Mới ra trường chưa được 3 tháng, Hoàng Oanh (22 tuổi, Hà Nội) thừa nhận nhiều lúc cô vẫn chưa tin được mình đã phải “lao ra đời, ngày ngày phải xoay xở đi làm, nuôi bản thân”.
“Cho dù ghét trường lớp đến thế nào, bạn vẫn sẽ luôn nhớ nhung khi phải rời xa nó. Ngày ấy suốt ngày than trời vì những điều mình cho là phiền phức, mệt mỏi, giờ muốn trải qua cũng không được nữa rồi”, cô bạn nhớ lại quãng thời gian học tập 4 năm tại Học viện Báo chí.
Trong ký ức Oanh, ba từ “học đại học” gắn liền với những sáng vội vã đến trường kịp giờ điểm danh, chen chân ở canteen chật chội để mua chiếc bánh mì ăn vội, những lần thi cuối kỳ mấy môn dồn dập mà lòng nơm nớp lo sợ trượt môn, phải học lại.
“Mình vừa dẫn đứa em họ lên Hà Nội nhập học, không quên dặn nó nhớ tận dụng tối đa quãng đời sinh viên này. Bốn năm trôi nhanh lắm, có những ‘đặc sản’, cảm xúc chỉ được trải nghiệm khi còn ngồi trên giảng đường đại học thôi”, Oanh nói.
Thức trắng đêm cho “cuộc chiến” tín chỉ
Sau 4 năm học, Minh Hà (21 tuổi, Hà Nội) hài hước so sánh: "Chuyện đăng ký tín ở ĐH Ngoại thương như một 'cuộc chiến sinh tồn' giữa các sinh viên trong trường".
“Mình phải nghiên cứu lịch học nhà trường thông báo từ trước, sắp xếp sao cho hợp lý, rồi làm mọi cách để chọn được những lớp đã ngắm. Nhưng hên xui lắm, may thì thành công, học cùng lớp với bạn bè, còn không đành chịu cảnh giờ học oái ăm, đi học một mình”, nữ sinh viên năm cuối cho biết.
Theo Hà, vào mỗi mùa đăng ký tín chỉ, thức trắng đêm để “rình” lớp đã trở thành câu chuyện quá quen thuộc với các bạn trẻ ở trường cô.
“Như thông báo thì hệ thống sẽ mở cửa đúng ‘giao thừa’ cho sinh viên đăng ký. Suốt 4 năm, dù mình và đám bạn canh me rất chuẩn giờ nhưng việc chọn lớp chưa bao giờ ‘một phát ăn luôn’ cả. Cổng thông tin chỉ cần vài phút là sập vì quá tải”, cô bạn nhớ lại.
Chuyện thức trắng đêm, chầu trực cho tới sáng để đăng ký tín chỉ là vấn đề mà hầu hết mọi sinh viên Việt Nam đều từng trải qua. Ảnh: ULF. |
Cùng chung suy nghĩ với Minh Hà, Nhật Quang, sinh viên năm hai của trường Ngoại thương, cho biết mỗi lần đăng ký lớp cho kỳ học tiếp theo, cậu bạn lại phải “vắt óc” nghĩ đủ cách xoay xở.
“Mình buộc phải thức tới sáng vì chẳng thể biết được hệ thống sẽ mở cửa vào lúc nào, luôn ở trong tâm thế sẵn sàng giành giật từng chỗ học. Nhiều lần mình phải huy động bạn bè giúp đỡ hay sắm hai máy tính túc trực, nhóm bạn thức cùng nhau cũng thay phiên cập nhật tình hình, vào được phát là kéo cả nhóm đang ngái ngủ lật đật dậy vào đăng ký”, anh chàng nói.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” chỉ thực sự bắt đầu khi ai nấy đều cố chọn những lớp mình ưng ý nhất.
“Số lượng người ở mỗi lớp lẫn số lớp đều có hạn. Vậy nên hơn nhau ở mỗi cú click chuột thôi, nhanh chân thì được. Nhiều lần mình vào chậm một tí thôi đã thấy các lớp trống trơn, khi thì đang đăng ký dở thì hệ thống lại dở chứng, chọn lại từ đầu”, Quang chia sẻ.
