Ngày 1/8, đoạn video dài hơn 7 phút ghi lại sự việc xảy ra tại trung tâm ngoại ngữ Lê Na (Hà Nội) trở thành tâm điểm của dư luận. PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - đã chia sẻ với Zing.vn những nhận định xung quanh vấn đề này.
Clip ghi lại cuộc đối thoại giữa cô giáo trung tâm tiếng Anh và hai học viên đang được dân mạng quan tâm. Ảnh cắt từ clip. |
Clip mắng chửi té tát và mang nhiều lời hăm dọa của người phụ nữ tự xưng là cô giáo đã đem đến sự bức xúc cho cộng đồng, nếu như không muốn nói là phẫn nộ. Không nói đúng hay sai nhưng từ góc độ nghề nghiệp, ngẫm nghĩ thấy từ cô giáo hay thầy giáo "rẻ rúng" đến lạ thường.
Bài viết này không có ý phê bình hay phân tích, mà cảm xúc xuất phát từ công việc tương đồng cũng như những trăn trở về trách nhiệm cần thực hiện ở một góc nhìn.
Dễ dàng tìm thấy nhan nhản những công ty đào tạo hiện nay, từ đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho đến đào tạo các kỹ năng chuyên môn như thiết kế web, đồ họa, ngoại ngữ… Đặc biệt, tiếng Anh được quá nhiều nhà đầu tư mở trung tâm hay “trường - viện” đào tạo để hoạt động. Từ đây, cô - thầy cũng xuất hiện để làm công tác huấn luyện - giảng dạy hay đào tạo.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn. |
Việc tốt nghiệp từ đâu cũng chẳng ai biết để kiểm định. Nhiều người trong số đó đến từ các trường đào tạo giáo viên chuyên tiếng Anh, cũng không ít từ nước ngoài về nước có trình độ tiếng Anh “chuyên nghiệp” nên trở thành giáo viên ngôn ngữ.
Cũng có người tốt nghiệp từ một khoa Ngoại ngữ ở một trường đại học nào đó chưa qua lớp nghiệp vụ Sư phạm, hay phương pháp giảng dạy tiếng Anh đã nghiễm nhiên trở thành giáo viên mà chưa ai kiểm định. Điều đó cho thấy từ thầy - cô được xưng hô quá dễ dàng đến mức tội nghiệp.
Không dám xem thêm lần thứ hai clip ấy, cũng không dám xoáy sâu vào những từ ngữ hay cử chỉ của cô giáo ra tay với người học. Cũng có thể trách một phần khi không biết chuyện từ đầu người học ấy đã mắc phải hay sai sót. Nhưng rõ ràng, sự lý giải về mặt làm việc kể cả ngôn phong và tác phong sư phạm thật khó có thể… nuốt trôi.
Không biết clip ấy sẽ bị phát tán thế nào nhưng chỉ cần những ai quan tâm đến tình hình giáo dục và đào tạo - huấn luyện mới thấy chuyện không chỉ là đáng buồn, mà là quá tủi thân. Vì chưa thể, người ta dễ dàng đánh tráo ngôn từ "dự kiến" để lý giải cho hành vi của mình không đáp ứng tối đa nhu cầu được giáo dục của khách hàng một cách quá vô tư.
Không thỏa mãn và khó chịu nên dễ dàng nói "mày - tao" và bảo rằng người khác là thất học hay mất dạy… Sự nổi đoá hay cơn "lên máu" của cảm xúc liệu có thể cho phép người được gọi là thầy, là cô mắng nhiếc cả gia đình, cả trường đào tạo từng học, kèm theo lời hăm dọa hạ hạnh kiểm hay "mắng vốn" về đạo đức với hiệu trưởng. Sao có thể vô tư nêu danh của mình - cung bò cạp hay diều hâu hoặc sư tử, sói già để đe dọa người khác… bằng cơn giận dữ.
Có thể hai sinh viên hay nhiều học viên khác cũng chưa hẳn có hành vi chuẩn mực. Nhưng cái đau nhất đó là việc để cơn lửa của giận dữ bùng phát đến mức lấn át lý trí. Cái kết luận: “Bà có học không?” làm cho tôi và nhiều đồng nghiệp nhói đau. Cái đau vì sự nghiệp, cái đau vì sự dễ dãi của một con người, một đồng nghiệp - xin tạm gọi như thế nếu được phép dù chỉ bám vào danh xưng.
Tức giận không hẳn là xấu, đó là điều tất yếu trong sự phát triển cảm xúc của người bình thường. Đôi khi, sự tức giận giúp chúng ta có thêm nghị lực để sửa những sai lầm, hay dùng hành động xây dựng để khắc phục trở ngại. Nhưng điều đó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn biết kiềm chế và kiểm soát hành vi của bản thân theo chuẩn mực nhất định.
Chính sự sai sót quá lớn và thiếu chuẩn mực đã để lộ ra bản chất khủng khiếp bởi tính đanh đá, tính lệ thuộc vào những suy nghĩ cảm tính: cung - mạng mang tính chủ quan và cả lối xã hội đen mang tính đe dọa kèm theo những phản ứng quá bộc phát, mang tính bản năng thái quá.
Chuyện đã qua nhưng vấn đề còn đọng lại mãi trong ký ức. Với cách thức mà người phụ nữ bảo sẽ làm với người học là thu âm giọng nói và cách nói khó nghe, xúc phạm, chạm vào lòng tự ái thì cách thức được trả lại cũng tương xứng.
Clip được lan truyền chóng mặt trên mạng. Chắc chắn rằng, không phải ai cũng có thể hiểu và thông cảm bằng cái nhìn toàn cục, nhưng thực tế cho thấy những gì đã thể hiện đi quá chuẩn mực của sự ứng xử sư phạm hay chăm sóc khách hàng.
Mọi thứ đã diễn ra ngay trong môi trường được xem là giáo dục, huấn luyện, học tập… Điều ấy càng xót hơn khi nỗi đau còn ở lại với nhà quản lý, với không ít thầy cô giáo tiếng Anh hay những người dạy ngoại ngữ nói chung và cả hiệp hội hội giảng dạy tiếng hay phương pháp giảng dạy tiếng.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt công ty hay trung tâm đào tạo đủ các hình thái, phương cách với đội ngũ nhân sự nhiều màu sắc. Tất cả đều theo quy luật cung - cầu.
Song song với việc người học phải vững vàng, tỉnh táo, biết sàng lọc và chọn lựa những thông tin phù hợp trước một rừng thông tin bát nháo như hiện nay. Đừng giao bản thân hay con em mình cho những công ty thiếu hẳn đạo đức, kỹ năng đào tạo, để rồi “tiền mất, tật mang”.
Thế nhưng trách nhiệm sâu sắc hơn lại thuộc về những nhà quản lý, nhà đầu tư. Nhân lực vẫn là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp, tổ chức. Hơn nữa, những ai mong mỏi được nói, được dạy, được làm thầy cô giáo dù chỉ một lần hãy thực sự cẩn trọng. Vì đó là công việc mang đậm tính nhân văn, đẫm tình người và có hẳn những thước đo của lòng nhân ái, sự kiên trì, bao dung và văn hóa sâu thẳm nhất trong tận trái tim và lý trí.