Xác tàu Titanic. Khám phá xác tàu được coi là hoạt động "frontier tourism". Ảnh: Reuters. |
Thảm kịch với tàu lặn Titan vừa qua đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều người vừa sẵn sàng chi số tiền khổng lồ, vừa mạo hiểm mạng sống để tới những nơi hẻo lánh, ít bóng dáng con người như vậy.
Mỗi năm, du khách trên khắp thế giới chi hàng tỷ USD cho du lịch mạo hiểm, theo Conversation. Trong đó, frontier travel được coi là “đỉnh cao” của du lịch mạo hiểm. Các chuyến đi rất tốn kém và hướng đến những nơi như đáy biển sâu, núi cao, vùng cực, thậm chí cả vũ trụ.
Frontier tourism không mới: Hàng nghìn năm trước, người dân Thái Bình Dương nhìn bầu trời sao để tìm ra những hòn đảo mới. Hàng trăm năm trước, các nhà thám hiểm châu Âu dong buồm ra khơi tới nơi họ tin rằng là rìa của Trái Đất phẳng.
Dù vậy, trong những năm qua, frontier tourism nhận được ngày càng nhiều sự chú ý nhờ vào hiệu ứng từ mạng xã hội và xu hướng “du lịch trả thù” sau đại dịch Covid-19.
Loại hình du lịch hấp dẫn
Các hoạt động mạo hiểm khiến não tiết ra một số hợp chất hóa học có thể gây nghiện. Các nghiên cứu cho thấy khi tham gia du lịch mạo hiểm - như leo núi cao - con người cảm thấy hưng phấn giống như đã đạt được một thành tựu.
Một số người khác bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ của những nơi ít người lui tới. Những tác phẩm nghệ thuật - như phim Titanic hay những bộ phim về vũ trụ - càng khiến con người tò mò hơn.
Số khác mong muốn đẩy bản thân tới giới hạn, đối mặt với nỗi sợ hãi. Với những người này, nếu điều kiện kinh tế có hạn, họ sẽ lựa chọn nhảy bungee hay nhảy rơi tự do.
Leo lên đỉnh Everest cũng là một loại hình "frontier tourism". Ảnh: AP. |
Ngoài ra, nhiều người muốn đến những nơi xa xôi để theo bước người hùng trong tim mình, như những người tới Bắc Cực để tưởng nhớ nhà thám hiểm Ernest Shackleton.
Các hoạt động nguy hiểm không chỉ đem lại niềm vui mà còn cả danh tiếng cho người thực hiện. Khi trải nghiệm được chia sẻ trên mạng xã hội, họ hoàn toàn có quyền khoe khoang. Các nghiên cứu chỉ ra nhiều người muốn thực hiện các chuyến đi đầu tiên, dài nhất hoặc khó khăn nhất để được ghi tên vào sử sách.
Tuy vậy, frontier tourism rõ ràng không dành cho mọi người mà chỉ dành cho số ít giàu có. Mỗi nạn nhân trong thảm kịch tàu Titan vừa qua đã phải trả 250.000 USD để tham gia chuyến đi.
Cần có quy tắc
Frontier tourism có thể gây tác động đến môi trường và các cộng đồng địa phương. Ví dụ, Nepal giờ đây đang phải nghĩ cách xử lý tác động môi trường lên đỉnh Everest sau hàng thập kỷ mở cửa cho các vận động viên leo núi.
Bên cạnh đó, khi có sự cố, hoạt động này đòi hỏi nỗ lực tìm kiếm cứu nạn tốn kém - chưa kể các nhân viên cứu nạn có thể bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Truyền thông thường chỉ chú tâm tới những du khách gặp nạn thay vì đội ngũ cứu hộ.
Bất chấp các thảm kịch như vụ tàu Titan, các du khách vẫn sẽ bị hấp dẫn bởi hành trình tới những nơi ít ai lui tới.
Nhờ tiến bộ khoa học công nghệ, các chuyến đi đã trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Quảng cáo cũng thường có xu hướng hạ thấp các nguy cơ. Bộ phận marketing của các công ty du lịch thường khuếch đại mức độ an toàn của các chuyến đi, trong khi nguy hiểm chỉ được liệt kê không mấy nổi bật.
Nhiều tỷ phú - như Jeff Bezos - trả số tiền lớn để bay lên vũ trụ. Ảnh: Reuters. |
Hai thập kỷ trước, khi dự đoán về sự phát triển của ngành du lịch vũ trụ, nhà nhân học Valene Smith cho rằng các công ty sẽ cung cấp mọi điều du khách mong muốn. Điều này dường như đã thành sự thật với cả ngành frontier tourism nói chung.
Sự phát triển nhanh chóng của frontier tourism sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác nếu không được xử lý đúng cách. Ngành frontier tourism sẽ cần trả lời câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn và ứng phó với tai nạn?
Nhiều công ty du lịch và công ty bảo hiểm cho du khách hiểu rõ các nguy cơ. Tuy vậy, quy định về tiết lộ giữa các quốc gia là khác nhau. Do đó, hành khách thường sẽ phải tự đánh giá. Nếu tiêu chuẩn của công ty du lịch không đủ cao, hành khách có thể gặp nguy hiểm.
Có ý kiến cho rằng sẽ là tốt nhất nếu frontier tourism giới hạn ở các trải nghiệm có sự phối hợp của thực tế ảo. Tuy vậy, chắc chắn có nhiều người chỉ thỏa mãn với các chuyến đi xuống tận lòng biển hay vượt ra ngoài bầu khí quyển.
Dù sao, thảm họa Titan cho thấy frontier tourism ẩn chứa đầy hiểm nguy. Tuy tiền có thể giúp chúng ta đi gần như bất cứ nơi đâu, có thể có những nơi mà con người thực sự không nên đặt chân tới, ít nhất là vào lúc này.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.