Trao đổi với Zing.vn về đề nghị bỏ thủ tục đốt vàng mã, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng việc đốt vàng mã quá nhiều gây lãng phí tiền của.
Sau khi bàn bạc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng số tiền mua vàng mã để đốt tại sao không để thực hiện các công việc an sinh xã hội. Việc đốt vàng mã là theo phong tục tập quán của người dân từ xa xưa. Nhưng trước đây, người dân đốt rất ít. Càng ngày, con người càng nghĩ và sản xuất ra vàng mã hình thù đủ mọi thứ vì vậy việc này cần phải hạn chế.
Bỏ quá nhiều tiền để đốt vàng mã
"Hiện, có bao nhiêu người nghèo đói, túng thiếu, cơm gạo không có để ăn. Trong khi đó, không ít người bỏ ra rất nhiều tiền để đốt vàng mã. Đây là điều bất hợp lý", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Nhiều nơi có phong tục đốt vàng mã lấy may đầu năm. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trụ trì chùa Quán Sứ khẳng định nhà chùa không thể ngăn được người dân mang vàng mã đến chùa cúng và đốt. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh, thành phải thực hiện công việc này. Các cơ quan chức năng phải ngăn từ việc sản xuất, buôn bán vàng mã và đây là cách làm từ gốc.
Đốt vàng mã là mê tín và không được khích lệ trong đạo Phật
Thượng tọa Thích Nhật Từ
"Việc đề xuất cấm đốt vàng mã chúng tôi đã nghiên cứu từ mấy năm trước rồi. Đây mới chỉ là bước đầu. Việc cấm thế nào phải chờ cơ quan chức năng có kế hoạch cụ thể", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Đồng quan điểm, Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cũng cho rằng về gốc rễ văn hóa Phật giáo, đốt vàng mã là mê tín và không được khích lệ trong đạo Phật.
Nhiều chùa ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ và chùa người Hoa do ảnh hưởng từ tập tục đạo Nho của Trung Quốc vốn đè nặng trên văn hóa Việt Nam nên các chùa cứ mặc nhiên cho phép. Tức là không cấm, cũng không khích lệ người ta ngưng.
Về phương diện hài hòa tôn giáo, các chùa vẫn để cho tập tục đó lộng hành trong phạm vi của các ngôi chùa, đó là điều rất đáng tiếc. Còn ở miền Nam, phần lớn các chùa không đốt vàng mã.
Muộn nhưng cần thiết
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, công văn 31 của Giáo hội Phật giáo có nội dụng đề nghị bỏ đốt vàng mã là nó quá muộn, lẽ ra nên ban hành sớm thì đỡ gây ô nhiễm, lãng phí tiền bạc của người dân.
Người dân bỏ số tiền lớn để mua vàng mã đốt gây lãng phí. Ảnh: Lê Hiếu. |
Thượng tọa phân tích năm 2009
Số tiền mà người dân mua vàng mã mang vào chùa đốt có thể nuôi được hàng triệu người Việt nghèo khó
Thượng tọa Thích Nhật Từ
Thứ hai là yêu cầu giải thích, khuyến khích, vận động người dân không đốt vàng mã, vì phật tử thì không làm điều đó. Những người đốt vàng mã thường là những người một năm đi chùa 1-2 lần. Thứ ba là kêu gọi giữ gìn văn hóa, cố gắng hài hòa với các tôn giáo khác, tránh va chạm.
"Các chùa cần quán triệt thực hiện theo tinh thần của công văn đó. Với tổng số tiền mà người dân mua vàng mã mang vào chùa đốt có thể nuôi được hàng triệu người Việt nghèo khó. Chúng ta thay đổi được cái đó thì giá trị tích cực sẽ tăng lên", Thượng tọa Từ nhấn mạnh.
Cũng theo vị Thượng tọa, để làm hiệu quả việc này, cấp tỉnh, thành xuống huyện, phường xã phải xuống từng chùa vận động. Công văn đó phải được gửi đi cho hơn 18.000 ngôi chùa trên toàn quốc. Tất cả các chùa chiền ra một hạn định trong vòng bao nhiêu ngày tập hợp quần chúng và triển khai tinh thần của công văn.
Bên cạnh đó, các vị trụ trì cần phân tích cho người dân hiểu nguồn gốc đốt vàng mã là xuất phát từ Trung Quốc.
"Cần nhấn mạnh tác hại, giải thích về nguồn gốc ngoại lai, cũng như những điểm vô lý của tập tục này so với học thuyết tái sinh của đạo Phật. Người dân cần hiểu thấu đáo, phải hiểu sâu xa thì mới bỏ được", Thượng tọa Từ nói thêm.
Ngày 12/2, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu ký công văn số 31 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường nét đẹp văn hóa dân tộc tại các cơ sở thờ tự phật giáo.
Trong đó, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa phật giáo Việt Nam.