Người đăng tải bài Toán lên mạng xã hội kèm theo chia sẻ: "Các bạn giải hộ mình bài này với. Mình tự thấy mình dốt, học hết đại học mà không làm nổi bài toán lớp 2".
Và chuyện được cho là “hỏi lạc đề” nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng”. Nhiều độc giả tham gia giải bài theo những cách khác nhau.
Độc giả Minh thẳng thắn: “Câu trả lời của bài này có lẽ đơn giản là: Bài không đủ dữ liệu để có thể tính toàn nên chưa thể biết được tuổi của thuyền trưởng”.
Nhiều người đồng tình với ý kiến này khi cho rằng bài Toán tạo cho học sinh tính độc lập trong suy nghĩ và sự mạnh dạn khi đưa ra ý kiến cá nhân để trả lời “không có đáp án” chứ không máy móc cộng trừ những con số không liên quan đến nhau.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc lại có những cách tính khác nhau để ra số tuổi cụ thể của người thuyền trưởng. Theo độc giả Châu nên dựa vào dữ liệu đề bài cho để tính toán: "Ghi vào đó đáp án bao nhiêu cũng đúng nhưng phải trên 25 tuổi vì trên số tuổi này mới có thể thi bằng thuyền trưởng lái tàu thuyền. Theo mình tốt nhất lấy 45 - 5 = 40, nếu cô giáo có hỏi tại sao em làm như vậy thì nói đây là số liệu trong bài".
Phần lớn lời giải Toán đều dựa vào chi tiết người cần tìm tuổi là thuyền trưởng để suy luận. Bạn Nguyễn Thế Anh lý giải: “Từ số cừu, chúng ta có thể suy ra theo luật hàng hải là thuyền trưởng được phép chở 45 con cừu phải là thuyền chuyên dụng chở gia súc. Chúng ta có thể tìm ra được số tuổi của thuyền trưởng vì muốn có bằng chở gia súc số tuổi từ bao nhiêu tuổi trở lên đã được quy định rõ trong pháp luật, còn trong quá trình vận chuyển làm rơi 5 con thì thuyền trưởng này tính tình vẫn cẩu thả, chúng ta có thể trừ đi số tuổi tương đương số cừu”.
Trần Văn Nhân lại cho rằng: “Thuyền trường nhỏ hơn 23 tuổi vì không biết vận tải nên mới để rơi số cừu, chứng tỏ chưa tốt nghiệp ĐH Hàng hải”.
Cùng với ý kiến của độc giả Nhân, bạn Tí Tởn nhận định, người thuyền trưởng ít hơn 16 tuổi thì mới có thể… để rơi 5 con cừu xuống nước.
Ngoài ra, bạn Kê Nguyễn lại có lời giải dí dỏm: Theo mình thì trả lời là "Trên tàu chỉ có cừu không có thuyền trưởng".
Thành viên Việt Dũng Lê chỉ ra đáp án cho bài Toán giáo dục được nhiều người quan tâm: “Trò chăm ngoan + giỏi + chưa giải được bài này = cần phải đi học thêm”.
Độc giả Nguyễn Ngọc Giang chia sẻ về cách ra đề Toán tương tự:
"Trong Toán học đây là dạng bài mà học sinh nước Pháp thường giải trước đây, khi học theo trường phái toán học Bourbaki. Trường phái này quan tâm đến bản chất của số học, chẳng hạn 2 là 2 chứ không phải biểu tượng 2 quả cam, 2 cái xe... Học sinh nước Pháp thời đó học rất giỏi về suy luận logic, chứng minh nhưng lại không hiểu biểu tượng trực quan là gì. Vì thế bài toán này đã góp phần đưa chương trình Bourbaki ra khỏi trường học Pháp và quay lại cách dạy học của Euclide.
Cần phải nói thêm toán học ngày nay phát triển mạnh mẽ nhờ công lớn của Bourbaki nhưng cách dạy cho trẻ em mà chỉ tập trung vào trừu tượng hóa thì không phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Do đó chương trình giáo dục cần mềm hóa kiến thức chứ không phải lúc nào cũng phải hiểu đúng bản chất toán học. Vấn đề này đối với dân toán thì quá đỗi quen thuộc".