Đang nằm ghế xem tivi, bất chợt bà Nguyễn Thị Hợp (61 tuổi, ở xã Tu Vũ, Thanh Thủy, Phú Thọ) bị tê chân tay dẫn đến liệt nửa người và không nói được.
Sau khi phát hiện, người nhà đã đưa bà đến trung tâm y tế huyện, tại đó, các bác sĩ đã cho chụp CT sọ não nhưng không phát hiện chảy máu não và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục sau cơn đột qụy. Ảnh: BSCC. |
Bác sĩ Trần Quang Lục, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân liệt nửa người phải và không nói được. Theo chia sẻ của gia đình, bà có tiền sử bệnh lý về tim mạch, suy tim có điều trị thuốc nhưng không rõ loại.
Tiếp nhận người bệnh tại Trung tâm Đột quỵ, các bác sĩ đã nhanh chóng phán đoán và theo dõi đột quỵ não, đánh giá tình trạng, xem phim chụp của tuyến huyện và sử dụng biện pháp tiêu huyết khối. Tuy nhiên, cải thiện của người bệnh chậm, bác sĩ chỉ định chụp CT sọ não kết hợp với ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo Rapid.
"Định lượng được tổn thương của não trên hình ảnh của trí tuệ nhân tạo cho thấy vùng não chết có thể tích rất nhỏ, trong khi đó, vùng não có nguy cơ tổn thương rộng. Do đó, bác sĩ quyết định tái thông mạch cứu vùng não có nguy cơ bị tổn thương hoặc có nguy cơ chết mặc dù đã quá giờ vàng", bác sĩ Lục cho hay.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo Rapid giúp lượng hóa được các tổn thương của não, từ đó giúp bác sĩ có cơ sở vững chắc để đưa ra quyết định tái thông mạch cho người bệnh đặc biệt là những người đến muộn sau 6-24 giờ. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của bà Hợp cải thiện rõ rệt, đã đi lại được và giao tiếp trở lại.