Khi Elise Joshi đăng một video về dự án khoan dầu Willow ở Alaska lên TikTok vào đầu tháng 2, cô không hy vọng nó sẽ lan truyền mạnh mẽ đến vậy.
Cô gái 20 tuổi này thường xuyên đăng các video về vấn đề khí hậu trên tài khoản TikTok Gen-Z for Change, cũng như tài khoản cá nhân và nhận thức rõ “vấn đề khí hậu không thường xuyên được lên xu hướng”.
Tuy nhiên, video về dự án Willow lại rất khác. Chỉ mất vài ngày, video thu hút hơn 100.000 lượt xem và hiện vượt qua con số 300.000.
“Đây là video được xem nhiều nhất của tôi trong nhiều tháng”, Joshi chia sẻ với CNN. “Toàn bộ Internet chống lại Willow, đặc biệt là những cử tri lựa chọn (Tổng thống Joe Biden) với niềm tin ông sẽ hành động vì khí hậu”.
Tuần tới, chính quyền của ông Biden dự kiến đưa ra quyết định về việc có nên phê duyệt ConocoPhillips Willow - dự án liên doanh khoan dầu kéo dài hàng thập kỷ ở North Slope, Alaska - hay không. Nếu được thông qua, dự án này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm và nguồn doanh thu lớn cho khu vực.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang ước tính dự án cũng sẽ thải ra 9,2 triệu tấn carbon mỗi năm, tương đương với việc thêm 2 triệu ôtô di chuyển trên đường.
Sự phổ biến bất ngờ
Tuần trước, các video gắn hashtag phản đối dự án, chẳng hạn #StopWillow, đã thu hút gần 50 triệu lượt xem. Đến ngày 3/3, Willow nằm trong danh sách 10 xu hướng hàng đầu trên nền tảng TikTok, xếp sau những người nổi tiếng như Selena Gomez và Hailey Bieber.
Bên cạnh đó, hơn một triệu lá thư phản đối dự án đã được gửi đến Nhà Trắng. Một bản kiến nghị với 2,8 triệu chữ ký cũng xuất hiện trên Change.org và số người tham gia vẫn tiếp tục tăng.
“Nếu những hành động này không cho thấy người Mỹ đang đấu tranh như thế nào, tôi không biết phải làm gì hơn. Đây không phải là một phong trào vì môi trường, nó có ý nghĩa nhiều hơn thế, rằng công chúng Mỹ có lựa chọn”, Alex Haraus, 25 tuổi và là một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok có các video về Willow thu hút hàng triệu lượt xem, cho biết.
Elise Joshi (trái), Alex Haraus và Alaina Wood (phải) - những người đăng tải video nâng cao nhận thức về dự án Willow trên TikTok. Ảnh: CNN/Tiktok. |
Theo các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok và nhóm hoạt động khí hậu, sự phổ biến bất ngờ của phong trào phản đối Willow lớn hơn nhiều so với các vấn đề khí hậu khác từng xuất hiện trên nền tảng trước đây.
“Tôi đã làm việc này trong một thời gian dài và rất hiếm khi thấy vấn đề khí hậu lan truyền rộng rãi”, Alaina Wood, 26 tuổi, nhà khoa học, hoạt động khí hậu và là người sáng tạo nội dung trên TikTok, cho biết.
Wood nhận thấy vấn đề khí hậu đang ngày càng phổ biến trên các ứng dụng mà thế hệ trẻ thường xuyên sử dụng. Tuy nhiên, xu hướng này cũng kéo theo một số tác động tiêu cực, chẳng hạn sự lo lắng và sợ hãi quá mức về cuộc khủng hoảng khí hậu.
“Rất nhiều người trẻ có suy nghĩ rằng nếu Willow được thông qua, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không thể đảo ngược. Chúng ta vẫn cần chiến đấu với Willow, nhưng cuộc sống chưa kết thúc nếu dự án được thông qua”, Wood nói, đồng thời cho biết thêm cô đã làm nhiều video chống lại chủ nghĩa diệt vong vì khí hậu đang lan truyền.