Với những sinh viên có máy tính cá nhân, chuyện đăng ký tín chỉ đã vất vả, nhưng với những người ở ký túc xá hay phòng trọ, “thử thách” còn tăng thêm độ khó lên vài lần.
“Mỗi đợt đăng ký, mình phải nhờ anh chị khóa trên giữ chỗ trước trong lớp, hôm sau người đấy hủy thì mình vào đăng ký”, Hà Anh (19 tuổi), nói về kinh nghiệm sau 2 năm học tại trường.
“Nỗi ám ảnh” mang tên thể dục, học quân sự
Vốn thuộc dạng con gái “chân yếu tay mềm”, Hương Ly (19 tuổi), sinh viên khoa Luật Kinh tế, trường Đại Học Luật, thừa nhận môn học khiến cô sợ sệt nhất là môn Thể dục.
"Nỗi ác mộng” này đã theo chân cô suốt những năm tháng học trung học và “lên đại học tưởng dứt rồi, ai dè lại còn khó nhằn hơn”.
Với những học phần cơ bản như chạy bền hay tập thể dục 32 động tác, cô còn có khả năng vượt qua, còn các học phần bóng chuyền hay nhảy xà thì “thực sự là điều kinh khủng”.
Kỳ học quân sự bắt buộc nhiều vất vả nhưng được nhiều bạn trẻ đánh giá là "kỷ niệm khó quên nhất" thời sinh viên. Ảnh: Lê Quân. |
“Có những hôm mình tập phát bóng, đánh bóng đến đỏ rát cả da tay. Bạn bè khéo léo tay chân còn mình thì vụng về, yếu ớt. Nhiều đứa phát bóng bay vèo vèo còn mình tập cả 10 lần vẫn chưa qua lưới nổi lần nào”, cô kể lại.
Không phải các môn chuyên ngành khó nhằn, Giáo dục Thể chất mới là môn khiến cô bạn phải “ngậm ngùi gật đầu” với học lại.
“Thi cuối kỳ, mình dù cố gắng hết sức và có tập luyện trước đó song vẫn thiếu đúng 1 điểm để đạt mức qua môn tối thiểu. Thể dục không phải là môn cứ cố là vượt qua được”, Ly nói.
Không chỉ vậy, học kỳ quân sự cũng là "nỗi ám ảnh".
“Nghĩ đến cảnh ngày nào cũng phải thức dậy lúc sáng sớm, tập trung đúng giờ giữa trời nắng oi bức khiến mình e dè thực sự. Chưa kể, mình còn nghe lời kể của các anh chị khóa trước, rằng ở khu học quân sự điều kiện vệ sinh bẩn lắm, có chị đi về mà mặt nổi tùm lum mụn vì bị dị ứng”, Ly nhớ lại.
Nhưng cũng chính cô bạn thừa nhận, quãng thời gian thử “nhập ngũ” kéo dài hơn 1 tháng ấy đem lại nhiều kỷ niệm vô giá của thời sinh viên.
“Phải lăn lê, bò trườn bất kể thời tiết nắng nóng thế nào khiến ai cũng mệt nhoài. Nhưng rồi tất cả đều vui vì cùng sống chung như một tập thể. Cả tháng chỉ có loanh quanh trong khu học nên mình và các bạn gắn bó hơn hẳn”, cô bạn chia sẻ.
“Quay cuồng” với làm việc nhóm
Trải qua năm học đầu tại Học viện Báo chí, Minh Hiếu (18 tuổi, sinh viên khoa Quan hệ Công chúng) mới thấm thía câu nói “Lên đại học nhàn lắm, chỉ có chơi thôi” là lời nói dối chỉ mang tính chất an ủi của các anh chị đi trước.
Mới bắt đầu năm nhất được 2 tuần, Hiếu đã thấy viễn cảnh “học đại học nhàn hạ” xa vời khi các thầy cô giáo liên tục giao bài tập. Có khi trong một tuần, cậu bạn phải xoay xở với 3-4 bài thuyết trình khác nhau.
