Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo diễn có 2 phim truyền hình gây sốt 2017: Tiền ít vẫn làm thật kỹ

Đạo diễn của 2 bộ phim gây sốt là "Sống chung với mẹ chồng" và "Cả một đời ân oán" khẳng định dù tiền nhiều hay ít anh vẫn luôn làm phim kỹ lưỡng.

Vũ Trường Khoa là một đạo diễn kiệm lời nhưng phim của anh thì gây bão, Sống chung với mẹ chồng trong năm 2017 là một ví dụ. Trước đó, nam đạo diễn cũng có những bộ phim gây được tiếng vang như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Hai phía chân trời, Khi đàn ông góa vợ bật khóc.

Cuối năm 2017, Vũ Trường Khoa tiếp tục ra mắt một bộ phim mới - Cả một đời ân oán - cùng với đạo diễn Trọng Trinh. Zing.vn đề nghị Vũ Trường Khoa dự đoán về "độ hot" của phim này, anh trả lời tương tự như khi ra mắt Sống chung với mẹ chồng: "Tôi đã làm hết sức, tôi tin khán giả sẽ đồng cảm".

dao dien Song chung voi me chong anh 1
Đạo diễn Vũ Trường Khoa.

'Tôi chưa bao giờ định hình phong cách cho mình'

- Sau thành công ngoài sức mong đợi của "Sống chung với mẹ chồng", phải chăng “Cả một đời ân oán” hay bất cứ dự án phim nào khác cũng là một áp lực với anh?

- Không, tôi không cảm thấy áp lực đâu. Bất kể phim nào, nếu tôi được giao hoặc nhận lời, tôi đều làm bằng sự cẩn trọng nhất, quyết tâm nhất. Tôi không bao giờ biết rating trên sóng là bao nhiêu, nhiều hay ít, chỉ biết làm hết sức mình. Với bản thân tôi, làm một bộ phim nỗ lực hết sức, dù kết quả có thế nào mình cũng không hối tiếc.

- Với "Hôn nhân trong ngõ hẹp", "Sống chung với mẹ chồng" và giờ là "Cả một đời ân oán", vẻ như anh đang định hình mình là một đạo diễn thuộc dòng phim tình cảm gia đình?

- Thật ra, suốt 20 năm làm phim, tôi chưa bao giờ định hình mình sẽ làm phong cách gì. Quan trọng là câu chuyện đó có đưa cho mình cảm xúc thật sự hay không, không chỉ phim về đề tài gia đình, tôi mới được khán giả đón nhận.

Những phim khác về đề tài giới trẻ như Bước nhảy xì tin hay những bộ phim như Những công dân tập thể, Hai phía chân trời. Tất cả đều là những câu chuyện, đề tài mà tôi cảm thấy bị thuyết phục, cuốn hút.

- "Cả một đời ân oán" đang được khán giả chú ý, và tiếp tục lại là một bộ phim với kịch bản có nguồn gốc từ nước ngoài. Kịch bản Việt yếu kém như vậy sao?

- Phim chuyển thể hoặc phóng tác từ kịch bản nước ngoài cũng không hẳn vì biên kịch, kịch bản Việt Nam quá yếu kém. Kịch bản nước ngoài đôi khi chỉ là một cách tiếp cận. 

Và cũng có nhiều kịch bản Việt hay như Hôn nhân trong ngõ hẹp, Khi đàn ông góa vợ bật khóc. Thế nên, tôi cho rằng việc có mấy phim liền gây bão đều là kịch bản ngoại, đó hoàn toàn là sự tình cờ, chứ chúng tôi không bao giờ chỉ trông đợi vào kịch bản ngoại.

dao dien Song chung voi me chong anh 2
Sống chung với mẹ chồng là bộ phim gây bão màn ảnh năm 2017.

- “Hoàn toàn là sự tình cơ”, e rằng cách lý giải này khó thuyết phục được công chúng?

