Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặng Lê Nguyên Vũ: ‘Sẽ chọn ngành Công nghệ dù có đi du học hay không'

Ngay sau khi giành vòng nguyệt quế, Nguyên Vũ nói với Zing cậu luôn mong muốn theo đuổi các ngành Công nghệ thông tin, dù tương lai sẽ du học hay học trong nước.

Đặng Lê Nguyên Vũ đã chứng minh mình xứng đáng với biệt danh "vua tốc độ" ở Olympia năm thứ 22. Ảnh: Phạm Thắng.

Liên tục dẫn đầu trong trận chung kết, bị rượt đuổi sát nút bởi người về thứ hai, trả lời đúng ở câu hỏi cuối cùng, Đặng Lê Nguyên Vũ đã chứng minh mình xứng đáng với biệt danh "vua tốc độ" ở Olympia năm thứ 22.

Vừa nhận vòng nguyệt quế, nam sinh THPT Bắc Duyên Hà được vây quanh với người thân, bạn bè. Đây là những người đã đồng hành cùng cậu trên hành trình mang cầu truyền hình và chức vô địch đầu tiên về cho quê hương Thái Bình.

Run tay khi trả lời câu cuối

Trả lời Zing ngay sau trận thi căng thẳng, Nguyên Vũ thừa nhận không chuẩn bị tinh thần cho việc chiến thắng. Đặc biệt, ở phần Về đích, khi bị đối thủ Nguyên Sơn dẫn trước điểm số, cậu chỉ cảm thấy rất run.

Nha vo dich Olympia 2022 anh 1

Nhà vô địch Olympia năm 22 là người duy nhất trong trận chung kết không đến từ một trường chuyên. Ảnh: Phạm Thắng.

"Em không tin được mình đã trở thành nhà vô địch Olympia 2022. Bây giờ, em chỉ nghĩ đến người thân, nghĩ đến điểm cầu Thái Bình. Việc trả lời đúng câu cuối cùng và vô địch cứ như một giấc mơ. Là người đầu tiên của quê nhà vô địch chung kết Olympia, em muốn mang đến niềm đam mê, truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo", Nguyên Vũ chia sẻ.

Trước đó, nhà tân vô địch đã là thí sinh nổi bật khi giành tối đa 160 điểm ở phần thi Tăng tốc và là học sinh duy nhất giữ kỷ lục này tính đến hiện tại. Trong quý I, Nguyên Vũ cũng sở hữu tổng điểm cao nhất, 300 điểm. Cậu là người duy nhất trong trận chung kết không đến từ một trường chuyên.

"So với 3 trận trước (tuần, tháng, quý), phần thi hôm nay khiến em cảm thấy rõ sự kịch tính cao. Khi bấm chuông trả lời câu cuối cùng quyết định, em thở mạnh, không dám chắc 100%, sợ sai, nhưng may mắn vẫn đưa ra đáp án đúng".

Dù là người xuất sắc nhất, Nguyên Vũ vẫn thừa nhận phần Tăng tốc chơi chưa tốt, không được tập trung.

"Các bạn thi cùng đều rất tài năng. Bọn em đã cống hiến trận đấu rất kịch tính. Chắc chắn cả 3 bạn ấy đều sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Có lẽ tâm thế của em thoải mái hơn nên may mắn hơn các bạn".

Nguyên Vũ liên tục dẫn đầu trong trận chung kết dù bị rượt đuổi sát nút bởi đối thủ Nguyên Sơn. Ảnh: Phạm Thắng.

Khi được hỏi về hành trình sau Olympia, Nguyên Vũ chia sẻ cậu còn 6 tháng nữa mới tốt nghiệp THPT, còn thời gian để tiếp tục suy nghĩ về việc sẽ học tập ở đâu.

"Nếu đi học, em chắc chắn chọn ngành Công nghệ thông tin, ngành chủ chốt cho kinh tế Việt Nam, thế giới và có thể đóng góp trong tương lai. Em cũng rất quan tâm đến các ngành nghề, lĩnh vực truyền thống, mong muốn vừa phát triển kinh tế tiến bộ, vừa giữ gìn bản sắc quê hương", Nguyên Vũ nói.

“Vua tốc độ”

Nguyên Vũ là học sinh giỏi nhiều năm liền và từng thi học sinh giỏi Toán, giành huy chương vàng Olympic tiếng Anh năm 2016. Đây cũng là 2/3 môn học cậu tự tin nhất và có điểm trung bình đều trên 9,0 (Toán 9,7; Hóa 9,6; Tiếng Anh 9,5).

Trả lời trước trận chung kết, cậu nhận mình có thế mạnh tốc độ với khả năng đọc và tư duy nhanh, nhưng điểm yếu là tâm lý ở vòng thi Vượt chướng ngại vật. Cậu chưa có được sự bình tĩnh cần thiết và độ lì nhất định.

Sau 8 năm vắng bóng tại Olympia, THPT Bắc Duyên Hà có đại diện xuất sắc, mang về chức vô địch. Được thành lập năm 1960, ngôi trường này từng vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, cờ thi đua và bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của UBND tỉnh.

Cô Vũ Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Nguyên Vũ là học sinh bản lĩnh, luôn tự tìm tòi học hỏi, thông minh và tự tin.

Tính đến Olympia 2022, 59 trường THPT trên toàn quốc có thí sinh tham dự chung kết năm. Trong đó, 19 trường có nhà vô địch, 19 trường có á quân và 36 trường có học sinh giành hạng ba.

Nguyên Vũ mong muốn theo học ngành Công nghệ trong tương lai. Ảnh: Phạm Thắng.

Tính tới thời điểm này, mặc dù không phải chương trình trò chơi truyền hình đầu tiên trên VTV3, Đường lên đỉnh Olympia là game show có tuổi đời dài nhất hiện còn phát sóng.

Mỗi năm, 144 học sinh dự thi Olympia nhưng chỉ có 4 người tranh tài ở trận chung kết (năm thứ 9 là ngoại lệ khi có 5 thí sinh). Do vậy, tính đến năm 22, có 49 người đạt thành tích này, trong đó có 12 cô gái.

Tỷ lệ nhà vô địch nữ là 4/22. Trong lịch sử, chưa có trận chung kết nào có toàn nữ góp mặt.

Nhà leo núi giành chiến thắng sẽ nhận được học bổng 40.000 USD, người về nhì và ba lần lượt có tiền thưởng 100 triệu đồng, 50 triệu đồng.

Vòng nguyệt quế mạ vàng 24K, sơn son thếp vàng của Olympia

Vòng nguyệt quế trao cho nhà vô địch năm 22 được mạ vàng 24K, làm thủ công trong gần một tháng. Trước đó, vòng nguyệt quế sơn son thếp vàng của năm 20 cũng khiến khán giả ấn tượng.

Phạm Thắng - Huệ Thảo

Bạn có thể quan tâm