Sáng 26/11, báo Tuổi trẻ đã đăng clip ghi lại cảnh bạo hành trẻ tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh. Nội dung clip ghi lại hình ảnh ba người phụ nữ đã có các hành vi bạo hành học sinh, đặc biệt là dùng nhiều dụng cụ khác nhau đánh vào đầu, mặt của trẻ.
Đánh vào đầu trẻ: Nguy cơ chấn thương sọ não
Giáo sư Phạm Gia Khải, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phân tích trẻ bị đánh liên tiếp vào mặt, đầu có hai nguy cơ xảy ra. Thứ nhất trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý, thứ hai là có nguy cơ bị chấn thương sọ não nếu lực đánh với lực mạnh. Mức độ chấn thương của trẻ tới đâu thì cần phải chụp CT để xác định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ trẻ bị đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt chắc chắn sẽ có tổn thương nhất định. Thậm chí, trẻ không gặp phải những vấn đề tổn thương phần mềm cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý.
Theo Thạc sĩ Lương y Vũ Quốc Trung, nguy cơ chấn thương sọ não là do phần cơ dây chằng cổ của trẻ yếu khi đánh một lực quá mạnh vào đầu sẽ dễ dẫn đến tổn thương. Ngoài ra, phần đỉnh đầu còn tập trung hai huyệt rất quan trọng là Bách Hội (huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy một khe xương lõm xuống) và Tứ Thần Thông (có bốn huyệt trước, sau, phải, trái cách huyệt Bách Hội một thốn - đơn vị đo chiều dài sinh học trên cơ thể người).
Đây là hai huyệt cấm kỵ nếu đánh vào có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tác động lực lớn vào hai huyệt này có thể gây ra tụ máu trong não.
Bảo mẫu đánh liên tiếp vào đầu đứa trẻ. Ảnh cắt từ clip Tuổi Trẻ. |
Thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhi, PGS.TS Dũng khẳng định vấn đề tổn thương tâm lý trẻ còn nguy hiểm hơn rất nhiều những vết thương nhìn thấy bên ngoài.
"Người lớn thường nghĩ trẻ con không biết gì nhưng thực tế thì không phải. Những cử chỉ, hành động, ánh mắt,… của người lớn đối với trẻ đều ảnh hưởng tới tâm lý của bé. Trẻ nhỏ thường xuyên bị đánh đập ngay từ lúc nhỏ sẽ ảnh hưởng tới tính cách về sau, khiến bé có xu hướng cư xử bạo lực hơn", bác sĩ này chia sẻ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý vì bị bạo hành ở trường
Bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Phó trưởng Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương, trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi mầm non, thường khá nhạy cảm vì có sự thay đổi môi trường từ gia đình sang một môi trường mới lạ.
Trẻ thường xuyên bị giáo viên đánh đập rất dễ bị sang chấn, rối loạn hoảng sợ, dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…
“Khi trẻ nhỏ gặp phải sang chấn thường không nói được như người lớn nên rất dễ bị rơi vào trầm cảm. Triệu chứng điển hình là bé không thích vui chơi, luôn có cảm giác sợ hãi, ngủ không ngon giấc (hay mê ngủ), ăn kém, sợ đi học, hay nôn…”, bác sĩ Nghĩa cho biết.
Chuyên gia này vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi đi học mẫu giáo bị sang chấn tâm lý. Những trường hợp đó có thể là do gia đình chiều chuộng khó thích nghi với môi trường mới hoặc bị cô giáo đánh, dọa, nhốt,… khiến trẻ sợ hãi khi đến trường.
Giáo viên mầm non được coi là người thầy đầu tiên của trẻ nhỏ. Vì vậy, khi được nuôi dạy trong môi trường bạo lực trẻ có thể bắt chước hành vi đó và cư xử tồi tệ hơn.
“Tính cách của trẻ có thể bị tập nhiễm từ môi trường. Một đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực tính cách sẽ hung hãn hơn. Còn đứa trẻ sống trong môi trường yên bình, kỷ luật công bằng sẽ có tính cách ôn hòa và biết tôn trọng người khác”, bác sĩ Nghĩa cho hay.