Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau vụ ‘vẫn giao hàng dù đứt lìa ngón tay’ ở Nhật

Việc một người giao hàng tiếp tục làm việc dù bị đứt lìa ngón tay đã phản ánh bức tranh lớn hơn về Nhật Bản và các doanh nghiệp ở nước này.

Một nhân viên giao hàng ở Nhật Bản vẫn tiếp tục công việc dù ngón tay bị đứt lìa. Ảnh: Financial Times.

Khi đi bộ về nhà vào chiều 24/4 tại thành phố biển Maizuru đẹp như tranh vẽ, một học sinh tiểu học bắt gặp một đầu ngón tay người ở trên đường.

Chủ nhân của đầu ngón tay bị đứt lìa là một tài xế xe tải giao hàng ngoài 60 tuổi. Thay vì nhặt ngón tay lên và đi điều trị, người đàn ông tiếp tục công việc giao hàng.

Theo cảnh sát, ông đang giao hàng thì ngón tay bị kẹt vào cửa sau xe, khiến phần đầu ngón tay bị đứt lìa, Kyodo News đưa tin.

Cây bút Leo Lewis của Financial Times nhận định sự việc này có thể là nỗi kinh hoàng đối với đứa trẻ phát hiện đầu ngón tay, nhưng nó còn là cú sốc lớn hơn đối với Nhật Bản nói chung và đối với văn hóa công ty tại nước này nói riêng.

Vụ việc làm nổi bật một nỗi sợ hãi lâu đời có thể đã kìm hãm Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay thế nó bằng những nỗi sợ mới để tiến lên phía trước và giải quyết các thách thức.

Cái giá đắt

Ở đất nước khai sinh ra từ “làm việc cho đến chết” (karoshi), Straits Times cho rằng dường như không gì có thể ngăn cản một số người Nhật Bản thực hiện công việc của mình.

Từ hành động có thẻ khiến nhiều người bị sốc của người đàn ông, các nhà bình luận truyền thông, học giả và người dùng mạng xã hội có thể nhìn thấy những vấn đề rộng lớn và quen thuộc hơn liên quan đến áp lực xã hội về nghĩa vụ và trách nhiệm, cũng như những áp lực nhân khẩu học.

Ý thức về nghĩa vụ và sức chịu đựng, được phần lớn lực lượng lao động tại Nhật Bản thấm nhuần, đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế theo nhiều cách.

Tuy nhiên, như nhiều người đã chỉ ra, điều đó thường đòi hỏi cái giá đắt đối với xã hội và cá nhân. Cái giá đó thường ít gây chú ý hơn so với một đầu ngón tay bị đứt lìa, nhưng mức độ tổn thương chưa chắc đã kém hơn.

Và chính các nghĩa vụ đang ngày càng nặng nề hơn. Ngành logistics của Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động kinh niên, và vấn đề đó không có nhiều khả năng sẽ giảm bớt.

doanh nghiep Nhat Ban anh 1

Một nhân viên giao hàng ở Nhật Bản có thể phải giao đến 120 đơn hàng/ngày. Ảnh: Reuters.

Một báo cáo của chính phủ hôm 26/4 đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng của thách thức nhân khẩu học ở Nhật Bản, dự báo dân số nước này giảm 30% vào năm 2070. Ngay từ bây giờ, các shipper vẫn phải phụ trách những tuyến đường với hơn 100 lượt yêu cầu giao hàng mỗi ngày.

Nhiều người cũng thắc mắc rằng: Nếu người đàn ông bị đứt đầu ngón tay chuyển hướng đến bệnh viện, ai sẽ đảm nhận phần việc giao hàng còn lại của ông ấy? Khách hàng sẽ phản ứng như thế nào với sự chậm trễ trong việc giao hàng?

