Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học sinh Việt: 'Không có gia đình, Tết chỉ là ngày bình thường'

Tết xa nhà, nhiều du học sinh Việt Nam vẫn quây quần đón giao thừa bên bạn bè đồng hương. Chiếc bánh chưng, nem rán là món ăn không thể thiếu giúp họ vơi đi nỗi nhớ gia đình.

Trong khi nhiều gia đình quây quần bên mâm cơm năm mới, nhiều du học sinh Việt Nam xa quê chỉ có thể đón Tết một mình hoặc bên bạn bè đồng hương.

Chia sẻ với Zing, 4 bạn trẻ hiện học tập, làm việc tại nước ngoài kể về mâm cơm đặc biệt của mình trong đêm giao thừa cùng nỗi nhớ người thân.

Nguyễn Quỳnh Thư (24 tuổi, du học sinh Italy)

Tại thành phố Modena nơi tôi đang sinh sống, không khí Tết Âm lịch gần như không có vì có rất ít người Việt tại đây.

Năm nay, Tết lại trùng đúng vào đợt thi cử bận rộn. Nhưng dù không có nhiều thời gian, tôi vẫn cố gắng sắp xếp làm mâm cơm tất niên cho tươm tất, đúng phong tục nước mình và còn để chụp ảnh về khoe bố - người vốn rất nghiêm khắc với chuyện bếp núc.

Nguyên liệu cho các món ăn Việt ở đây khá khan hiếm vì chỉ có chợ của người Hoa. Phần lớn các món đều phải biến tấu. Không kiếm được vỏ bánh đa nem mà các gia đình miền Bắc hay dùng, tôi thay thế bằng vỏ chả giò theo phong cách món ăn miền Nam. Tranh thủ khoảng nghỉ giữa lúc ôn thi, tôi cuốn nem, xào măng và hầm xương cho món canh.

Sáng 29 Tết Âm lịch, tôi dậy sớm đi mua gà và rau củ rồi lao vào bếp nấu nướng để kịp giờ thắp hương buổi trưa. Tôi mua gà và rau củ ở chợ nông sản, cốt để có đồ tươi, ngon, sẽ giúp món có hương vị giống ở nhà nhất.

Du hoc sinh don Tet anh 3

Quỳnh Thư mặc áo dài, chụp ảnh cùng bạn bè.

Riêng món bánh chưng, bạn cùng nhà xách về từ Hà Lan cách 7 tháng trước, cất trong ngăn đá tủ lạnh, để đến dịp này mới đem ra ăn.

Mâm cơm tất niên còn có thêm 1 vài người bạn Việt Nam đến chung vui.

Bạn trai của một bạn trong nhóm là người Italy, lần đầu được thử đón Tết truyền thống của người châu Á. Mọi người mang thêm hoa quả tới để bày biện mâm ngũ quả.

Trong lúc thắp hương, cả nhóm ngồi điểm lại những kỷ niệm của năm cũ.

Ăn trưa xong xuôi, cả nhóm diện áo dài chụp ảnh cho có không khí năm mới và cùng nhau bật xem Táo quân, nâng ly mừng năm mới đến.

Chờ đến giờ đón giao thừa ở nhà, tôi gọi điện về chúc Tết bố mẹ, người thân. Cuộc sống quay trở lại bình thường ngay sau đó, khi tôi lại bận rộn với chuyện thi cử.

Đây là năm thứ 6 tôi đón Tết xa nhà. Năm tới, tôi nhất định sẽ cố gắng về Việt Nam ăn Tết. Cảm giác ở bên bố mẹ, cùng tham gia sắm sửa, chuẩn bị cho Tết là những điều tôi nhớ nhung nhất khi ở nơi xa.

Đào Ngọc Linh (24 tuổi, du học sinh Đức)

Cuối tháng 1, đầu tháng 2 thường rơi vào mùa thi, dù có muốn tôi cũng không thể về thăm nhà vào dịp Tết Nguyên đán.

Năm nay, tôi bận rộn hơn cả vì sắp kết thúc kỳ học đầu tiên của chương trình học thạc sĩ. Thi cử xong xuôi thì Tết cũng đã hết, nên thêm một năm nữa tôi bỏ lỡ việc được đón năm mới bên gia đình.

Du hoc sinh don Tet anh 4

Ngọc Linh ghé qua khu chợ người Việt ở Berlin để sắm bánh chưng ăn Tết.

Không thể về Việt Nam vào dịp này, tôi tự tạo cho bản thân một chút không khí Tết. Ngày 28 Tết, tôi cùng bạn đi mua bánh chưng, củ kiệu, một ít đồ ăn vặt trong khu chợ của người Việt ở Berlin.

Khu chợ tấp nập người Việt đến mua hàng sắm Tết. Các mặt hàng truyền thống như giò, chả, bánh cuốn… có rất nhiều, không khó mua.

Những câu đối được in trên tấm nhung hình chữ nhật đỏ tươi, dùng để treo trang trí cành đào cũng được bày bán nhiều, làm tôi thấy thêm phần thân thuộc, ấm áp.

Các năm trước, khi còn ở Phần Lan, tôi thường tụ tập với các du học sinh Việt khác vào ngày cuối năm. Còn năm nay, tôi quyết định dành trọn vẹn thời gian cho gia đình và bạn bè thân thiết.

