Được tiếp xúc với môi trường thực tế, đẩy mạnh công tác nghiên cứu ngay từ sớm, sinh viên VinUni có cơ hội cọ xát, trau dồi trong môi trường “thực chiến” đậm đặc. Sinh viên được ghi nhận tín chỉ đào tạo, thậm chí được trả lương cho những đóng góp xuất sắc trong các nghiên cứu khoa học.
Tham gia nghiên cứu từ năm thứ nhất
Phan Nhật Huy - sinh viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Đại học VinUni - cho biết đã đảm nhận vị trí trợ lý nghiên cứu trong dự án “Phát triển ứng dụng di động chẩn đoán bệnh tim mạch thông qua thuật toán phân loại và dò tìm các tín hiệu bất thường của điện tâm đồ” ngay từ năm nhất. Nhiệm vụ của Huy là thu thập, xử lý dữ liệu thô và xây dựng các khung chuẩn cho việc tiến hành thí nghiệm.
Dự án Huy đang hỗ trợ là ý tưởng từ TS Đỗ Danh Cường - giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính (Đại học VinUni). Trước khi trở thành giảng viên VinUni, tiến sĩ Cường đã có nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) và là tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều bằng sáng chế.
Dưới sự dẫn dắt của TS Đỗ Danh Cường, Huy đã phối hợp đưa ra các giải pháp tính toán hiệu năng cao trong việc phát hiện tín hiệu bất thường của điện tâm đồ 12 kênh. Tham gia dự án, cậu sinh viên học hỏi được nhiều kiến thức mới và kinh nghiệm nghiên cứu thực chiến.
Huy chia sẻ: “Do chưa từng tự xây dựng các khung chuẩn thí nghiệm nên áp lực với mình là không thể tránh khỏi. Nhưng hơn hết, việc tự học, tự mày mò kiến thức mới này cũng giúp mình thu nhận kiến thức hiệu quả hơn”.
Phan Nhật Huy (giữa) tham gia ngày Ngày hội Kỹ thuật và Khoa học Máy tính 2021 tại Đại học VinUni. |
Bên cạnh dự án này, Nhật Huy cũng đang tham gia nghiên cứu, phát triển ứng dụng quản lý và giám sát thuốc cho người dùng mang tên VAIPE. Ứng dụng này giúp người dùng lưu trữ lịch trình và nhắc nhở uống thuốc đúng giờ theo đơn của bác sĩ. Trong dự án này, Huy có cơ hội học hỏi từ các giáo sư VinUni cùng đội ngũ kỹ sư từ Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các nghiên cứu khoa học mang tính áp dụng thực tế là bài toán đầy thử thách cho sinh viên năm nhất khi phải đương đầu với những vấn đề kỹ thuật chưa có lời giải. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội lý tưởng giúp sinh viên sớm phát triển tư duy giải quyết vấn đề như một kỹ sư thực thụ. Thông qua sự hỗ trợ của các giảng viên và giáo sư, sinh viên được tiếp cận với mạng lưới nghiên cứu quốc tế, đồng thời có cơ hội tiếp xúc với các công nghệ mới nhất trên thế giới.
Theo GS Đỗ Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học VinUni, việc tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất sẽ giúp sinh viên dần hình thành kỹ năng và kinh nghiệm để trở thành những nhà nghiên cứu độc lập. Đây sẽ là lợi thế lớn cho quá trình học tập, nghiên cứu, sáng tạo lên cao sau này của các bạn.
Nghiên cứu phụng sự cộng đồng
VinUni là một trong số ít trường đại học tạo điều kiện cho sinh viên năm nhất tham gia nghiên cứu khoa học cùng đội ngũ giáo sư đầu ngành. Nhà trường đang triển khai gần 20 dự án nghiên cứu do các giáo sư, giảng viên đề xuất với sự tham gia của các sinh viên năm nhất.
Ngoài vị trí trợ lý nghiên cứu được trả lương, các sinh viên còn có thể tham gia với vai trò nghiên cứu độc lập. Với lựa chọn này, sinh viên sẽ được tích lũy tín chỉ nghiên cứu trong bảng điểm như một môn học tự chọn.
Sinh viên VinUni được truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học thông qua đảm nhận ví trí trợ lý các dự án. |
Theo TS Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch Đại học VinUni, mục tiêu trên hết của các dự án nghiên cứu khoa học mà VinUni hướng tới là nghiên cứu phụng sự cộng đồng. TS Lê Mai Lan nhấn mạnh: “VinUni sẽ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn để tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng, đất nước. Các nghiên cứu đều phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, ưu tiên tích hợp liên ngành”.
Trong năm học 2020-2021, phần lớn dự án và bài báo nghiên cứu của đội ngũ thầy trò VinUni còn nhận được sự hợp tác từ các nhà khoa học quốc tế. “Các đề tài, dự án chúng tôi triển khai có giá trị ứng dụng rộng rãi, hướng tới phụng sự nhân loại. Bên cạnh đó, môi trường nghiên cứu ở nhà trường cũng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học trên thế giới”, GS Đỗ Ngọc Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đầu tư về môi trường, tỷ lệ giáo sư, giảng viên trên sinh viên tại VinUni đang là 1/6 - điều kiện lỷ tưởng cho môi trường vừa học tập vừa nghiên cứu. Phương pháp duy trì tỷ lệ giảng viên trên sinh viên thấp cũng được nhiều trường đại học hàng đầu thế giới áp dụng. Trong đó, tỷ lệ giảng viên/sinh viên trung bình của các trường đại học thuộc top 200 thế giới là khoảng 1/12.
“Sinh viên nghiên cứu khoa học ở VinUni được sự dẫn dắt của các giáo sư, giảng viên hàng đầu, ngoài ra có thể tận dụng thế mạnh liên kết đa ngành với doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế của trường. VinUni sẽ chú trọng thúc đẩy các dự án về sức khỏe thông minh và du lịch - dịch vụ thông minh trong năm học tới”, GS Đỗ Ngọc Minh chia sẻ.
Bình luận