Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm quán cà phê làm việc từ trong Tết

Bất chấp giá dịch vụ tăng cao, nhiều người trẻ vẫn muốn ra quán cà phê làm việc dịp Tết để tránh ảnh hưởng đến gia đình hoặc tìm kiếm không gian riêng tư, yên tĩnh.

Ngồi trong góc khuất của một quán cà phê trên phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Anh (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng) đang hướng mắt vào màn hình laptop.

Hai ngày nay, cô thường dành nửa ngày ngồi lì tại một quán cà phê bất kỳ chỉ để tập trung xử lý công việc.

“Từ mùng 2 Tết, tôi đã phải quay lại với guồng công việc do dang dở dự án với đối tác nước ngoài. Thời gian tôi ngồi cà phê làm việc thậm chí còn nhiều hơn đi chúc Tết người thân, họ hàng”, Ngọc Anh nói với Zing.

Thay vì quây quần bên gia đình dịp Tết Nguyên đán, nhiều bạn trẻ sớm trở lại với công việc do yêu cầu nghề nghiệp. Để tránh sự ồn ào, náo nhiệt ở nhà trong những ngày lễ hoặc đơn giản muốn tìm cảm hứng sáng tạo mới, một số người tới quán cà phê có không gian làm việc, bất chấp phí dịch vụ tăng cao và ít lựa chọn địa điểm hơn.

tim quan ca phe lam viec o Ha Noi tu mung 2 Tet anh 1

Một số người trẻ tìm địa điểm phù hợp để làm việc từ sáng mùng 3 Tết.

Công việc bắt buộc làm xuyên Tết

Ngọc Anh cho biết cô làm việc trong lĩnh vực truyền thông, vừa nhận một dự án từ tháng 11/2021 tới tháng 3/2022. Đây là lần thứ hai cô không được tận hưởng dịp lễ Tết một cách thảnh thơi như bao người.

Sau khi thu xếp ổn thỏa việc nhà, dành thời gian cho gia đình trong ngày 29 tháng Chạp và mùng 1 Tết, cô đã sẵn sàng quay lại làm việc.

“Tôi chủ động muốn xử lý công việc từ sớm để đẩy nhanh tiến độ làm việc, chuẩn bị mọi thứ chu toàn. Những ngày đầu năm, tôi chỉ cần lên danh sách hạng mục cần làm, trao đổi email cập nhật cho đối tác nên không quá vất vả”, Ngọc Anh nói.

Thay vì làm việc tại nhà, cô quyết định ra quán cà phê làm việc để có thể hoàn toàn tập trung. Khi ở nhà vào dịp Tết, cô thường bị phân tâm bởi việc tiếp đón khách đến thăm, chuẩn bị cỗ bàn…

“Tôi không thể làm việc hiệu quả khi trong nhà quá ồn ào, nhiều thứ phân tâm. Hơn nữa, bố mẹ tôi cũng tỏ ra không hài lòng khi con gái ôm lấy laptop làm việc ngày Tết. Cũng may là nhiều quán cà phê mở cửa xuyên Tết nên tôi có chỗ ngồi làm thoải mái”, cô cười.

tim quan ca phe lam viec o Ha Noi tu mung 2 Tet anh 2

Thúy An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chấp nhận phí dịch vụ ở quán cà phê tăng cao dịp Tết để có không gian làm việc.

Ngọc Anh nói thêm rằng dù thấy tiếc và có lỗi khi bận rộn vào dịp lễ Tết, cô vẫn chấp nhận vì tính chất công việc. Sau đợt bận rộn này, cô dự định tự thưởng cho mình một chuyến du lịch xa để nạp lại năng lượng.

“Chẳng ai muốn bận rộn vào dịp lễ Tết, tôi cũng mong gia đình thông cảm và cố gắng làm việc nhanh chóng để về nhà đỡ đần bố mẹ”.

Thúy An (22 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cũng chọn ra quán cà phê làm việc với lý do tương tự. Cô đang thực tập cho vị trí lập trình viên tại một công ty phần mềm, cần chạy dự án xuyên Tết cho đối tác nước ngoài.

“Công ty tôi đang làm việc với đối tác ở Hàn Quốc, nên tới mùng 2 đã phải quay lại làm việc. Trong khi gia đình tôi bận rộn đi thăm người thân, họ hàng, bạn bè đi chơi đầu năm thì tôi lại phải làm việc nên cũng thấy có chút buồn”, cô nói.

An nói với Zing rằng tìm quán cà phê phù hợp để ngồi làm việc trong dịp Tết không phải chuyện dễ dàng. Năm nay, số lượng quán mở dịp đầu năm khá nhiều, song đa số đều đông đúc từ sớm.

