Những ai chứng kiến hay theo dõi clip ghi lại vụ việc đều bất bình trước sự thiếu lễ phép của học viên. Song càng sốc hơn với lối xưng hô, ngôn từ mạt sát và thái độ hành xử “ăn miếng trả miếng”, đe dọa trong môi trường giáo dục (dù là Trung tâm dạy ngoại ngữ) của “cô giáo bọ cạp”.
Dư luận càng sốc hơn khi đại diện Trung tâm Ngoại ngữ nơi cô giáo bọ cạp làm việc cho rằng cách xưng hô mày - tao là phù hợp vì tạo cho học sinh cảm giác thoải mái trong lớp học.
Ảnh minh họa. |
Nếu ai từng xem bộ phim Dàn đồng ca (The Chorus) của đạo diễn Christeeophe Barratier hẳn sẽ rất ấn tượng với người thầy nhân ái và thấy rằng “ăn miếng trả miếng”, “cứ có hành vi, ta xử” chưa hẳn đã tốt.
Bằng sự khoan dung và tận tâm, ông giáo già đã cảm hóa, hướng thiện, gieo những ước mơ cho lũ học trò bướng bỉnh, quái chiêu và không ít vết sẹo trong tâm hồn.
Ngay cả trại giam - nơi giam giữ những người lầm lỗi có những hành động gây nguy hại cho xã hội, tính nhân văn, tình người luôn được đề cao trong công tác giáo dục, cảm hóa. Cán bộ quản giáo chia sẻ: Nếu ở ngoài, các thầy cô giáo truyền dạy kiến thức là dạy đi, chúng tôi ở đây phải... là dạy đi dạy lại.
Trong cách xưng hô, dù có nguyên tắc phạm nhân phải gọi quản giáo là “cán bộ”, nhưng nhiều phạm nhân vẫn muốn gọi “thầy”. Cách xưng hô tạo môi trường giáo dục, giúp xóa đi mặc cảm, tháo gỡ vướng mắc trong đời sống phạm nhân.
Hiểu biết, bao dung và chuẩn mực luôn là những đặc tính gắn với người đi truyền dạy kiến thức và gieo nhân cách mà xã hội tôn trọng gọi “Thầy giáo”, “Cô giáo”. Những đặc tính tốt đẹp này giúp các nhà giáo tự tin giảng cho học trò bài học về yêu thương.