Thông tin đến PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bà V.T.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) bàng hoàng khi chưa tin được sự việc đã xảy ra với mình: "Tôi thực sự rất sốc, buồn và tự trách bản thân mình rất nhiều. Không thể giải thích được tại sao mình lại tin theo lời bọn chúng, tôi như rơi vào một ma trận".
Được biết, bà H. đang đi chợ Yên Viên, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thì có một người phụ nữ tiến đến phía bà nhận là người quen lâu ngày rồi chưa gặp. Thoáng giật mình và cố "lục lọi" trí nhớ nhưng bà H. không thể nào nhớ được người này là ai.
Người phụ nữ lừa đảo kia vồn vã, giới thiệu mình là Phùng Huyền, giáo viên dạy toán tại Trường THCS Tân Mai. Để cố lấy lòng tin, Huyền liến thoắng tiếp tục giới thiệu có người thân là bác sĩ tại khoa Chống độc, Bệnh viện Quân Y 354, có thẻ tên đầy đủ và mời chào bà H. đến một hội thảo về chữa bệnh về mắt đang tổ chức cách đó không xa.
Sản phẩm được những kẻ lừa đảo bán với giá... "cắt cổ". Ảnh: SKĐS. |
Đến nơi, khi đối tượng Huyền vừa dừng xe, xuất hiện thêm một người phụ nữ tên Vân Anh, giới thiệu học vị tiến sĩ, làm tại Bộ Y tế. Người này thông báo rằng muốn tham gia hội thảo phải đăng ký từ trước, hội thảo đã kết thúc và đây là hội thảo quốc tế, 5 năm mới tổ chức một lần.
"Ngay lập tức tôi cũng giới thiệu mình có người thân làm tại Bộ Y tế, Vân Anh liền bảo mình không làm trong Bộ Y tế mà ở bên tổng kho dược liệu của Bộ Y tế, phụ trách dược liệu Nhật", bà V.T.H. kể lại.
Sau khi giới thiệu đây là người thân của chồng mình, nhờ vị tiến sĩ kia giúp đỡ, đối tượng Phùng Huyền lấy lý do rời đi trước.
Đáng chú ý, người phụ nữ tên Vân Anh đã chỉ ra đúng căn bệnh về mắt của bà V.T.H. đang mắc đó là viêm bờ mi, đục thuỷ tinh thể người già và nhanh chóng giới thiệu sản phẩm thuốc đóng trong hộp trắng, không có nhãn mác, thành phần…
"Như bị 'ma làm', tôi lập bập rút 9 triệu đồng ra mua những sản phẩm của bọn chúng", bà H. buồn rầu.
Trước mặt phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống, bà V.T.H. mở sản phẩm đã mua, thấy bên trong chỉ có năm túi hạt, không rõ là hạt gì.
"Đi cùng tôi từ chợ còn có một người phụ nữ, mua gói thuốc đó giá 38.000.000 đồng. Khi tôi bảo không có đủ tiền đâu, Vân Anh bảo tôi không cần phải mua như người bên cạnh, với bệnh của tôi chỉ cần mua gói 9.000.000 đồng, cam đoan không cần mổ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình đang có vấn đề về mắt mà có thể chữa khỏi thì không có gì tiếc", bà V.T.H. kể.
Bà V.T.H. cũng cho biết bản thân là người khá cẩn thận và quan tâm đến sức khỏe. Khi mua bất kỳ sản phẩm thuốc hay khám chữa bệnh, cô luôn tham khảo trước ý kiến của người thân trong gia đình. Khi đối tượng tiếp cận, trong nhận thức của bà chỉ muốn đến nghe buổi hội thảo để tiếp nhận thêm kiến thức về sức khỏe.
Số điện thoại đối tượng tên Vân Anh dùng để thực hiện hành vi lừa đảo bán thuốc. Ảnh: SKĐS. |
Tuy nhiên, thời điểm đó, để tăng thêm niềm tin với bà H., người phụ nữ tên Vân Anh sẵn sàng cho số điện thoại nhưng chỉ liên hệ ngoài giờ hành chính.
Thanh toán xong số tiền mua thuốc cũng là lúc bà H. phát hiện bản thân đã sập bẫy lừa đảo do bên trong túi đựng thuốc có một tờ giấy ghi thông tin sai lệch, khó hiểu và khi gọi lại nhiều lần thì đối tượng không phản hồi.
Qua người quen, bà V.T.H. nhờ xác minh thông tin và phát hiện không có giáo viên tên Phùng Huyền đang giảng dạy môn toán tại trường THCS Tân Mai và tại Bệnh viện Quân Y 354 không có khoa Chống độc.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý của người dân, uy tín của các cơ quan nhà nước, nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã dựng lên kịch bản "giăng bẫy" chi tiết và tinh vi.
Sự việc đáng tiếc trên là lời cảnh tỉnh cho người dân trước những lời chào tham dự hội thảo đa cấp trá hình, mua bán sản phẩm thuốc… thường xuyên được phản ánh trên báo và cảnh báo bởi các cơ quan chức năng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm liên quan đến công việc cao hơn nam giới. Tại sao lại như vậy? Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez cho thấy thực tại của lỗ hổng dữ liệu giới - những khoảng trống câm lặng đầy rẫy trong nền văn hóa của chúng ta.