- Đúng là có những kịch bản nước ngoài có nội dung tốt, nhưng cũng phải nói thêm là khi về Việt Nam, khâu Việt hóa cũng rất quan trọng. Như Sống chung với mẹ chồng, chỉ là phóng tác từ tiểu thuyết Trung Quốc, phim ảnh như một sự sáng tạo lại theo chủ đề, đề tài đã đề cập trong nội dung cuốn sách.

Với những kịch bản đã sản xuất ở nước ngoài, nếu rập khuôn, khán giả trong nước chắc chắn sẽ không đón nhận. Văn hóa mỗi nơi một khác, quan trọng là người làm phim phải khiến khán giả thấy có sự đồng cảm. Nói đến đây, tôi lại càng thấy ê-kíp Sống chung với mẹ chồng đã nỗ lực rất nhiều.

'Tiền nhiều hay ít, tôi vẫn làm phim kỹ lưỡng'

- Kinh nghiệm Việt hóa "Sống chung với mẹ chồng" có giúp ích cho anh trong việc Việt hóa "Cả một đời ân oán" với câu chuyện bên Đài Loan?

- Có những chi tiết ở bản gốc bên nước ngoài rất cực đoan, thế nên khi về Việt Nam, chúng tôi phải làm nhân văn hơn. Sống chung với mẹ chồng hay Cả một đời ân oán thì văn hóa của người Việt vẫn được đưa lên hàng đầu.

Mỗi nơi có một cách hành xử khác. Thế nên, việc lược bỏ hay tăng thêm tình huống kịch luôn được chúng tôi cân nhắc kỹ.

- Có đồn đoán rằng với "Sống chung với mẹ chồng", VTV có nguồn thu lớn từ quảng cáo, và do vậy những bộ phim vẫn đang quay như "Cả một đời ân oán" có chi phí thực hiện khá dồi dào, các đạo diễn không phải “thắt lưng buộc bụng”?

- Tôi nghĩ rằng những nhà quản lý luôn có kế hoạch phân bổ về kinh phí cho từng dự án. Được tạo điều kiện tối đa, đó là lợi thế của chúng tôi. Còn về kinh phí thì tôi không nắm được.

Nhưng dù tiền nhiều hay ít thì chúng tôi cũng vẫn luôn làm phim kỹ lưỡng. Từ trước đến nay, chúng tôi không có kinh phí dồi dào nhưng vẫn biết cân đối tài chính. Cảnh quay cần đầu tư phải đầu tư, cảnh nào lướt qua, không quan trọng thì có thể đầu tư ít.

dao dien Song chung voi me chong anh 3
"Cả một đời ân oán" là bộ phim đang gây chú ý trên sóng VTV.

- "Cả một đời ân oán" sẽ có hai phần, nhưng anh chỉ là đạo diễn của phần một. Anh có sợ nội dung hai phần sẽ bị chênh?

- Tôi và anh Trọng Trinh cùng thực hiện nên không sợ chênh. Chúng tôi luôn luôn trao đổi, thống nhất về nhân vật, tuyến truyện, cách triển khai. Tôi phải chuyển sang dự án khác nên phần 2 anh Trọng Trinh vẫn tiếp tục với sự giúp sức của đạo diễn Bùi Tiến Huy.

Tôi quan niệm, không nhất thiết một phim là một đạo diễn. Công tác làm phim là của tập thể, cốt làm sao đưa ra được phương án tốt nhất. Nhiều cái đầu, bao giờ cũng có những lựa chọn tối ưu hơn một cái đầu.

- Anh có nghĩ "Cả một đời ân oán" sẽ lại gây bão như "Sống chung với mẹ chồng"?

- Tôi nghĩ rằng mình đã cố gắng hết sức. Với tâm niệm luôn luôn hướng đến sự đồng cảm của khán giả, tôi tin bộ phim này sẽ được đón nhận.

'Người phán xử', 'Sống chung với mẹ chồng' là phim đình đám nhất 2017

"Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng" hay "Thương nhớ ở ai" là những bộ phim truyền hình đình đàm trên sóng VTV trong năm 2017.




Lê Quang Đức

Ảnh: VFC.

Bạn có thể quan tâm