Tháng 1, trong một cuộc gọi Zoom vào sáng sớm với khách hàng, nhà môi giới bất động sản Ben Dixon (42 tuổi) không khỏi bị phân tâm khi thấy gương mặt uể oải của mình trên màn hình máy tính, đặc biệt là tình trạng bọng mắt quầng thâm.
Nói với New York Post, Dixon thừa nhận anh dần trở nên quan tâm đến ngoại hình hơn sau một thời gian làm việc ở nhà do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhà môi giới bất động sản Ben Dixon. Ảnh: Zandy Mangold. |
Sau khi nhận ra bản thân cần cải thiện nhan sắc, anh tham khảo bí quyết từ một người bạn có làn da “gần như hoàn hảo”. Hóa ra, người này đã sử dụng kem che khuyết điểm.
Dixon lập tức đặt hàng online một sản phẩm tương tự sau một hồi cân nhắc giữa 5 tông màu khác nhau. “Nó thật tuyệt vời. Từ ngày sử dụng kem che khuyết điểm, mọi người khen tôi trẻ ra”, nhà môi giới nói.
Trên thực tế, Dixon không phải người đàn ông duy nhất “hoảng hốt” khi thấy nhan sắc của mình trong các cuộc gọi video. Ngày càng nhiều nam giới mua đồ trang điểm do phải làm việc tại nhà. Ngành làm đẹp cho cánh mày râu cũng từ đó bùng nổ.
Với khẩu hiệu “Đẹp trai chẳng có gì sai”, “gã khổng lồ” mỹ phẩm bình dân CVS đã bổ sung dòng sản phẩm cho nam giới Stryx vào 2.000 trên tổng số 9.900 cửa hàng của mình vào tháng 6/2020 - 9 tháng sau khi cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy gần ¼ nam giới cân nhắc sử dụng mỹ phẩm.
Theo công ty phân tích thị trường Moz, mục tìm kiếm trên Google về “cách trang điểm cho nam giới” tăng 80% vào năm 2020 so với năm 2019. Trong đó, cánh mày râu chú ý về “che làn da mẩn đỏ”, “che trứng cá” và “che bọng mắt quầng thâm”.
Kiểu trang điểm nhẹ nhàng, cốt để che khuyết điểm trên mặt được nam giới ưa chuộng. Ảnh: Jake Jamie. |
Nam giới không nên e ngại làm đẹp
Gabriel Reyes, nhà báo ngoài 60 tuổi đến từ Los Angeles (bang California, Mỹ), cảm thấy không có vấn đề gì khi trang điểm một chút trước các cuộc gặp gỡ, chào hỏi trực tuyến.
“Trước đó, mỗi lần trông thấy bản thân trên màn hình, tôi phải thốt lên rằng ‘Trời ơi, nhìn đống nếp nhăn và đồi mồi kìa’. Thông thường, tôi hay tắt camera đi. Nhưng đôi khi, tôi thấy hành động đó hơi thô lỗ nên tôi lại bật webcam lên”, ông chia sẻ với New York Post.
Nhà báo Mỹ Gabriel Reyes. Ảnh: NVCC. |
Reyes liền đầu tư 35 USD cho hai loại sản phẩm: một tuýp BB Cream và một hộp kem nền lì.
“Tôi rất hối hận vì thời trẻ ở bang Texas, tôi từng phơi nắng suốt 8 tiếng đồng hồ. Nhưng những loại kem che khuyết điểm này thực sự hiệu quả”, ông nói.
Reyes cẩn thận sử dụng các sản phẩm, thoa đều khắp mặt, cổ và tai để đảm bảo che phủ đều.
“Tôi là một trong những người thuyết trình cho workshop trên Zoom. Mặc dù nghe có chút phù phiếm, tôi thực sự cảm thấy tự tin hơn rất nhiều sau khi trang điểm, từ đó tập trung hoàn thành công việc. Tôi cho rằng đàn ông không nên e ngại về việc sử dụng sản phẩm giúp họ trông đẹp hơn”, nhà báo chia sẻ.
Ngành làm đẹp cho đàn ông tăng trưởng mạnh
Trong nhiều thập kỷ, đàn ông Mỹ coi việc làm đẹp chỉ xoay quanh một vài thứ như dao cạo, kem cạo râu. Tâm lý đó bắt đầu thay đổi vào đầu thế kỷ khi ngày càng nhiều nam giới dành tiền để đầu tư quần áo thời trang và sản phẩm chăm sóc da.
Đáp lại nhu cầu, các thương hiệu bắt đầu giới thiệu một loạt các sản phẩm đa dạng hơn, từ kem chống nhăn đến kem dưỡng ẩm và serum dưỡng tóc. Thị trường đã tăng khoảng 13% trong 5 năm qua, theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International.
Axel Getz, chuyên gia tư vấn môi trường 24 tuổi, bắt đầu dưỡng da vào năm ngoái sau khi một nhân viên cửa hàng thuyết phục anh thử một loại kem dưỡng ẩm dành cho phụ nữ.
Kết quả, làn da của Axel trở nên mềm mại hơn rất nhiều và bạn bè dành nhiều lời khen cho vẻ ngoài của anh.
Nhiều chàng trai chưa mở lòng với chuyện làm đẹp. Ảnh: Sarah Lee/The Guardian. |
“Rất nhiều chàng trai không cho bản thân cơ hội. Tôi từng do dự, không thích cho đến khi nhận ra sự thay đổi kỳ diệu của sản phẩm lên làn da tôi. Từ thời điểm đó trở đi, tôi nhận ra tôi phải mua nó thường xuyên”, anh thừa nhận.
Bill Wackerman, phát ngôn viên của công ty mỹ phẩm Tribe có trụ sở New York, cho biết xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh xã hội thay đổi cái nhìn về mỹ phẩm dành cho nam giới.
Ngoài kem dưỡng ẩm và kem che khuyết điểm, hãng này còn bán sản phẩm giúp che giấu mảng hói, trống không đều ở râu, tóc và lông mày.
“Chúng ta có thể gọi đó là ‘Hiệu ứng Zoom’. Dường như Mỹ đang bắt kịp với các quốc gia khác như Nhật Bản, nơi ít cấm kỵ về việc nam giới trang điểm hơn”, trích thông cáo báo chí được Wackerman công bố tháng trước.
Về phần mình, Dixon đùa rằng ngoại hình rạng rỡ, tươi tắn và không tì vết của anh là “công cụ” đảm bảo anh thành công trong phi vụ làm ăn lớn đầu năm 2021 - một căn hộ áp mái ở East Village trị giá 30 triệu USD.
“Gương mặt mới này trị giá tương đương với một bộ vest vừa vặn”, anh cho biết.