“Tôi muốn tìm chỗ vắng người để ngồi lại, nhưng tầm này thì khá khó. Quán nào cũng đông đúc vì mọi người đi gặp gỡ bạn bè, hiếm thấy ai ngồi ôm laptop làm việc như mình. Ngoài ra, một số nơi cũng tính phí dịch vụ 8-15%, nên chi phí cũng tăng lên một chút”.

Dù vậy, cô vẫn chấp nhận để đổi lấy một chỗ ngồi làm việc riêng tư hơn.

“Ở nhà, tôi thường bị ‘đứt mạch làm việc’ nếu có khách tới chơi, rồi bận rộn dọn dẹp. Tôi ưu tiên làm việc ở nhà hơn vì có đầy đủ thiết bị, song lại khó tập trung quá. Vì thế, tôi sẽ cố ngồi ở quán cà phê làm việc 1-2 tiếng rồi về luôn”.

Tìm cảm hứng ở quán cà phê

Sau lo Tết chu toàn cho gia đình nội ngoại, hai vợ chồng Tiến Hoàng (28 tuổi) và Thu Trang (31 tuổi) cùng nhau tới quán cà phê trên phố Hàng Bún (quận Ba Đình) để làm việc.

Kể từ khi chuyển sang hình thức giảng dạy online, anh Hoàng cho biết khối lượng công việc của vợ mình, một giảng viên đại học, đã tăng lên nhiều.

Trong khi vợ chăm chú soạn giáo án trên laptop và chuẩn bị cho những tiết dạy sau kỳ nghỉ lễ, anh cũng miệt mài bên chiếc điện thoại của mình.

“Do đặc thù công việc, tôi liên tục phải tìm nguồn khách hàng mới, nên gần như lúc nào cũng có thể làm việc. Tôi thấy mình làm việc xuyên cả Tết”, anh Hoàng, có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực bảo hiểm, chia sẻ.

Thông thường, anh sẽ tận dụng những ngày đi chúc Tết họ hàng, bạn bè để mở rộng quan hệ, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh 2 năm trở lại đây, anh phải đổi cách thức làm việc. Chẳng hạn, thay vì tới tận nhà chúc Tết, anh sử dụng điện thoại nhiều hơn để giao tiếp, kết nối.

tim quan ca phe lam viec o Ha Noi tu mung 2 Tet anh 7

Vợ chồng Tiến Hoàng và Thu Trang tới quán quen để làm việc dịp đầu năm.

Mặc dù có thể hoàn thành công việc tại nhà, anh Hoàng vẫn thích ngồi ngoài quán cà phê hơn.

Cũng bởi vậy, hai vợ chồng đã di chuyển từ quận Long Biên tới quận Ba Đình để có thể ngồi làm việc ở không gian ưa thích và thưởng thức đồ uống ngon.

“Ngồi ở nhà cũng được thôi, nhưng tôi cảm thấy thiếu động lực, cảm hứng và sáng tạo. Một không gian phù hợp sẽ thúc đẩy tâm trạng tốt hơn”, anh thừa nhận.

Diệu Linh (31 tuổi, quận Long Biên), kinh doanh tự do, cũng kiếm tìm một quán cà phê ấm cúng, không quá ồn ào và tiện sử dụng laptop để bắt tay vào công việc sau kỳ nghỉ.

Đồng hành với cô là người bạn thân sống ở quận Cầu Giấy. Mặc dù đi chung, mỗi người chọn ngồi một góc riêng tại quán tùy theo sở thích cá nhân.

“Chỉ cần ngẩng lên thấy mặt nhau là được rồi, không nhất thiết phải ngồi cạnh hay làm cùng một việc”, cô cười, nói.

Diệu Linh không cảm thấy phiền hà khi làm việc từ trưa mùng 3 Tết. Trái lại, cô rất hào hứng.

“Hôm nay là ngày đầu tiên tôi trở lại làm việc, coi như khai xuân luôn. Dù hơi sớm, tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái vì tôi yêu công việc của mình. Thậm chí, nếu trong kỳ nghỉ lễ dư dả thời gian hơn, tôi sẽ làm việc xuyên Tết”, cô chia sẻ.

Diệu Linh đã sẵn sàng trở về guồng công việc sau khi nghỉ ngơi đủ trong vài ngày lễ vừa qua.

“Từ mùng 4, tôi mở kinh doanh trở lại. Sang năm mới, tôi hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để việc lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn, không gây cản trở công việc của tôi. Tôi cũng mong mình có cơ hội đi du lịch khám phá nhiều hơn sau 2 năm Covid-19”, cô chia sẻ.

Vì sao nhiều người thích xem bói, coi tarot đầu năm

Với nhiều người trẻ, đi xem bói là cách giúp giải tỏa áp lực tâm lý và lấy lại sự tự tin trong cuộc sống. Ngay cả khi kết quả không chính xác, họ vẫn thấy tinh thần ổn hơn.

Hồng Chang - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm