Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đàn ông Việt Nam cô đơn vì gánh nặng phái mạnh trên vai

Theo chuyên gia, sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong chia sẻ công việc gia đình, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong ngày Quốc tế Nam giới 19/11, Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet) chính thức được ra mắt.

Đây là không gian mở kết nối các cá nhân và tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Dien dan Ket noi nam gioi vi binh dang gioi va phat trien ben vung anh 1

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.

Ngoài ra, VNMenNet cũng hướng tới việc kết nối nam giới để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hành động trong các hoạt động chung và vấn đề đang tác động tới nam giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, được bầu làm Chủ tịch lâm thời của VNMenNet.

Ban điều hành còn có sự tham gia của một số nhân vật như ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS); ông Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện iSEE; nhà báo Trương Anh Ngọc...

Thúc đẩy hình mẫu nam giới tích cực

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, trong quan niệm truyền thống về bình đẳng giới, nam giới luôn được coi là tác nhân gây ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi vậy, có rất nhiều chính sách, luật để nâng cao vị thế của người phụ nữ, lên án trừng phạt hành vi bạo lực của nam giới lên phụ nữ.

Tuy nhiên, theo ông, cách tiếp cận này hiện nay cần thảo luận thêm.

“Việc chấm dứt hành vi bạo lực giới không hẳn đòi hỏi những điều luật, chính sách, chương trình, kế hoạch đồ sộ trên giấy, mà có lẽ trước hết cần bắt đầu bằng sự thay đổi cơ bản những định kiến, từ đó tạo ra giá trị, niềm tin mới tác động tới hành động của mỗi cá nhân, tổ chức. Chỉ có thay đổi những định kiến bình đẳng giới mới duy trì sự ổn định và xã hội có thể phát triển bền vững”, PGS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.

Chủ tịch VNMenNet cho rằng bất bình đẳng giới trước hết gắn liền với những chuẩn mực xưa cũ về mối quan hệ giữa nam và nữ trong xã hội; hình mẫu nữ tính, nam tính trong xã hội.

Theo đó, mẫu người đàn ông thành đạt, thành công thường được hình dung như người đẹp trai, tài năng, giàu có, có địa vị trong xã hội, trong bộ máy công quyền.

Trong gia đình, người chồng phải luôn mạnh mẽ, là trụ cột, bảo vệ, lãnh đạo gia đình. Còn người vợ phải biết nữ công gia chánh, là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác và thăng tiến.

Những quan niệm đó vẫn hiển hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tạo ra niềm tin cho giới trẻ rằng đó là mẫu hình cần phải phấn đấu, đạt được.

Dien dan Ket noi nam gioi vi binh dang gioi va phat trien ben vung anh 2

Những truyền thống hàng nghìn năm về khái niệm phái mạnh đã đặt lên vai người đàn ông những gánh nặng họ không thể rũ bỏ.

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, giới trẻ ngày nay với sự tiếp cận các luồng thông tin trong thế giới phẳng không ngừng đặt ra câu hỏi. Ví như mỗi người đàn ông là cá thể độc lập với điểm mạnh, điểm yếu tồn tại một cách tự nhiên, khách quan thì tại sao cứ phải theo mẫu hình truyền thống này?

Thực tế, với xu hướng phát triển mẫu hình truyền thống đó, xã hội vẫn đầy rẫy những bất công diễn ra hàng ngày.

“Chính vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu thách thức những định kiến cũ bằng cách thảo luận về những câu hỏi tưởng chừng đã được mặc nhiên, xác định như là thế nào là người đàn ông lý tưởng? Xã hội, gia đình mong chờ điều gì nhất ở người nam giới? Trẻ em trai được dạy gì trong cộng đồng, trường học, gia đình về những điều cần đạt được với tư cách là nam giới?

Hiểu theo nghĩa đó, VNMenNet là sáng kiến rất cần thiết, kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Đây là nơi kết nối các cá nhân và tổ chức nam giới cùng hoạt động và đóng góp tạo dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, bao trùm, khoan dung, nơi tiếng nói của mỗi cá nhân đều được lắng nghe và được tôn trọng”, ông nói.