Sự phát triển của #StopWillow trên TikTok cũng khiến nhiều người thắc mắc tại sao phải mất quá lâu dự án mới được chú ý đến vậy.
Lý giải vấn đề này, các nhà hoạt động môi trường nhận định những dự án nhiên liệu hóa thạch khổng lồ thường có xu hướng kích thích mọi người.
“Các cuộc chiến cụ thể thu hút sự chú ý của công chúng nhiều hơn chính sách. Chúng thu hút trí tưởng tượng của công chúng. Thật điên rồ khi phớt lờ điều đó”, Jamie Henn, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Fossil Free Media và là cựu đồng sáng lập của tổ chức môi trường 350.org, cho biết.
Bà Lena Moffitt, chánh văn phòng của nhóm khí hậu Evergreen Action, cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng các đảng viên Dân chủ và chính quyền ông Biden sẽ chú ý đến những xu hướng này. Những người trẻ tuổi ngày càng muốn các quan chức hành động vì khí hậu, và họ sẽ yêu cầu điều đó”.
Liệu #StopWillow có kết quả?
Các cuộc biểu tình phản đối dự án Willow không chỉ xuất hiện trên TikTok. Hôm 3/3, một nhóm khoảng 100 người đã tập trung biểu tình trước Nhà Trắng trong cơn mưa phùn lạnh giá, theo Inside Climate News.
Song không nhiều người trong số họ là các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok. Đám đông chủ yếu là người bản địa Alaska và những người lớn tuổi đã trải qua hơn 10 giờ bay từ Anchorage hay các ngôi làng trên North Slope đến Washington, trong đó ông Robert Thompson.
Ông Thompson muốn chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài động vật trong khu vực và hơn 200 con tuần lộc đã chết gần nhà mình.
Những người khác sống gần khu vực triển khai dự án, bao gồm cả quan chức thành phố và thành viên bộ lạc ở làng Nuiqsut, cũng lo ngại về tác động sức khỏe và môi trường của dự án dầu mỏ.
“Họ không được phép đưa ra những quyết định khiến thế giới của chúng ta trở thành nơi không thể sinh tồn. Chúng tôi lo ngại về biến đổi khí hậu và cả quyền của người bản địa”, Siqiniq Maupin, giám đốc điều hành của nhóm hoạt động bản địa Sovereign Iñupiat for a Living Arctic, nói với CNN.
Nhóm nhà lập pháp và những người ủng hộ dự án Willow đến Washington kêu gọi Tổng thống Joe Biden phê duyệt dự án hôm 1/3. Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times. |
Trong khi đó, những người ủng hộ dự án Willow - bao gồm cả liên minh Người bản địa Alaska ở North Slope - nói rằng đây có thể là một nguồn doanh thu mới rất cần thiết cho khu vực, giúp tài trợ cho các trường học, hệ thống chăm sóc sức khỏe và dịch vụ cơ bản khác.
“Willow mang đến cơ hội tiếp tục đầu tư vào cộng đồng”, Nagruk Harcharek, chủ tịch nhóm vận động Tiếng nói của Bắc Cực Iñupiat, chia sẻ với CNN. “Không có dòng tiền và nguồn doanh thu đó, chúng tôi phải phụ thuộc vào nhà nước và tiểu bang”.
Theo Bloomberg, dự án trị giá 8 tỷ USD được dự báo sản xuất 180.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương khoảng 1,6% sản lượng hiện tại của Mỹ.
Trong khi đó, về mức độ hiệu quả của phong trào mạnh mẽ trên TikTok, bản thân những người sáng tạo nội dung cũng không thể chắc chắn hành động của họ có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn dự án.
Song nếu dự án được chấp thuận, một số người nói rằng họ vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng và theo đuổi chủ đề này.
“Chúng tôi hiểu điều gì có ý nghĩa nhất. Nếu cần có một cuộc biểu tình trực tiếp, chúng tôi sẽ vui vẻ làm điều đó. Đây là một vấn đề mà chúng tôi sẽ ghi nhớ khi bỏ phiếu. Hàng triệu người đang chờ đợi động thái của Nhà Trắng”, Haraus nói với CNN.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.