Theo ông Lewis, những vấn đề này sẽ không biến mất. Tuy nhiên, một vấn đề nguy hiểm và cấp bách hơn là việc nhóm quản lý cấp cao của nhiều công ty ở Nhật Bản cũng có kiểu suy nghĩ tương tự người lái xe đó: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tiếp tục giao hàng vẫn tốt hơn là chuyển hướng.

Nỗi sợ hãi

Phía sau suy nghĩ đó thường ẩn chứa một nỗi sợ mơ hồ nhưng mạnh mẽ nếu họ chọn phương án khác đi - sự bất ổn, sự đối đầu với khách hàng và nỗi sợ phải chịu trách nhiệm khi phạm sai lầm.

Từ góc độ doanh nghiệp, nỗi sợ hãi này được thể hiện dưới nhiều hình thức: Tích trữ tiền mặt, ngại rủi ro, nắm giữ chéo cổ phần trong các công ty niêm yết khác, xu hướng đặt dự báo ở mức thấp và hy vọng đạt được kết quả vượt trội. Trong khi đó, tham vọng chiến lược lớn nhất của các giám đốc điều hành là không gặp bất cứ sự cố nào trên chiếc ghế của họ.

Nỗi sợ hãi như vậy, vốn phổ biến ở các công ty Nhật Bản, đột nhiên dễ bị tổn thương và đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là sắc lệnh mới từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE), yêu cầu các công ty phải giải thích lý do tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách của họ luôn ở mức thấp.

Về lý thuyết, điều đó sẽ khiến rất nhiều công ty lung lay. Và mặc dù chỉ số giá cổ phiếu trên sổ sách có thể không phải là thước đo tốt nhất hoặc nhất quán nhất về cam kết của công ty đối với quản trị tốt hơn và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn, nó là một dấu hiệu tốt để chỉ ra những vấn đề lớn hơn đối với các công ty Nhật Bản.

Đến nay, các giám đốc điều hành ở Nhật Bản đã không phải đối mặt với áp lực về việc phải khiến giá cổ phiếu tăng. Đột nhiên, TSE đã cho phép các nhà đầu tư chất vấn CEO liên quan đến chi phí sử dụng vốn. Điều đó khiến cho việc không hành động để làm tăng giá cổ phiếu trở thành nỗi sợ hãi lớn hơn là một sự điều chỉnh đột ngột.

doanh nghiep Nhat Ban anh 2

Văn hóa tại nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cần phải thay đổi. Ảnh: Reuters.

Trí tuệ nhân tạo - điều sẽ buộc các công ty Nhật Bản phải chuyển đổi, mối quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi và việc Toyota - công ty quan trọng của đất nước - dường như đã đánh giá sai lầm nhu cầu xe điện toàn cầu là tất cả ví dụ về những lo ngại sẽ vượt xa nỗi sợ truyền thống về sự thay đổi chiến lược đột ngột.

Và các cấp C của nhiều công ty Nhật Bản vẫn chưa nhìn nhận nghiêm túc những mối đe dọa này và không hành động để chuẩn bị cho những sự thay đổi phía trước, ông Lewis nhận định.

Một đầu ngón tay bị mất, dù nghiêm trọng đến đâu, thì người đàn ông đó vẫn có thể sống sót. Câu hỏi mà vụ việc đặt ra là mức độ chấn thương phải nghiêm trọng đến mức nào thì mới khiến người đàn ông phải từ bỏ việc giao hàng vào ngày hôm đó.

Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản

Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Tỷ phú Jack Ma thành giáo sư thỉnh giảng ở Nhật Bản

Người sáng lập Tập đoàn Alibaba, tỷ phú Jack Ma, đã được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Tokyo College - tổ chức mới do Đại học Tokyo điều hành.

ASEAN, Đông Bắc Á tính mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ

ASEAN và ba nước Đông Bắc Á - Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - đang đàm phán mở rộng Sáng kiến Chiang Mai nhằm đối phó với các thách thức đang nổi lên như thiên tai, đại dịch.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm