Trong ngày Quốc tế Phụ nữ, South China Morning Post đã tổng hợp một danh sách các chủ đề hàng đầu mà phụ nữ đất nước tỷ dân quan tâm được đưa ra thảo luận tại các cuộc họp quốc hội thường niên trong năm nay.
Mặc dù hầu hết ý tưởng đều khó có thể thực hiện, chúng đưa ra cái nhìn sơ lược về một số vấn đề xã hội cấp bách nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại.
Mang thai hộ
Jiang Shengnan, nhà văn nổi tiếng và là thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), đề xuất cần có một lệnh cấm nghiêm ngặt hơn đối với việc mang thai hộ, đặc biệt là những người tổ chức, đại lý giúp khách hàng tiếp cận các phòng khám ở nước ngoài.
Trịnh Sảng bị bạn trai cũ tố bỏ rơi con chung được sinh ra nhờ mang thai hộ. Ảnh: Weibo. |
"Phụ nữ cũng là con người. Họ không thể bị đối xử như những 'tử cung biết đi'", Jiang Shengnan nói.
Đầu năm nay, diễn viên Trịnh Sảng dính bê bối mang thai hộ ở nước ngoài. Cô đã bị bạn trai cũ cáo buộc bỏ rơi hai đứa con của họ được sinh ra bởi các bà mẹ mang thai hộ ở Mỹ.
Vụ việc gây chấn động dư luận, thúc đẩy cuộc tranh luận mới về lệnh cấm mang thai hộ.
Trung Quốc có lệnh cấm đối với việc mang thai hộ trong nước, nhưng không cấm các cá nhân tìm kiếm dịch vụ này ở nước ngoài. Những lỗ hổng pháp lý và nhu cầu thị trường đã dẫn đến sự bùng nổ dịch vụ đẻ thuê thương mại.
Một số đại lý tìm kiếm người mang thai hộ ở nước ngoài và tổ chức thị thực cho khách hàng của họ. Trong khi đó, những nơi khác tìm người hiến trứng và cung cấp thiết bị y tế cần thiết cho việc mang thai hộ, sinh con trong nước.
Trẻ em ngoài giá thú
Xie Wenmin, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đề xuất cần có các chính sách hành chính rõ ràng hơn để trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân được đối xử giống như những đứa trẻ khác, chẳng hạn như giúp chúng dễ dàng lấy giấy khai sinh, làm hộ khẩu.
Các bà mẹ đơn thân bị phân biệt đối xử, không được trợ cấp thai sản tại Trung Quốc. Ảnh: BBC. |
Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng dân số vì tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa nhanh. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ đã dần nới lỏng các hạn chế sinh sản, xóa bỏ chính sách một con.
Thế nhưng, các bà mẹ đơn thân vẫn bị xã hội phân biệt đối xử như không thể sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản hoặc đông lạnh trứng, không được hưởng chế độ thai sản, đăng ký giấy tờ cho con gặp nhiều khó khăn.
Bạo lực gia đình
Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc, một tổ chức do chính phủ tài trợ, đề xuất đất nước này nên có một đường dây nóng cụ thể cho các báo cáo về bạo lực gia đình. Tổ chức hy vọng sẽ khuyến khích việc can thiệp sớm, thực thi tốt và theo dõi nhiều hơn những vụ lạm dụng.
Ngày 1/3/2016, Trung Quốc đã triển khai luật chống bạo lực gia đình đầu tiên. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, luật này ít được thực thi vì cảnh sát địa phương thường bỏ qua hoặc không công nhận báo cáo của nạn nhân là bạo lực gia đình.
Tại tòa án, các thẩm phán cũng không đặc biệt lưu tâm đến những vụ ly hôn do bạo lực gia đình và nhiều phụ nữ vẫn bị mắc kẹt với người chồng vũ phu.
Chế độ thai sản cho nam giới
Lin Yong, giáo sư tại Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc và là thành viên NPC, đề xuất rằng thời gian nghỉ thai sản của nam giới cần kéo dài hơn để những người chồng có thể tham gia chăm sóc con cái, nội trợ.
"Mức độ sẵn sàng sinh con tiếp tục giảm và phần lớn là do việc sinh nở sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển sự nghiệp của phụ nữ", ông Lin nói.
Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản đối với nam giới lên 42 ngày. Ảnh: SCMP. |
Hiện tại, đàn ông ở Trung Quốc chỉ được nghỉ thai sản 7-30 ngày. Ông Lin cho rằng chừng đó thời gian không đủ để đàn ông tham gia vào các công việc gia đình.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề xuất này vẫn chưa đủ, vì cần phải có cơ chế để đảm bảo rằng nam giới thực sự tham gia vào việc chăm sóc con cái khi họ nghỉ phép. Nếu không, ngay cả khi đàn ông được nghỉ 42 ngày, phần lớn việc chăm con, nội trợ vẫn thuộc về phụ nữ.
Hạ độ tuổi kết hôn
Lu Xiaoming, thành viên CPPCC, đề xuất Trung Quốc nên giảm tuổi kết hôn hợp pháp từ 22 đối với nam và 20 đối với nữ xuống 18 đối với cả hai giới, để khắc phục già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh.
Đề xuất giảm tuổi kết hôn gây tranh cãi tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
"Theo quan điểm sinh học, phụ nữ trưởng thành vào năm 14 tuổi và đàn ông trưởng thành vào năm 16 tuổi. Độ tuổi kết hôn hiện tại khiến nhiều người phải chờ đợi, làm tổn hại đến quyền lợi của họ", ông Lu nói.
Đề xuất này gây ra không ít tranh cãi trên mạng. Nhiều người cho rằng thời đại pháp lý hiện nay không chỉ xét về khía cạnh sinh học mà quan trọng hơn là tính xã hội.
"Với đề xuất này, phụ nữ làm sao có thể học hết đại học?", một người bình luận trên Weibo.