Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, trả lời độc giả Nhã Uyên (Hà Nội) như sau:
Khoản 1 Điều 31, Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, trong đó có quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của bản thân trước những hành vi sử dụng trái phép.
Cũng tại khoản 2 và 3 của điều này, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc quy định khác. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có trong hình ảnh.
Như vậy, việc chụp ảnh người khác trong tư thế "không đẹp" như ngủ hớ hênh ở cơ quan, bung cúc áo, quần... rồi đăng lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý và kèm theo những lời bình luận khiếm nhã, khiêu khích, trêu ghẹo,... gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín người đó, người đăng ảnh có thể bị xử phạt hành chính.
Tùy theo mức độ, người vi phạm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng theo quy định tại Điều 5, Nghị định 167 năm 2013.
Ngoài ra, liên quan đến việc đưa hình ảnh trên lên mạng mà gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, người đăng tải phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường theo quy định của luật dân sự.
Trong đó bao gồm khoản bồi thường về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm gây ra, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần...