Nâng mũi là phương pháp thẩm mỹ phổ biến hiện nay, nhưng biến chứng cũng ngày một nhiều hơn. Ảnh minh họa: Pexels. |
Nâng mũi ngày nay gần như trở thành phương pháp thẩm mỹ phổ biến, được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng thẩm mỹ nhiều cũng đồng nghĩa biến chứng, tai biến ngày càng nhiều hơn.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ như in câu chuyện một phụ nữ đến gặp ông trong tình trạng nhiễm trùng nặng, toàn bộ vùng mũi thâm đen do hoại tử.
Bệnh nhân nâng mũi từ 20 năm trước bằng silicon. Khi PGS Hùng phẫu thuật lấy silicon ra ngoài, nó cũng không còn hình dạng lỏng nữa mà đông thành một khối có hình thù kỳ lạ.
Sau khi lấy silicon ra, da của bệnh nhân rất mỏng, không thể sử dụng sụn nhân tạo để làm lại mũi, nếu vẫn cố làm sẽ thất bại 100%", ông nói.
Lúc này, giải pháp được bác sĩ Hùng đưa ra là dùng sụn sườn dập mềm, tạo cho bệnh nhân chiếc mũi như bình thường. May mắn, ca phẫu thuật thành công, vùng da bị thâm đen cũng giảm dần.
Đây là một trong số nhiều ca tạo hình nâng mũi thành công bằng sụn sườn. Công trình "Tạo hình thẩm mỹ bằng sụn sườn tự thân" do PGS.TS Đỗ Quang Hùng và ThS.BS Lê Hoàng Vĩnh, khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đạt giải nhì giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.
Cứu cánh cho người hỏng mũi
Nguyên Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân sẽ khắc phục biến chứng cho mũi hỏng. Kỹ thuật này đã góp phần làm đẹp thêm hình dáng mũi cho người Việt.
Thêm một trường hợp khác, một phụ nữ không may mắn gặp biến chứng sau khi nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo. Tuy nhiên, cơ thể không đáp ứng với chất liệu mới, dẫn đến nhiễm trùng.
Trong khi chị đang điều trị HIV, ca nâng mũi lần 2 cũng với sụn nhân tạo không thành công, nhiễm trùng ngày càng nặng hơn.
Bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện, được PGS Hùng chỉ định điều trị viêm, làm lại mũi bằng sụn sườn tự thân. Qua thời gian ngắn, cuối cùng chiếc mũi trở lại hình dáng bình thường.
"Ở Việt Nam, tỷ lệ người dân có mũi thấp chiếm hơn 90%, nhưng chỉ 2-3% là mũi ngắn, mũi hếch. Người có mũi ngắn, thấp, hếch được chỉ định nâng mũi bằng sụn sườn, là phương pháp an toàn nhất", ông nói.
Ngoài ra, những người bị nhiễm trùng, viêm, hỏng mũi do quá trình nâng mũi cần khắc phục ngay hoặc chấn thương mũi, mũi bị dị tật cũng được chỉ định thực hiện kỹ thuật này.
Bệnh nhân bị dị tật mũi bẩm sinh, được bác sĩ Hùng sử dụng kỹ thuật nâng mũi sụn sườn tự thân tái tạo lại cánh mũi. Ảnh: BSCC. |
Theo PGS Hùng, người có mũi bị biến chứng thông thường phải mất khoản một năm để điều trị, sau đó mới có thể làm lại mũi. Nhưng với kỹ thuật dùng sụn sườn tự thân, người bệnh được lấy phần sụn bị hư ra và làm lại mũi ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu sử dụng sụn sườn nguyên khối hoặc chẻ lát nâng mũi cho bệnh nhân, rất dễ cong vênh khi tạo hình sống mũi. Đó là lý do bác sĩ Hùng sáng tạo ra phương pháp dùng sụn sườn dập mềm, cắt mịn làm sống mũi.
Với kỹ thuật này, quá trình tạo hình sống mũi cho bệnh nhân sẽ trở nên dễ dàng hơn, linh hoạt và khắc phục được nhược điểm cong vênh. Đồng thời, mang lại hiệu quả điều trị tốt cho bệnh nhân đặc biệt với những trường hợp mũi chỉnh sửa lại, mũi chấn thương, mũi dị tật bẩm sinh.
PGS.TS Đỗ Quang Hùng và ThS.BS Lê Hoàng Vĩnh, khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Kỹ thuật khó, ít ai làm được
Từ tháng 6/2017 đến tháng 7/2022, khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, áp dụng kỹ thuật trên cho 259 trường hợp, trong đó, 57 bệnh nhân nam và 202 bệnh nhân nữ, tuổi nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 58 tuổi.
PGS Đỗ Quang Hùng nhận định kỹ thuật này ít gây biến chứng cho người nâng mũi, những người có nhu cầu hạn chế viêm nhiễm khi làm đẹp sẽ lựa chọn, nhưng không phải bác sĩ thẩm mỹ nào cũng có thể thực hiện. Bởi kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ thẩm mỹ có tay nghề cao, được đào tạo bài bản.
Để lấy sụn sườn, bệnh nhân phải được gây mê, sau đó bác sĩ tiến hành mổ hở, lấy khoản 3,5 cm sụn ở sườn, vị trí lấy nằm ở bộ khung bảo vệ màng phổi bên trong.
Nếu bác sĩ không biết lấy sẽ dẫn đến thủng màng phổi, tràn khí màng phổi, nguy hiểm cho bệnh nhân. Lấy sụn là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình nâng mũi cho bệnh nhân.
Vì vậy, mặc dù kỹ thuật này mang lại hiệu quả điều trị tốt nhưng bệnh nhân không nên thực hiện ở những cơ sở thiếu chuyên môn. Việc lấy sụn sườn phải được thực hiện tại các bệnh viện có khoa thẩm mỹ tạo hình, bác sĩ được đào tạo, huấn luyện kỹ thuật lấy sụn sườn.
Bác sĩ phải đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh các biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh.
“Đã có trường hợp cơ sở thẩm mỹ quảng cáo nâng mũi bằng sụn sườn tự thân, nhưng họ chỉ lấy một ít sụn sườn vì không đủ chuyên môn để lấy sâu, rồi dùng thêm sụn nhân tạo để nâng mũi cho bệnh nhân. Việc này khiến bệnh nhân gặp biến chứng, hư mũi”, bác sĩ Hùng cho hay.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.