Không khí ẩm mốc của phòng tập do khí hậu mùa xuân Hà Nội và nhóm “khán giả bất đắc dĩ” (chủ yếu là báo giới) không khiến người nghệ sĩ ngồi trước cây dương cầm mất tập trung và cảm hứng trong buổi tập với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. NSND Đặng Thái Sơn sẽ có 2 đêm diễn được coi là mở màn mùa diễn nhạc cổ điển ở Hà Nội. Và với ông, việc “bị” truyền thông săn đón mỗi khi về nước đã thành quen.
Cảm xúc chơi nhạc của Chopin sau 35 năm đã khác nhiều
- Khán giả đã được nghe ông chơi nhạc của Chopin khá nhiều, qua ghi âm cũng như thưởng thức tiếng đàn của ông trên sân khấu. Chính vì thế không ít người yêu nhạc trong nước mong đợi được nghe ông chơi tác phẩm của các nhạc sĩ khác trong buổi diễn lần này. Ông dự định ra sao?
- Tôi cũng muốn chơi nhạc của người khác thay vì cứ mãi chỉ gắn mình với tác phẩm của Chopin. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải chơi Chopin! (cười)
Trước hết, hãy nói về Concerto số 2 cung Fa thứ, tác phẩm tôi chơi trong 2 đêm nhạc lần này. Đó là bản nhạc giúp tôi giành giải nhất cuộc thi piano Chopin năm 1980. Ngay sau khi đạt thành tích này, tôi đã về Việt Nam và chơi "báo cáo" 10 buổi liên tục tại chính sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến giờ tôi cũng không hiểu làm sao mình chơi được 10 buổi liên tục như thế!
Và 35 năm sau, tôi lại chơi bản nhạc ở Nhà hát Lớn. Nhưng lần này thì chỉ 2 buổi thôi (cười).
- Còn các tác phẩm của Ravel hay Fauré?
- Hẳn anh cũng nhận ra, đó đều là các tác giả Pháp. Thực ra với cá nhân tôi, mảng âm nhạc Pháp cũng là một sở trường. Tôi cảm thấy mình hợp chơi tác phẩm của các tác giả Pháp và cũng trình diễn không ít lần. Tuy nhiên ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên.
Tôi thích tinh thần âm nhạc lãng mạn, tinh tế và giàu cảm xúc của người Pháp. Có gì đó như sự đồng cảm khi tôi chơi các tác phẩm của họ.
Đặng Thái Sơn sẽ trình diễn tác phẩm concerto dành cho tay trái của Maurice Ravel trong 2 đêm diễn ở Hà Nội. |
- Hãy trở lại bản concerto của Chopin, sau 35 năm, cảm xúc của ông khi chơi tác phẩm này có gì thay đổi?
- Có chứ. Sự thay đổi lớn nhất, theo tôi là cách tiếp cận tác phẩm. Nếu 35 năm trước, tôi chơi bản nhạc trong cuộc thi với một tinh thần có thể gọi là trong trắng. Thì giờ đây, tôi chơi tác phẩm bằng tinh thần âm nhạc đằm thắm và sâu sắc hơn.
Tác phẩm này Chopin viết về mối tình đầu của ông khi mới 19 tuổi. Có lẽ 35 năm trước tôi đã cảm nhận và thể hiện được cái tinh thần trong trẻo của mối tình đầu đó. Nhưng trong tác phẩm còn có một thứ cảm xúc nữa, đó là những mất mát, đau đớn, dằn vặt tình yêu cũng rất mãnh liệt, giằng xé.
- Phải chăng sự giằng xé đó cũng là điểm nối của tác phẩm này với các tác phẩm khác trong nhạc mục như concerto dành cho tay trái của Maurice Ravel?
- Tôi chọn một chùm tác phẩm giàu giai điệu nhưng cũng mang cảm xúc mãnh liệt. Bản nhạc của Ravel không nói về tình yêu đôi lứa, mà nó viết về một người lính mất cánh tay trái trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng sự xung đột trong xúc cảm quả thực là điểm nối giữa bản nhạc của Chopin và Ravel. Cũng xin nói thêm, đây cũng là lần đầu tiên, khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức tác phẩm viết cho piano chơi duy nhất bằng tay trái của Ravel.
NSND Đặng Thái Sơn là người có nhiều trăn trở về đào tạo tài năng âm nhạc Việt Nam. |
"Tôi thích về nước lặng lẽ hơn là về biểu diễn"
- Báo giới trong nước dù không muốn thì cũng chỉ biết tận dụng những dịp ông về biểu diễn như thế này để có thể có được chuyện trò cùng nghệ sĩ. Thực sự thì điều này có làm ông cảm thấy bị ảnh hưởng tới các hoạt động luyện tập với dàn nhạc?
