Ngày 1/8, sau khi Gong Lijiao giành huy chương vàng Olympic cho Trung Quốc ở bộ môn đẩy tạ, một phóng viên đến từ hãng thông tấn quốc gia CCTV đã đặt câu hỏi về ngoại hình “nam tính” và kế hoạch lập gia đình của cô.
Sự việc này đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề phỏng vấn hạn chế xung quanh nữ giới, theo New York Times.
Gong bước lên bục nhận huy chương vàng Olympic hôm 1/8. Ảnh: Hannah Mckay/Reuters. |
Ngoại hình được đề cao hơn HCV
Gong, một vận động viên từng tham gia 4 Thế vận hội, là nhà vô địch môn đẩy tạ ở Olympic Tokyo với thành tích cá nhân 20,58 m.
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên đài truyền hình CCTV, Lu You, một phóng viên thể thao, đã đưa ra một bình luận gây tranh cãi: “Gong Lijiao gây ấn tượng cho tôi về ngoại hình của một phụ nữ nam tính”.
Nữ phóng viên cũng hỏi thêm về kế hoạch tương lai của nữ vận động viên 32 tuổi: “Bạn từng là một phụ nữ lực lưỡng để phục vụ mục đích đẩy tạ. Nhưng sau này, liệu bạn có thể thay đổi nhằm trở thành chính mình không?”.
“Nếu sau này không cần tập luyện nữa, có lẽ tôi sẽ giảm cân, rồi kết hôn và sinh con - những dấu mốc đường đời mà ai cũng phải trải qua”, Gong lúng túng đáp lại.
Sau đó, Lu và người quay phim tiếp tục đặt câu hỏi cho nhà vô địch rằng cô đã có bạn trai hay chưa, có đang kiếm tìm chồng không, và liệu chồng tương lai của cô có giỏi chơi vật tay.
Nữ phóng viên thể thao đã đặt những câu hỏi "kém duyên" về ngoại hình và chuyện hôn nhân của Gong. Ảnh: CFP. |
Từ sự vụ của Gong, một tài khoản trên Weibo đã đặt ra câu hỏi “Liệu hôn nhân có phải điều duy nhất chúng ta có thể thảo luận về phụ nữ?”. Tính đến ngày 5/8, chủ đề này nhanh chóng thu hút 300 triệu lượt xem và tạo ra hơn 140.000 bài đăng liên quan.
Nhiều người dùng Internet chỉ trích các câu hỏi phỏng vấn của phóng viên đài CCTV, so sánh chúng với kiểu thăm hỏi gây khó chịu đến từ những người họ hàng tọc mạch.
Một số khác thắc mắc tại sao một vận động viên giành huy chương vàng Olympic lại phải chịu đựng những câu hỏi mang tính rập khuôn như vậy.
Trong số những bài đăng thịnh hành nhất, một người viết đã khẳng định rằng đàn ông chỉ đơn giản là không đủ tốt để kết hôn với Gong.
“Những cuộc thảo luận xung quanh phụ nữ không chỉ giới hạn ở ngoại hình và chuyện hôn nhân. Họ cũng có cả những ước mơ và sự thành đạt”, người này cho biết.
Đặc biệt, bài viết thu hút sự chú ý của Gong. Nữ vận động viên đã để lại bình luận: “Những dòng này đã nói lên mọi điều tôi đang suy nghĩ. Cảm ơn bạn!”.
Gong cũng dùng tài khoản mạng xã hội của mình để cố gắng truyền cảm hứng cho những người phụ nữ không phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống.
Hou Zhihui cũng phải đối mặt với những bình luận về ngoại hình của mình, bất chấp việc đã đem HCV về cho quốc gia. Ảnh: Xinhua. |
Trước đó, một tờ báo khác viết về Hou Zhihui, nữ vận động viên giành huy chương vàng Olympic Tokyo môn cử tạ, rằng cô từng hành xử như con trai khi còn nhỏ. Nhiều người lên tiếng chỉ trích, nói rằng sức mạnh không phải đặc điểm riêng của con trai.
Trên thực tế, tiêu chuẩn sắc đẹp nữ giới ở Trung Quốc khá cứng nhắc. Theo CGTN, nhịp độ phát triển kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ qua đã thay đổi lối sống của người dân Trung Quốc. Song, quan niệm "đàn ông trọng sự nghiệp, phụ nữ trọng nhan sắc" vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng sâu sắc.
Kiểu nhan sắc được ưa chuộng, quảng bá nhiều nhất ở xứ tỷ dân là xinh đẹp, gầy và “nữ tính kiểu truyền thống”, khiến các cô gái trẻ dễ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình hơn bao giờ hết. "Giảm cân là chìa khóa sắc đẹp", "Trẻ, trắng, gầy" trở thành khẩu hiệu được nhiều cô gái mải miết theo đuổi.