Với tôi, điều quan trọng nhất là được kết nối, trò chuyện với những người mình yêu thương trong những ngày lễ, dù chỉ có thể gặp mặt qua màn hình điện thoại. Không khí Tết vẫn len lỏi qua những tấm hình, video quay cảnh trang trí nhà cửa, chúc Tết họ hàng mà bố mẹ gửi tới con gái.

Những ngày sau đó, tôi đã có vài “kèo” ăn uống với các bạn cùng lớp. Vì Tết Âm lịch không phải là ngày nghỉ ở châu Âu, mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường, tôi cũng sớm quay lại nhịp sống thường nhật của mình.

Xa nhà, tôi nhớ nhất việc được dọn dẹp nhà cửa dịp Tết. Công đoạn này khá vui với tôi chứ không hề mệt mỏi, nặng nhọc, khi được giúp bố giữ thang để bố trèo lên lau quét trần nhà hay vừa kỳ cọ cầu thang vừa buôn chuyện rôm rả với em gái.

Xong xuôi, tôi sẽ cùng đi sắm sửa với mẹ. Hai mẹ con sẽ “ngó nghiêng” khắp các khu phố cổ và lựa những đồ ngon nhất về cho gia đình.

Nguyễn Vũ Hải (27 tuổi, du học sinh Italy)

Trước Tết Nguyên đán, tôi đã có kế hoạch về quê. Sau 3 năm xa nhà, tôi thật sự rất nhớ không khí Tết tại Hà Nội và cảm giác quây quần, ấm cúng bên người thân, gia đình. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh căng thẳng, giá vé về nước lại rất cao, tôi đành ở lại Italy chờ đến khi mọi thứ ổn định.

Dịp Tết ở châu Âu, chúng tôi vẫn phải đi học và đi làm như thường nhật. Mọi thứ chỉ trở nên rộn ràng vào bữa tối ngày giao thừa khi tôi và những người bạn tập trung tại nhà để nấu những món Việt Nam.

Bữa tối của chúng tôi còn có sự góp mặt của một số người bạn ngoại quốc. Ai nấy đều hào hứng chờ được thưởng thức món ăn Tết truyền thống của người Việt.

Ở Italy, lại cận Tết, việc tìm mua thực phẩm hoặc gia vị Việt rất khó. Chúng tôi tìm kiếm tại nhiều siêu thị, cửa hàng, chật vật mãi mới mua được một số nguyên liệu cho món nem rán, gà luộc và xôi. Rau thơm, rau sống bên đây là những mặt hàng xa xỉ.

Giờ giao thừa tại Việt Nam là vào khoảng 18h ở Italy, đúng thời điểm chúng tôi đang nấu nướng bữa tối. Tôi gọi điện về cho bố mẹ để chúc Tết, nghe gia đình động viên, gửi gắm những lời chúc may mắn, thành công cho năm mới.

Nhờ có bạn bè và cộng đồng người Việt tại Italy, dịp Tết Nguyên đán của tôi vẫn vui vẻ, náo nhiệt. Tuy nhiên, Tết được về nhà, tận hưởng không khí rét ẩm, có mưa mới là điều khiến tôi háo hức.

Nguyễn Việt Anh (27 tuổi, du học sinh Nhật Bản)

Đây đã là năm thứ 4 tôi đón Tết xa nhà.

Những năm trước, khi còn đi học, tôi có nhiều thời gian hơn nên ngày giao thừa thường cùng bạn bè đồng hương tổ chức tiệc ăn uống. Chúng tôi chờ đến 0h năm mới (là 2h sáng theo giờ Nhật Bản) để gọi điện video về chúc Tết bố mẹ ở quê nhà.

Nhưng năm nay tôi đã đi làm rồi, dịp Tết Nguyên đán vẫn tất bật như bao ngày thường khác. Tôi không tham gia ăn uống với bạn bè nữa, nhưng trên đường đi làm về vẫn ghé mua một chiếc bánh chưng, cây giò me và về nhà nấu thêm một bát miến gà đầy ắp cho đủ hương vị quê nhà.

Du hoc sinh don Tet anh 10

Mâm cơm tất niên chỉ có một mình của Việt Anh.

Đến khoảng 21, 22h (theo giờ Việt Nam), tôi gọi điện về cho bố mẹ ở quê. Dù đã quen với những cái Tết xa nhà, nhưng nhìn thấy gia đình trong điện thoại, tôi vẫn rất tủi thân. Tết mà, ai cũng muốn trở về quây quần bên cạnh gia đình, nhất là đối với một người đã xa nhà rất lâu như tôi.

Còn từ Việt Nam, bố mẹ dặn dò tôi ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để giữ gìn sức khỏe. Hiện tại ở Nhật Bản, tình hình dịch Covid-19 vẫn khá căng thẳng, bố mẹ lo lắng tôi không đủ khỏe để chiến đấu với dịch bệnh.

Sang năm sau, tôi sẽ cố gắng về quê đoàn viên cùng người thân, bố mẹ. Đã suốt 4 năm dài xa nhà, tôi thật sự rất nhớ hương vị Tết quê hương.

Hai năm ăn Tết xa nhà của cô dâu Việt tại Nhật

Sau 2 năm dịch bệnh, chị Trúc nhận ra việc trang hoàng nhà cửa hay bày biện món ăn đẹp mắt vào dịp Tết không còn quan trọng. Với chị, người thân được bình yên mới là điều trọn vẹn.

Thục Hạnh - Trà My

Bạn có thể quan tâm