Trao đổi với Zing sáng 18/5, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong hôm nay, bệnh viện sẽ tiến hành làm CT Scan, xét nghiệm để đánh giá chức năng của phổi, tim mạch và các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, tiếp tục các xét nghiệm tầm soát vi khuẩn bội nhiễm.
Theo bác sĩ Châu, hình ảnh CT Scan sẽ giúp các bác đánh giá rõ các tổn thương ở phổi bệnh nhân. Sau kết quả chụp CT Scan hôm nay, bệnh viện sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn với Bộ Y tế để xem xét tình hình, quyết định hướng điều trị tiếp theo.
Theo bác sĩ Châu, bệnh nhân sẽ được chụp CT tại khoa Chẩn đoán hình ảnh khi đơn vị này giải quyết ổn số lượng bệnh nhân để đảm bảo chống lây nhiễm chéo tại khu vực chụp và toàn viện trong quá trình di chuyển bệnh nhân.
Bệnh nhân sẽ được tạm ngưng máy lọc máu. Các bác sĩ sẽ đưa nam phi công cùng hệ thống máy thở, ECMO đến phòng CT Scan để chụp chiếu phổi.
Theo các bác sĩ, việc CT scan cho bệnh nhân này khá vất vả. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đây là lần thứ 2 bệnh nhân được tiến hành chụp CT Scan. Lần đầu tiên, các bác sĩ phải đợi đến đêm muộn, khi bệnh viện vắng người mới chuyển bệnh nhân cùng hệ thống máy móc khu chụp CT Scan.
Bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi, trú quận 2, TP.HCM) là trường hợp mắc Covid-19 nặng và nguy kịch nhất hiện nay. Hội đồng chuyên môn và Bộ Y tế đã nhiều lần hội chẩn để tìm phương án tốt nhất cứu sống bệnh nhân, trong đó cân nhắc khả năng ghép phổi.
Bệnh nhân 91 được làm CT SCan toàn bộ để đánh giá tình hình. Ảnh: Việt Hùng. |
Bác sĩ Châu cho biết đến sáng nay, bệnh nhân nằm yên, an thần, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Bệnh nhân có dùng thuốc vận mạch liều thấp, mạch và huyết áp ổn định, không ghi nhận xuất huyết.
Kết quả siêu âm phổi cho thấy phổi phải của bệnh nhân nhiều B lines, đông đặc thuỳ giữa dưới, ít dịch màng phổi, không hình ảnh tràn khí, phổi co nhỏ. Phổi trái nhiều B lines, đông đặc vùng sau dưới, ít dịch màng phổi. Bệnh nhân cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ ngày 7/5 đến nay. "Tiên lượng bệnh nhân còn nặng", TS Châu cho biết.
Hội đồng chuyên môn giải thích nam bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83 m và nặng 100 kg. Cơ thể bệnh nhân lại phản ứng quá mức với virus nên tạo ra "cơn bão cytokine", tấn công lại chính tế bào lành. Bệnh nhân cũng kháng toàn bộ thuốc chống đông máu, Bộ Y tế phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài về điều trị.
Kể từ khi khởi động thông tin tìm nguồn phổi cho nam phi công, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết đến nay, trung tâm này đã nhận được hàng chục lời đề nghị được tặng một phần phổi cho nam phi công. Tất cả đều không quen biết với bệnh nhân. Hiện, các bác sĩ vẫn ưu tiên tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Bệnh nhân đang tiếp tục được thở máy, mở khí quản, kháng sinh, kháng nấm và can thiệp ECMO ngày thứ 42.
Đến sáng nay, tình hình bệnh nhân 278 (người phụ nữ 50 tuổi trở về từ UAE, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu do viêm phổi) được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ổn định. Bệnh nhân tỉnh táo, có thể tự ăn uống và sinh hoạt cá nhân.
Bệnh nhân còn ho, thở êm, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, có ghi nhận xuất huyết âm đạo ít. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 17/5 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh, thở oxy mũi.