Vừa qua, câu chuyện về người nông dân trồng cải ở Thái Bình của phượt thủ Quang Anh (sinh năm 1986, quê Hải Phòng) được cộng đồng mạng lan tỏa.
Theo chàng trai 8X, anh biết địa điểm này nhờ các phương tiện thông tin đại chúng và quyết định một mình lên đường trải nghiệm thiên nhiên.
“Đến nơi, mình thật sự choáng ngợp trước sắc vàng bát ngát của hoa cải. Mùi thơm nhẹ dịu cùng tiết trời se lạnh khiến ai cũng phải say đắm. Tại đây, mình có dịp trò chuyện với những người nông dân trồng cải. Chia sẻ của họ thực sự khiến mình phải suy nghĩ” - anh nói.
Nhiều bạn trẻ nô đùa, chạy nhảy giữa vườn cải. Ảnh: Quang Anh. |
Nỗi niềm người dân trồng cải
Phượt thủ gặp gỡ và nói chuyện với một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, đang chăm sóc vườn. Chị kể, mọi năm ở đây cải bạt ngàn, không nhiều ruộng trống như thế này. Năm nay thời tiết xấu, cải chết nhiều, nông dân ai cũng buồn.
Người phụ nữ nhìn lại thửa ruộng thở dài: "Chú xem, cằn cỗi hết rồi còn đâu? Các nhóm thanh niên đổ xô đến chụp ảnh, không hiểu họ làm gì mà giẫm nát hết cây. Bà con phải bỏ việc ra trông nom, canh chỗ này, họ lại đến chỗ khác. Ruộng cải rụng hết hạt, đất lại cằn cỗi, cải gãy không phát triển được” - chị nói.
Người phụ nữ rơm rớm nước mắt cho biết: “Cải thế này chỉ bán được 1.000 đồng/bó thôi. Đấy là giá bán cho nhà hàng, khách sạn, không biết mang ra chợ thế nào nữa?”.
Men theo bờ ruộng, Quang Anh tiếp tục gặp thêm hai người đàn ông đứng tuổi. Họ buồn bã, ngồi trông chừng vườn cải và nói: “Chắc phải thu tiền chụp ảnh thôi, ông ạ. Cứ để hết đoàn này đến đoàn kia vào tự do giẫm đạp thế này thì chết”.
Phượt thủ Quang Anh đến thăm những em bé ở vùng cao. Ảnh: NVCC. |
Lời nói của những người nông dân trồng cải ở Thái Bình khiến Quang Anh chạnh lòng. Anh cho biết: “Mình cũng hình dung được phần nào nỗi vất vả bà con phải trải qua. Nhưng không ngờ, nó lại tàn khốc đến vậy. Chỉ vì một bức ảnh đăng Facebook, nhiều cá nhân đã lấy đi chính miếng cơm manh áo của dân lao động nghèo".
Cô Nguyễn Thị Thảo (nông dân xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết: "Lúc gieo hạt giống, bà con sẽ gieo dày, khi lá ăn được, tỉa dần đem đi bán. Một bó chỉ tầm 300-1.000 đồng thôi. Hiện tại, người dân tiếp tục chăm sóc hoa cải lấy hạt giống cải thiện thu nhập".
Theo cô Thảo, những ngày gần đây, nhiều du khách đổ về Thái Bình. Tình trạng giẫm đạp lên hoa diễn ra khá phổ biến, một số hộ dân bỏ cả công ăn việc làm ra trông nom. Nếu bắt gặp bà con chỉ nhắc nhở chứ không thu phí hay phạt tiền ai.
"Nhìn những cây cải bị nát, bẻ gãy chúng tôi xót lắm. Cũng may, mấy ngày gần đây, báo đài, phát thanh xã liên tục nhắc nhở nên các bạn có ý thức hơn, không chen vào giữa vườn chụp ảnh nữa mà chỉ đứng dọc bờ ruộng" - cô Thảo tâm sự.
Ý thức giới trẻ ở đâu?
Câu chuyện của Quang Anh khiến nhiều người suy ngẫm. Nhiều bình luận đồng cảm được chia sẻ trên mạng xã hội.
Nguyễn Thị Minh Khuê (sinh viên năm 3, Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho biết: "Người dân quê mình trồng hoa cải không phải để làm du lịch mà để làm kinh tế. Một làng quê nghèo thì những thu nhập như thế này đáng quý biết bao. Vậy nên, những hành động phá hoại thiên nhiên là điều không thể chấp nhận được".
Đồng cảm với Minh Khuê, Ái Vi tâm sự: “Mình cũng là con nhà nông nên hiểu và đồng cảm với chuyện này. Những ngày trời nắng vỡ đầu, mẹ mình vẫn đi gieo hạt, chăm bẵm rất khổ cực. Mùa thu hoạch rét căm căm phải ra đồng làm việc. Vậy mà đồng tiền thu được lại quá xót xa. Cải bán 1.000 đồng/bó, sao nỡ giẫm nát?”
Thành viên Ngọc Minh cho rằng, việc thu phí chụp ảnh với hoa không phải giải pháp tốt. Điển hình có rất nhiều cá nhân sau khi bị bắt mua vé, tỏ thái độ không hài lòng, thi nhau phá cho bõ tức. Chàng trai này cho hay, cần phạt nặng kẻ giẫm hoa để làm gương cho những người khác.
Ý thức của giới trẻ vẫn luôn là bài toán khó chưa thể tìm ra lời giải đáp. Trước đó, vườn cải ở Thái Bình, hoa tam giác mạch Hà Giang, cánh đồng hướng dương Đà Lạt, Nghệ An cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Thậm chí, một vài thanh niên còn vô tư khoe chiến tích bẻ cành, phá hoa gây phẫn nộ.
Mới đây, công an huyện Nghĩa Đàn cũng truy tìm danh tính những thanh niên quay clip giẫm đạp hoa tung lên mạng, nhằm xử lý kịp thời đối tượng có hành vi không đúng.