- Không đâu. Tôi quen rồi. Vì như anh nói đấy, tôi biết mọi người cũng bất đắc dĩ thôi. Và thực ra thì làm việc với truyền thông cũng là một phần của nghệ sĩ thôi.
Nhưng tất nhiên, tôi sẽ thích hơn nếu nhận được những câu hỏi hay, những cuộc trao đổi thú vị và đem tới giá trị nhất định cho công chúng qua báo chí.
- Nhưng tôi biết những năm gần đây ông về nước nhiều hơn, và hẳn ông cũng dành được nhiều thời gian để thăm thú cũng như thực hiện các công việc khác ngoài biểu diễn?
- Đúng là ngoài các dịp về biểu diễn, tôi vẫn thường xuyên đưa má về nước thăm gia đình. Và thực sự, tôi thích những chuyến đi lặng lẽ đó hơn vì sẽ thoải mái đi đây đi đó. Lần nào về tôi cũng có kế hoạch đi nơi này nơi kia. Khi thì Nha Trang, khi thì Côn Đảo, Phú Quốc. Tôi thực sự đam mê những vùng đất quê hương! Đẹp lắm!
- Nói vậy là dịp này về Việt Nam ông sẽ không có kế hoạch lưu lại lâu?
- Đúng vậy. Diễn xong ở Việt Nam tôi lại phải tiếp tục đi Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á trong tour diễn đã lên kế hoạch trước.
Các hoạt động như du lịch hay lên lớp master class tôi sẽ phải dành cho các chuyến về nước lần sau.
- Một trong những công việc ông cũng dành nhiều tâm huyết hiện nay là hỗ trợ và đào tạo các tài năng piano trẻ trong nước. Ông nhận thấy công việc đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển ở Việt Nam có nhiều tiến triển không?
- Chuyện này tôi nói cũng nhiều rồi và tôi thấy mình cứ làm được đến đâu thì làm bằng hành động thực tế thôi.
Không thể phủ nhận là các trường sở đào tạo chuyên nghiệp đang rất nỗ lực tìm ra những hướng tiếp cận mới để vun đắp cho các tài năng nhạc cổ điển trẻ Việt Nam. Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận thực tế là Việt Nam đang thụt lùi về lĩnh vực này.
Đừng so sánh với các nước phương Tây, chỉ nhìn vào khu vực Đông Nam Á thôi cũng đã thấy họ tiến nhanh và xa thế nào về đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển.
- Nhưng trong các cuộc thi nhạc cổ điển mà cụ thể là piano tầm cỡ quốc tế, chúng ta vẫn gặt hái các giải thưởng. Điều đó có đi ngược với đánh giá của ông?
- Giải thưởng ở độ tuổi nào mới là quan trọng. Chúng ta chủ yếu có giải ở độ tuổi dưới 14 tuổi. Từ 14 tuổi trở lên, tài năng của các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu chững lại và dần "đi ngang". Trong khi đây là giai đoạn rất quan trọng để bứt lên từ tài năng thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
- Ông có đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề này?
- Quan điểm của tôi là nếu trong nước không làm được hãy đưa ra nước ngoài. Hiện nay, trong lớp học piano của tôi tại Đại học Montreal có một vài em là học sinh Việt Nam. Tôi cũng nỗ lực để vận động các quỹ học bổng cho các em tài năng thực sự có cơ hội ra nước ngoài học tập ở những môi trường chuyên nghiệp và uy tín.
- Công việc hỗ trợ tài năng trẻ có phải một cách để ông trả nghĩa với đất nước, quê hương?
- Tôi coi đó là một việc làm bình thường mà mọi người nghệ sĩ nhất là với những người gắn bó với công việc sư phạm như tôi cần và muốn làm.
Hơn 30 năm qua, tôi đã biểu diễn ở rất nhiều sân khấu, khán phòng. Và thực sự những khi niềm tự tôn dân tộc của tôi lên cao nhất chính là trong các buổi diễn không có người Việt Nam nào ngoài chính mình. Khi đó, tôi chơi với niềm tự hào sâu sắc!
Tình yêu với đất nước, đôi khi không cần nói, không nên khẳng định to tát. Cứ thể hiện bằng những hành động và cảm nhận bằng những điều đôi khi rất nhỏ nhoi thôi.