Từ khi trở về Việt Nam, Trí Phan đã trở thành tâm điểm mạng xã hội. Nhất cử nhất động của anh ở nơi công cộng đều được dân mạng quay clip và chia sẻ lên TikTok.
Dù là đi mua sắm, ăn uống với bạn gái, đạp xe ngoài đường hay dạo phố, Trí Phan đều xuất hiện trong video từ những góc quay sau lưng, nửa mặt.
Trí Phan xuất hiện trong nhiều clip quay lén trên nền tảng TikTok. |
Khi những đoạn clip quay lén Trí Phan ngày càng tràn lan, nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng sự việc đã đi quá xa, xâm phạm đến quyền riêng tư của anh.
Nam TikToker không phải người duy nhất trở thành nhân vật chính trong các video, hình ảnh chụp lén được đăng lên Internet. Không ít nạn nhân của "ống kính ngầm" cảm thấy khó chịu, lo lắng, thậm chí bị xúc phạm vì hành vi này.
Sự chú ý không mong muốn
7 năm trước, Carlye Wisel, một nhà văn người Mỹ, bỗng nhận được tin nhắn từ cô bạn thuở bé.
Người này gửi cho Wisel ảnh chụp màn hình của một tài khoản Snapchat lạ và hỏi nhân vật trong tấm ảnh có phải là cô hay không.
"Đó là hình chụp tôi từ đằng sau vào buổi sáng hôm ấy, với hàng chữ 'Ôi trời, New York'. Tôi không biết ai là tác giả của tấm ảnh đó, nhưng rõ ràng là người này có ý chế giễu bộ đồ tôi mặc và chia sẻ nó lên mạng xã hội", Wisel nói với trang Racked.
7 năm trước, Carlye Wisel từng bị người lạ chụp lén và đăng ảnh lên mạng xã hội để chế giễu. Ảnh: New York Times. |
Khi nhìn bóng lưng mình trên tài khoản mạng xã hội của một người lạ mặt, lại chịu sự bàn tàn của nhiều dân mạng, nữ nhà văn cảm thấy sợ hãi và tức giận.
Zoe Schlacter cũng rơi vào tình huống tương tự. Cô vốn thích mặc những bộ trang phục rực rỡ, trang điểm đậm và kết hợp các phụ kiện hoa.
Ấn tượng với phong cách thời trang của cô, một người lạ mặt đã chụp lén cô ở sân bay Baltimore (Mỹ) và đăng lên Snapchat. Một người bạn của Zoe vô tình thấy tấm ảnh ấy và kể với cô.
"Tôi thấy không thoải mái khi bị chụp lén. Sự tồn tại của tôi không phải trò đùa. Đây là phong cách cá nhân và lối thể hiện bản thân của tôi, không phải cách thu hút chú ý ngở ngẩn nào đó để người khác đăng lên mạng", cô nói.
Tại Hàn Quốc, tình trạng chụp ảnh, quay phim mà không xin phép cũng là một vấn đề gây nhức nhối.
Nhiều nữ sinh Hàn Quốc sốc khi bị chụp lén, đăng lên mạng. Ảnh: Theqoo. |
ĐH Nữ sinh Ewha được chính quyền thành phố Seoul giới thiệu như điểm đến thu hút du khách. Nhiều du khách đã lợi dụng việc đến tham quan trường để chụp lén các nữ sinh, thậm chí đăng tải những hình ảnh đó lên mạng xã hội.
Shim Jeong-yoon (16 tuổi) kể với Chosun TV về ký ức đáng sợ khi bị người khác chụp ảnh mà không hề xin phép. Lúc đó, Shim đang chơi cùng bạn bè trước cửa bảo tàng, một khách du lịch thản nhiên cầm máy và chụp ảnh cô.
Moon Seo-young (24 tuổi) cũng từng tranh cãi kịch liệt với một du khách từ Trung Quốc vì bắt gặp anh ta chụp lén cô và bạn bè trong buổi chụp kỷ yếu hồi đầu năm 2021.
"Khi tôi phản đối việc chụp ảnh, tôi rất sốc vì nhiều du khách xung quanh nói rằng việc chụp ảnh không liên quan đến tôi", Moon nói.
Bảo vệ quyền riêng tư
Thực tế, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có quy định cụ thể, chặt chẽ về quyền riêng tư của công dân.
Tại đây, việc chụp ảnh, quay phim mà không được sự cho phép của người khác, thậm chí ở nơi công cộng, là vi phạm luật dân sự.
Tùy theo mức độ của sự việc mà án phạt có thể lên đến 8.800 USD hoặc 5 năm tù giam.
Trào lưu "livestream trò chuyện trực tiếp" bùng nổ khiến nhiều người qua đường xuất hiện trên mạng xã hội ngoài ý muốn. Ảnh: CFP. |
Còn ở Trung Quốc, gần đây trào lưu "livestream trò chuyện trực tiếp" đã nở rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Vlogger sẽ quay lén hay bắt chuyện ngẫn nhiên với người qua đường và phát sóng toàn bộ quá trình đó.
Khi một người bị máy quay của streamer chĩa tới, dù từ chối trả lời thì họ cũng đã lên sóng vì đó là một chương trình phát trực tiếp. Thậm chí khi người đi đường đã dứt khoát từ chối vẫn bị chụp hình lại.
Trước tình trạng này, giới chức và chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc phát sóng trực tiếp hình ảnh của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ là vi phạm quyền riêng tư.
Zhang Xinbao, giáo sư Trường Luật ĐH Nhân dân Trung Hoa, nói rằng điều này không chỉ bao gồm thu thập, truyền tải và tiết lộ thông tin cá nhân nói chung, mà còn liên quan đến việc xử lý thông tin nhạy cảm như khuôn mặt, vị trí.
Giáo sư Wang Chunhui của ĐH Chiết Giang cũng cho rằng phát sóng với người đi đường cần tuân theo nguyên tắc "thông tin, kiến thức và sự đồng ý" theo quy định của pháp luật.
Theo Zhang Xinbao, nếu không có thông báo liên quan hay sự đồng ý của cá nhân người được phỏng vấn, "trò chuyện trực tiếp" trong trường hợp này là hành vi bất hợp pháp, xâm phạm thông tin cá nhân.
"Đặc biệt khi một cá nhân đã từ chối rõ ràng, streamer vẫn áp dụng cách theo dõi và quay lén thì đó chính là hành vi bất hợp pháp, xâm phạm quyền riêng tư của công dân", Wang Chunhui nói.
Về nguyên tắc xử lý thông tin cá nhân, cả Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và Bộ luật Dân sự của Trung Quốc đều quy định rõ phải được sự đồng ý của cá nhân, tuân theo nguyên tắc hợp pháp, công bằng, cần thiết và không thái quá.