình trực tiếp thiên về cảm xúc.
Nghiên cứu này cũng tiến hành trên 2.000 người đàn ông cho thấy trong suốt cuộc đời, mỗi người khóc trung bình 14 lần trước mặt người khác với nhiều lý do như hạnh phúc, đau khổ hay tuyệt vọng.
Người đàn ông "yếu đuối"
Trâm Anh (24 tuổi, TP.HCM) kể cô phát hiện người yêu "quá yếu đuối" sau hai tuần hẹn hò. Theo lời Trâm anh, bạn trai cô là Tuấn, 27 tuổi, nhân viên ngân hàng, cao 1,75 m, ngoại hình ổn nhưng lại là người mau nước mắt.
"Trong một lần xem phim, tôi hơi bất ngờ vì anh lấy tay lau nước mắt. Lúc đấy tôi đờ người một chút, nhưng khi suy nghĩ lại thì đây là điều bình thường", 9X nói.
Trâm Anh nói Tuấn xúc động vì chứng kiến khoảnh khắc NSƯT Kim Xuân khóc đợi con về trong bộ phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa.
Đàn ông khóc không đồng nghĩa với yếu đuối. Ảnh: K Drama. |
Tuấn tâm sự anh là con một trong gia đình, lên Sài Gòn học tập và sinh sống đã được 9 năm. Mỗi năm, anh chỉ về thăm cha mẹ được 2 - 3 lần dịp lễ Tết.
Sống xa nhà, mỗi tháng đều đặn gửi về quê một khoản phí nhưng trong lòng anh vẫn thấy mình có lỗi. Tuấn nói không có cơ hội bù đắp tình cảm, chăm lo cho cha mẹ già ở quê một cách trọn vẹn.
Anh cũng muốn đón hai người lên Sài Gòn sinh sống nhưng ông bà không chịu, chỉ muốn sống cuộc sống yên bình, trầm lặng.
Hoàn cảnh tương đồng là lý do khiến đàn ông rơi lệ. Ảnh: Behance. |
"Mỗi lần xem các chương trình những người già neo đơn, sống một mình không ai chăm sóc, anh đều tỏ ra xúc động. Và với mình, đây chính là cảm xúc thật của Tuấn, anh có hoàn cảnh tương đồng như vậy", cô kể.
Trâm Anh cũng nói bạn trai cô không hề yếu đuối, nhất là trong công việc và cuộc sống. Cô luôn tin tưởng người yêu mình mạnh mẽ, hoàn toàn có khả năng làm trụ cột trong gia đình.
"Anh thường khó kiềm chế cảm xúc như vậy, em có thấy kỳ hay gì đó không?". Đây là câu Tuấn thường hỏi bạn gái mỗi lần tâm sự.
"Riết rồi cũng quen. Yếu đuối hay không em biết là được", cô nói.
Trâm Anh thừa nhận trước đây cô rất có định kiến với những người đàn ông hay khóc. Mỗi lần xem truyền hình, thấy ai khóc cô đều nói: "Đàn ông gì lại khóc?".
Sau này, khi quen được anh người yêu hay "mít ướt", Trâm Anh mới hiểu khóc chỉ đơn giản là cách giải tỏa cảm xúc.
Khóc vì đau khổ, áp lực hay khóc vì vui sướng, về bản chất đều là rơi nước mắt để giải tỏa cảm xúc. Ảnh: Việt Hùng. |
Như anh bạn Hải Đăng vừa nhận combo "sếp mắng, thất tình" kia, cuối cùng anh cũng nhận ra "khóc thì khóc thôi, lý do gì mà chẳng được".
"Anh họ tôi mừng rơi nước mắt vì tuyển Việt Nam vô địch AFF. Mẹ và em gái tôi khóc khi xem những câu chuyện cảm động của Như chưa hề có cuộc chia ly. Còn tôi muốn khóc vì vấp ngã trong cuộc sống. Lý do gì không quan trọng lắm, về bản chất cũng là dùng nước mắt giải tỏa cảm xúc", Hải Đăng nói.
"Con trai khóc là điều bình thường, đừng dùng 'nước mắt đàn ông' làm thước đo của sự mạnh mẽ", anh khẳng định.