Nữ danh ca kể lại, năm 19 tuổi, khi đang học tại trường quốc gia âm nhạc TP. HCM, cuộc gặp gỡ định mệnh với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đưa cuộc đời cô sinh viên Trường Mi (tên của Họa Mi khi đó) sang một trang khác. Trường Mi trở thành ca sĩ nổi tiếng khi tham gia ca múa nhạc mỗi đêm tại nhà hàng Maxim cũng như chương trình ca nhạc định kỳ trên sóng truyền hình. Chính cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đặt nghệ danh cho chị.
Họa Mi tâm sự: “Chú Thơ đưa cho bài hát Đưa em xuống thuyền và tập cho tôi hát với ban nhạc, đúng một tuần sau tôi được chú giới thiệu hát chính thức ở nhà hàng Maxim. Khi bước chân lên sân khấu, tôi thấy trong danh sách chương trình không có tên mình mà đề tên Họa Mi thì chạy vô hậu trường thắc mắc với chú. Nhạc sĩ bảo, kể từ hôm nay, cháu sẽ là Họa Mi làm tôi ngạc nhiên vô cùng”.
Ca sĩ Họa Mi chụp ảnh với cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khi chị còn trẻ. Ảnh: Jet |
Giọng ca Một mai em đi cũng nói thêm, có lẽ nhạc sĩ đặt nghệ danh cho mình như vậy để “đối trọng” với người học trò đầu tiên của ông là ca sĩ Sơn Ca. Sơn Ca tuy lớn hơn một tuổi nhưng là bạn cùng khóa với Họa Mi tại trường nhạc, được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nhận làm học trò ngay từ năm nhất và lăng-xê thành ca sĩ nổi tiếng. Còn chị đến năm thứ 3 mới được nhạc sĩ phát hiện và nhận làm học trò.
Trong mắt Họa Mi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ kỹ lưỡng và rất khó tính. “Chú Thơ tài giỏi nhưng nghiêm khắc. Chú đúng giờ và tôn trọng ê-kíp. Ai làm việc với chú cũng kính nể và quý trọng chứ không riêng tôi. Ngoài vai trò nhạc sĩ, Hoàng Thi Thơ còn là người đầu tiên soạn nhạc kịch, thực hiện phim màu đầu tiên ở Việt Nam”, chị nói thêm.
Nữ ca sĩ hải ngoại biết ơn Hoàng Thi Thơ khi ông đã sáng tác nhiều bài hát để chắp cánh tên tuổi chị bay xa. Mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca, quê hương, ông đã dành cho Sơn Ca còn tình ca dành cho Họa Mi. Hai bài hát Đời buồn như liễu và Dù xa xôi vẫn thấy gần được ông viết tặng riêng dựa trên cuộc đời Họa Mi.
Gia đình hạnh phúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Ảnh: Jet |
Sau khi xuất ngoại, Hoàng Thi Thơ định cư ở Mỹ còn Họa Mi sống ở Pháp nên rất ít khi có dịp qua lại. Nhưng chị luôn sắp xếp để tham gia các chương trình vinh danh âm nhạc của ông.
Năm 1991, sau thời gian dài xa cách, Họa Mi gặp lại người thầy của mình trên đất Mỹ. Lúc này ông bị bệnh tim, chỉ ngủ ngồi mà không được nằm. Tuy nhiên ông vẫn làm việc hăng say. Giọng ca sinh năm 1955 nói: “Chú Thơ yêu âm nhạc vô cùng. Chú bảo với tôi nếu không có âm nhạc, không được làm việc thì chú sẽ chết sớm rồi, không còn sống đến bây giờ đâu. Điều này làm tôi cảm động và trân trọng chú vô cùng”.
Chương trình Hoàng Thi Thơ 3 – Một đời cho nghệ thuật (1997) tại Canada là lần cuối cùng Họa Mi được diện kiến cố nhạc sĩ. Nữ danh ca kể, lúc đó nhạc sĩ rất sợ chết, ông muốn làm nghệ thuật, có sản phẩm để lại cho đời. Khi đang thực hiện chương trình (lần đó cố nhạc sĩ cũng kiêm luôn công việc MC), ông bị ngất xỉu vì quá xúc động (cố nhạc sĩ vốn bị tim rất nặng, từng phải mổ đến 7 lần) phải cấp cứu tại chỗ.
Lúc đó, mọi người sợ rằng ông không qua khỏi nhưng sau khi Họa Mi cùng mọi người săn sóc, ông tỉnh lại và đủ sức khỏe để thực hiện tiếp chương trình. Đây cũng là lần cuối ông thực hiện show diễn vì bác sĩ khuyến cáo nếu ông xúc động sẽ ảnh hưởng đến tim.
Họa Mi và cháu ruột của cố nghệ sĩ nhận biểu tượng Sol Vàng. Ảnh: Jet |
Trong chương trình Sol Vàng tháng 9 với chủ đề Hoàng Thi Thơ – Đường xưa lối cũ, danh ca Họa Mi sẽ cùng người cháu ruột thân thiết của cố nhạc sĩ là ông Trần Dinh (người sống cùng gia đình, đồng hành, giúp đỡ cho nhạc sĩ khi ông còn làm việc tại nhà hàng Maxim) nhận biểu tượng Sol Vàng.
Nữ danh ca cũng thể hiện mảng nhạc tình của Hoàng Thi Thơ gồm 4 ca khúc: Rong chơi cuối trời quên lãng, Bài thơ cuối cùng, Hỏi người còn nhớ đến ta và ca khúc chủ đề của: Đường xưa lối cũ.
Đêm nhạc được phát sóng vào lúc 20h tối 10/9 trên VTV9. Hoa hậu Giáng My sẽ đảm nhiệm vai trò MC của chương trình.