PGS Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra 5 mục tiêu cơ bản của VNMenNet: Thúc đẩy các mẫu hình nam tích cực; Tôn vinh những đóng góp tích cực của nam giới trong xã hội, cộng đồng, gia đình, cá nhân và môi trường; Tập trung thảo luận về các vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất của nam giới; Làm sáng tỏ các hành vi phân biệt đối xử với nam giới; Tăng cường các mối quan hệ giới và thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.

Trẻ em nam khóc không có nghĩa là yếu đuối

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng là để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình bảo đảm an sinh xã hội còn phải thay đổi triệt để những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong xã hội.

“Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới chia sẻ công việc gia đình, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, diễn đàn dành riêng cho nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững là giải pháp vô hình đầy hứa hẹn trong việc thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để cả phụ nữ và nam giới phát huy năng lực, sở trường, cũng như tham gia thụ hưởng bình đẳng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nó cũng hứa hẹn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước”, ông nói.

Qua nhiều năm làm nghiên cứu về giới, phụ nữ, đặc biệt về nam giới, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện ISDS - đơn vị đồng sáng lập VNMenNet, nhận thấy nam giới ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực.

Dien dan Ket noi nam gioi vi binh dang gioi va phat trien ben vung anh 3

TS Khuất Thu Hồng cho rằng nam giới ngày càng phải chịu nhiều áp lực do gánh nặng của khái niệm phái mạnh. Ảnh: ISDS.

Theo bà, chính những truyền thống hàng nghìn năm về nam tôn nữ ti, về khái niệm phái mạnh đã đặt lên vai người đàn ông những gánh nặng họ không thể rũ bỏ. Họ đau khổ, căng thẳng, thất vọng, cô đơn, thậm chí là tuyệt vọng đối diện với sự thay đổi nhanh chóng trong xã hội hiện nay.

“Là người nghiên cứu, hoạt động vì bình đẳng giới, tôi rất đau xót khi chứng kiến những câu chuyện như vậy. Tôi nhận thấy cần phải làm gì đó. Phụ nữ không chỉ muốn kỷ niệm ngày 8/3, 20/10, mà cũng mong có ngày đàn ông để nam giới cùng nhìn lại những vấn đề của mình, chia sẻ với nhau và với phụ nữ để cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng đến sự bình đẳng”, TS Khuất Thu Hồng nói.

Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện iSEE, cũng cho rằng bình đẳng giới chắc chắn không phải công việc của một giới, cũng như riêng mạng lưới nào.

Ông tin tưởng rằng VNMenNet sẽ bắt đầu từ việc giúp nam giới hiểu hơn về chính xã hội đa dạng mà họ đang sinh sống, rằng những khuôn mẫu giới đã ngăn cản tiềm năng, hạnh phúc của họ như thế nào.

“Khi chúng ta dạy rằng trẻ em trai vẫn có thể khóc không có nghĩa là dạy chúng sự yếu đuối, mà đó là việc dạy năng lực mới của thế hệ nam giới mới, rằng biết thể hiện tình cảm, bao dung, đồng cảm với những người đang chung sống với mình”, Viện trưởng Viện iSEE nói.

Gen Z sẽ là thế hệ nhân viên ‘sa thải’ sếp của mình

Tiền bạc không còn là mục đích làm việc cao nhất của gen Z. Thế hệ người lao động này từ chối làm thêm giờ, sẵn sàng từ bỏ những nhà quản lý hứa suông.

Quan quan Olympia bi soi moi hinh anh

Quán quân Olympia bị soi mói

0

Giành vòng nguyệt quế tại chung kết Olympia, các nhà vô địch lập tức trở thành tâm điểm của truyền thông. Bên cạnh phản ứng tích cực, nhiều em sau đó bị đào bới cuộc sống riêng.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm