Chỉ tính riêng trong tháng 11, lượng ô tô đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An đã là 679 xe, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh so với những tháng giữa năm. Và nửa đầu tháng 12, con số làm thủ tục đăng ký mới và sang tên đổi chủ đã ngót nghét 400 trường hợp.
Theo thiếu tá Lê Anh Hào - Đội trưởng Đội Quản lý xe lái, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An, lượng người đăng ký mới và sang tên đổi chủ càng gần Tết càng tăng nhanh.
Trong lúc đó, cán bộ Cảnh sát giao thông làm công tác đăng ký thì rất mỏng. Mỗi ngày, 2 cán bộ làm đăng ký phải kiêm rất nhiều việc, từ làm thủ tục, ghi hồ sơ, nhập dữ liệu đến việc kiểm tra số khung, số máy. Hơn nữa, máy tính chuyên dụng cho đăng ký ô tô được Bộ Công an trang cấp chỉ 2 chiếc nên tình trạng người dân phải đợi lâu là khó tránh khỏi. Vất vả nhất cho lực lượng CSGT là làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Đây là công việc khá tỉ mẩn với nhiều loại giấy tờ, chứng từ. Lượng hồ sơ một trường hợp sang tên đổi chủ thường nhiều gấp 3 đến 4 lần hồ sơ đăng ký mới. Để khắc phục, đội đã bố trí làm thêm giờ, đồng thời lựa chọn, huấn luyện những cán bộ thao tác vi tính nhanh để phục vụ nhân dân.
Thiếu tá Lê Anh Hào - Đội trưởng Đội Quản lý xe lái, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An kiểm tra số khung, số máy của xe ô tô đăng ký mới. |
Nguyên nhân chính của việc tăng đột biến nói trên là vì quan niệm về ô tô của người dân Nghệ An đã dần dần thay đổi. Trước kia, chiếc ô tô được xem là một tài sản quý và là mặt hàng xa xỉ, thì nay, hầu hết mọi người quan niệm rằng, ô tô chỉ là phương tiện đi lại, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình. Thế nên, rất nhiều người tìm cách huy động tiền để sắm cho mình một chiếc xe. Thậm chí, họ đã chấp nhận hình thức mua trả góp để mua sắm.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, cán bộ hưu trí ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, sau nhiều năm tích góp đã quyết định mua lại chiếc xe 5 chỗ của một người bạn. Mục đích chính của ông Châu là để giữ sức khỏe trong thời tiết giá lạnh và để ông bà đi thăm các cháu lúc cần thiết. Là lính lái xe Trường Sơn nên ông Châu lái rất chắc tay và cũng rất hiểu những tiện lợi mà ô tô đem lại trong cuộc sống. Chính ông cũng vận động các con tìm mọi cách, kể cả vay ngân hàng để mua xe, đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Còn anh Phạm Phi Long (33 tuổi) ở thành phố Vinh thì mua xe mới theo hình thức trả góp. Mục đích chính là để vợ đi làm và đón con nhỏ, nên anh Long chọn xe số tự động nhỏ gọn, vừa tiền, dễ xoay trở và tiêu thụ ít nhiên liệu. Anh Long cho biết, anh và gia đình quan niệm ô tô chỉ là phương tiện phục vụ mình nên chỉ đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu…
Hiện, trên địa bàn thành phố Vinh đã xuất hiện đại lý của hầu hết các hãng xe lớn như Toyota, Hyundai, Kia, Ford, Honda, Nissan… Bên cạnh đó là khoảng 10 salon ô tô chuyên kinh doanh các loại xe mới và cũ nhập khẩu. Theo đại diện của hầu hết các đại lý, lượng khách đặt hàng cuối năm tăng vọt. Nhiều hãng xe về đến đâu, bán hết đến đấy, thậm chí phải hẹn giao xe cho khách sau vài tháng.
Theo ông Nguyễn Thanh Toan - Tổng Giám đốc Hyundai Vinh, sức mua tăng một phần vì tâm lý người dân thay đổi, phần vì các hãng xe, nhất là các hãng từ Hàn Quốc, đã thường xuyên xuất xưởng các chủng loại hợp túi tiền, tiết kiệm nhiên liệu, mẫu mã đẹp, đáp ứng được yêu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, thị trường ô tô ở Nghệ An càng có chiều hướng ấm dần lên. Điều này tuy trái ngược với thị trường chung của cả nước nhưng là tín hiệu đáng mừng cho các nhà kinh doanh ô tô, đồng thời cũng tạo áp lực lên các bộ phận quản lý phương tiện giao thông, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát giao thông.