Theo Hiếu, mới “chân ước chân ráo” vào trường, môi trường mới khiến cậu bỡ ngỡ không ít, nhất là với cách thức học.
Tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm trong trường là cách giúp các bạn sinh viên nhanh chóng hòa đồng với môi trường mới, mở rộng vòng tròn bạn bè. Ảnh: Tùng Tin. |
“Khác với cấp 3, học đến 4-5 môn trong cùng một buổi sáng, trường mình sắp xếp học duy nhất một môn kéo dài hết 5 tiết. Môn học nào không khô khan, hàn lâm quá còn dễ thở nhưng với những môn như Triết học, mình ngồi nghe cả buổi mà đầu ong hết cả lên dù chẳng tiếp thu được mấy”, Hiếu kể lại.
“Ở đại học, thầy cô thường chia nhóm làm bài tập. Chia nhóm mà hợp cạ thì không sao, chứ phải chung nhóm với những bạn thiếu trách nhiệm khó chịu thực sự. Bài tập đã nhiều lại còn dồn hết lên vai trưởng nhóm, sát deadline các thành viên vẫn chưa chịu nộp đủ bài, nhắn tin nhắc nhở không thèm trả lời. Công việc của cả nhóm nhưng mình toàn phải thức cả đêm làm hết phần mọi người”, cậu bạn chia sẻ.
Hiếu thừa nhận tính cách “dĩ hòa vi quý” nên không muốn quá căng thẳng với các bạn cùng lớp. “Thôi thì cũng coi như là cách giúp mình rèn luyện dưới áp lực vậy”, anh chàng nói.
“Nhặt” được người yêu nhờ tham gia CLB
Ngày nhập học vào Học viện Báo Chí, Minh Châu (20 tuổi, khoa Quan hệ Quốc tế), vẫn nhớ cảm giác thích thú khi chứng kiến không khí đông vui trong sân trường, nơi nhiều câu lạc bộ (CLB) đang tổ chức quảng bá, tuyển thành viên lứa mới.
Dạo quanh một vòng, cô bạn bị choáng ngợp bởi hàng loạt hội nhóm khác nhau, từ đội Văn nghệ, đội Tình nguyện, đội Máu, đến các CLB Văn hóa Hàn Quốc, CLB Báo chí Điều tra...
“Mình đếm phải đến trên 10 CLB lớn nhỏ khác nhau, chỉ sợ không có đủ sức với thời gian mà tham gia thôi. Chỉ riêng ở khoa mình thôi đã có đến 4-5 hội nhóm khác nhau”, Châu hào hứng nói.
Vốn thuộc tuýp người năng động, thích lăn xả, Châu cho hay cô đăng ký liền 2-3 CLB cả trong khoa lẫn ở trường.
“Mới vào trường, muốn nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và làm quen thêm nhiều bạn bè, tân sinh viên nên mạnh dạn ghi tên vào CLB, hội nhóm. Hầu hết trường đại học đều có CLB phù hợp với đặc thù của từng trường và sở thích của các bạn trẻ luôn”, Châu đánh giá.
Cũng nhờ chịu khó tham gia, 4 tháng sau khi vào trường, Châu đã kịp “tậu” một anh chàng khóa trên về làm “của riêng”.
“Mình và anh ấy cùng trong ban tổ chức chương trình thường niên của khoa, tiếp xúc nhiều nên nảy sinh tình cảm lúc nào không hay”, cô bạn chia sẻ.
“Mình từng nghe nhiều ý kiến nói rằng tham gia các CLB ở trường đại học chỉ tổ vô bổ và chỉ có sinh viên năm nhất mới nhiệt tình, hứng thú. Nhưng mình quan niệm tuổi trẻ mà, phải thử mới biết được. Quãng thời gian hoạt động này nọ giúp mình tự tin hơn và học được nhiều kỹ năng mềm hay ho lắm”, Châu khẳng định.