Các phòng gym đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội phần nào gây cản trở việc tập thể dục của nhiều người. Tuy nhiên, một số bạn trẻ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, tìm cách duy trì thói quen tập luyện khi ở nhà 24/7.
Zing đã trò chuyện cùng 6 người trẻ sinh sống, làm việc tại Hà Nội và TP.HCM để khám phá những cách tập luyện ở nhà của họ trong thời gian hai thành phố thực hiện Chỉ thị 16.
Ngô Thảo Trang (21 tuổi, Hà Nội) - MC truyền hình, Esport
Gần đây, tôi chuyển sang làm việc tại nhà do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Có nhiều thời gian rảnh hơn nhưng lại không thể tới phòng gym, tôi bèn tập luyện từ chính phòng khách, phòng ngủ nhà mình.
Thảo Trang tập luyện theo các video hướng dẫn trên mạng. |
Mỗi ngày, tôi sẽ lựa chọn một bài tập phù hợp trên YouTube, chỉ tập trung vào một bộ phận mỗi lần (bụng, mông, đùi…).
Với tôi, thách thức khi tập gym tại nhà là thiếu không gian, cảm giác “khí thế” để cho việc vận động nên phải thực sự chăm chỉ, quyết tâm để duy trì thói quen.
Ngoài rèn luyện thể chất, tôi cũng chú ý tới chế độ ăn uống để có cơ thể săn chắc, khỏe mạnh hơn.
Ở góc độ lạc quan, tôi coi thời gian giãn cách xã hội như cơ hội để mình tập trung cho bản thân, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhìn mình ngày càng khỏe mạnh, tươi tắn và tích cực trong gương, tôi cảm thấy vui hơn, bớt buồn chán hơn khi ở nhà 24/7.
Nguyễn Quang Thắng (25 tuổi, Hà Nội) - Huấn luyện viên thể hình
Ngay trước đợt giãn cách xã hội hồi tháng 3/2020, tôi kịp thiết lập một phòng tập riêng rộng 32 m2 tại nhà. Từ đó đến nay, tôi không tới gym công cộng nữa, bớt một phần lo nghĩ về dịch bệnh.
Trong thời gian giãn cách, lịch tập của tôi thậm chí còn dày hơn bình thường bởi có nhiều thời gian rảnh. Tôi sắp xếp xen kẽ tập kháng lực với tạ và các bài cardio trên máy chạy bộ, boxing.
Chế độ dinh dưỡng của tôi cũng được cải thiện nhiều. Do tất cả hàng quán đóng cửa, tôi phải tự tay chuẩn bị toàn bộ các bữa ăn. Các loại thực phẩm cần thiết tôi đều có thể tìm thấy ở siêu thị.
Quang Thắng cảm thấy may mắn khi có phòng tập tại nhà trước giãn cách xã hội. |
Tôi thừa nhận không khí ở gym công cộng sẽ tạo động lực tốt hơn, song cũng khiến tôi xao nhãng do mải tán gẫu. Trong khi đó, tập luyện ở nhà giúp tôi tập trung vào bản thân. Hơn nữa, tôi được lựa chọn loại nhạc tùy thích và hò hét hết cỡ mà không ảnh hưởng tới người khác.
Đối với tôi, duy trì phòng tập trị giá 50 triệu đồng thực chất khá đơn giản. Trong quá trình sử dụng, tôi luôn xếp tạ vào đúng vị trí sau khi xong bài tập, không quăng quật đồ dùng lung tung nhằm hạn chế khả năng gây hỏng hóc.
Ngoài ra, tôi dọn dẹp mỗi tuần một lần, chủ yếu là lau chùi các dụng cụ như dàn tạ đơn, ghế tập, thanh đòn… Hàng tháng, tôi tra dầu vào các máy chạy và ròng rọc để giữ chúng vận hành trơn tru.
Mỹ Duyên (26 tuổi, TP.HCM) - Nhân viên truyền thông
Trước khi dịch bệnh bùng phát, tôi có thói quen tới phòng gym cùng bạn bè hoặc mang thảm yoga ra công viên để vừa tập luyện, vừa hít thở không khí trong lành. Tôi chủ yếu tập cardio và lồng ghép thêm các bài tập trung vào phần cơ nhằm mục tiêu giảm mỡ, giữ dáng.
Mỹ Duyên đa dạng hóa các bài tập phù hợp tâm trạng mỗi ngày. |
Do đó, tôi gặp chút khó khăn khi chuyển sang tập luyện tại nhà vì thiếu thiết bị hỗ trợ, dễ cảm thấy nản vì không có bạn cùng tập như trước.
Gần đây, tôi thử đa dạng hóa các bài tập, lắng nghe cơ thể nhiều hơn và không cố tập quá sức như trước. Nếu hôm nào không muốn vận động mạnh, tôi chỉ tập yoga, hít thở nhằm duy trì thói quen hàng ngày, nạp năng lượng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, để quá trình tập luyện được hiệu quả, tôi có mua một số loại dây kháng lực với nhiều mức độ khác nhau để có cảm giác như đang tập luyện ở “phòng gym tại gia”.
Tôi hiểu rằng việc ở nhà nhiều, thiếu giao tiếp với cộng đồng có thể khiến ta cảm thấy bức bối, cô đơn. Vì thế, tôi coi các hoạt động thể chất ở mức độ phù hợp như “liều thuốc” bồi bổ cơ thể, chữa lành tâm trạng cho mình trong những ngày giãn cách.
Phạm Cao Tùng (27 tuổi, Hà Nội) - Huấn luyện viên dạy nhảy
Những ngày này, tôi ở nhà cùng bố mẹ và tự tập luyện. Mỗi ngày, tôi dành một tiếng để khởi động và thực hiện một số bài tập như chống đẩy, squat, tạ đơn.
Sau đó, tôi tập lại các bài nhảy cũ, hoặc tự biên đạo nhiều bài mới để sẵn sàng trở lại phòng gym khi Hà Nội hết giãn cách. Tôi thường phát livestream các buổi tập của mình trên trang cá nhân để khích lệ bạn bè, hội viên tập luyện cùng.
Bên cạnh đó, tôi cũng dành 3-4 buổi tối trong tuần tập yoga cùng mẹ. Hai mẹ con chủ yếu giãn cơ, ép dẻo, giúp cơ thể không bị cứng trong thời gian phải tạm xa phòng gym.
Cao Tùng lựa chọn các bài tập ưa thích để tạo động lực cho bản thân. |
Dù giữ cho bản thân một lịch tập bận rộn tại nhà, tôi vẫn rất nhớ không khí phòng tập. Trước giãn cách, các lớp nhảy tôi phụ trách thường rất đông học viên, nên không khí tập luyện luôn sôi động, máu lửa.
Trong khi đó, tập luyện tại nhà khiến tôi cảm thấy mất đi nhiều động lực. Vì vậy, tôi gắng động viên bản thân bằng cách lựa chọn một danh sách phát nhạc thật hay, kết hợp những bài tập yêu thích và nghĩ tới một điều truyền cảm hứng cho mình.
Nguyễn Minh (20 tuổi, Hà Nội) - Sinh viên năm 2
Tập thể hình là niềm đam mê của tôi từ năm 2018. Hiện, trong thời gian thủ đô thực hiện giãn cách, tôi vẫn duy trì sở thích tập luyện này nhờ có đầy đủ dụng cụ cơ bản tại nhà, bao gồm một chiếc ghế tập và một bộ tạ 40 kg.
Dịch bệnh không làm Minh bỏ lỡ lịch tập luyện của mình. |
Tôi tập tạ một mình các ngày trong tuần. Đương nhiên, không gian nhỏ hẹp ở nhà, cũng như việc bị giới hạn một số bài tập do không đủ máy móc, dụng cụ phần nào ảnh hưởng đến tinh thần tập luyện của tôi. Song, tôi vẫn nỗ lực mỗi ngày để duy trì thói quen lành mạnh này.
Trước đợt bùng phát dịch, tôi hay ăn ngoài cùng gia đình, bạn bè nên quá trình giảm cân có phần chậm chạp. Giờ đây, vì được ở nhà nhiều, tôi ăn uống chỉn chu, nghiêm túc hơn nhờ tự kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể.
Để tập trung giảm mỡ, tôi kiên quyết ăn ít hơn lượng calo tối thiểu mỗi ngày và tự tay vào bếp chuẩn bị các món. Nhờ đó, tôi giảm được từ 82 kg xuống còn 75 kg.
Hồ Trường Thành (23 tuổi, TP.HCM) - Nhiếp ảnh gia
Vài năm qua, tôi kiên trì với bộ môn street workout (thể thao đường phố), không phụ thuộc vào thiết bị hỗ trợ nhằm cải thiện sức mạnh, sức bền cơ thể.
Nhờ vậy mà trong thời gian giãn cách xã hội, tôi vẫn có thể duy trì tập luyện ngay tại nhà. Mỗi sáng sớm, tôi sẽ lên sân thượng hít đất và thực hiện một số bài tập cơ bản.
Tôi coi việc vận động hàng ngày như cách đối phó với cảm giác buồn chán, mệt mỏi khi phải ở nhà 24/7 vì dịch Covid-19. Mặt khác, rèn luyện sức khỏe cũng khiến tinh thần tôi tích cực, lạc quan hơn trong khoảng thời gian này.
Dù vậy, tôi vẫn khá nhớ những ngày được tới công viên tản bộ, tập hít đất hay đu xà ở không gian công cộng như thời trước dịch. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi.
Hoạt động thể dục giúp Trường Thành cải thiện sức khỏe tinh thần trong đợt giãn cách xã hội. |