Trước thực trạng lạm dụng mạng xã hội để thực hiện các chiêu trò nhằm mục đích nổi tiếng, gây chú ý của một bộ phận giới trẻ hiện nay, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - đã chia sẻ với Zing.vn những nhận định cùng lời khuyên bổ ích tới các bạn trẻ.
"Nổi tiếng bằng thực lực, nổi tiếng bằng chiêu trò, nổi tiếng sau một đêm, hay bằng những phát ngôn… Song song với sự nổi tiếng ấy sẽ được gì, mất gì? Liệu sự nổi tiếng ấy có tồn tại lâu bền? Không ít bạn trẻ cứ vô tư nổi tiếng sau một đêm, sau một chiêu trò giật gân… Nhưng các bạn cũng cần quen dần với sự tai tiếng nếu thiếu cẩn trọng… Và biết đâu sự vô tư ấy lại chính là cửa tử, đẩy cuộc sống lệ thuộc vào hào quang ảo" - PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn. |
Trăn trở giữa khá nhiều chiêu thức nổi tiếng ư? Không quá khó với người bạn mang tên công nghệ. Ai thức thời sẽ đến với công nghệ, sử dụng hết tính năng của nó. Công nghệ làm người ta dễ dàng và nhanh chóng cập nhật thông tin, đến những sự vụ bình thường, cỏn con… rồi trở thành chuyện đình đám cả thế giới phẳng đều hay biết.
Lên mạng bằng một bộ ảnh nổi tiếng, có lẽ hướng đi dễ dàng và tiện lợi, nhanh chóng, không ít bạn trẻ tự chế hay chính xác họ là nạn nhân của sự câu kéo.
Chiêu thức sử dụng một bộ ảnh để nổi tiếng không quá lạ với cư dân mạng. Bộ ảnh nổi bật được lan tỏa là minh chứng cho chiêu thức “trường tâm lý” của sự quan tâm. Mới đây thôi, một bộ ảnh thổ dân bán nude của cô gái 16 tuổi đang được nhiều diễn đàn chia sẻ.
Khi tung lên mạng, ý tưởng này không quá độc nhưng sẽ được xem xét vì nó lạ và có độ hấp dẫn. Với tiêu đề bán nude, với hình ảnh bắt mắt, với độ tuổi là 16, với ý tưởng thổ dân công khai hở cho khéo, sự lôi kéo tâm lý của mọi người sẽ dễ dàng.
Cứ chửi, cứ mắng, cứ ném đá, miễn sao có xem là được. Cứ khen, cứ chê, cứ ủng hộ, miễn sao nhiều lượt like (thích), bình luận và chia sẻ, cả dẫn link, nhiều khai thác mở rộng là được quan tâm miễn phí.
Không quá tập trung vào sự vụ của bộ ảnh ấy để phân tích. Tuy vậy, không khó để nhận ra muốn người ta quan tâm chỉ cần làm cái gì đó cho nó đến “tận cùng” của cảm xúc. Tích cực cũng được, tiêu cực cũng được. Miễn sao được nhận diện, được quan tâm, được chú ý là thắng cuộc… Hoặc cứ chửi thì càng vui, cứ chửi thì càng thắng.
Khi được nhiều người quan tâm nghĩa là tần suất hiện diện của mình sẽ được gia tăng, vậy là nổi tiếng. Chính các bạn trẻ đã quên những câu hỏi cần được ý thức: nổi tiếng như thế có đáng hay không? Sau sự nổi tiếng ấy sẽ được gì và mất gì? Người thân có đáng để bị lôi vào cuộc nổi tiếng hay không để bị căng kéo, chửi rủa vô tội? Đâu là hệ lụy của những bức ảnh khó quên ấy khi vào đời, khi sống một cuộc sống dài hơn, xa hơn?
Xin biết nói đừng
Không thể phủ nhận việc hữu ích của vấn đề xây dựng hình ảnh. Việc làm cho mình được nhận diện hay có hình ảnh là điều quan trọng. Nổi tiếng - miếng mồi béo bở và đầy sức quyến rũ với các bạn trẻ. Nếu nổi tiếng bằng bộ ảnh gây chú ý theo hướng phản cảm thì đó là biểu hiện chút cuồng vọng của cá nhân, chút khát khao được quan tâm, theo dõi như là nhu cầu tự khẳng định.
Khi mong mỏi quá lớn vào sự nổi tiếng, người ta càng dễ bị đắm đuối vào trường tâm lý như một chiếc bẫy giăng sẵn. Sẵn sàng mạnh bạo hơn, "cởi" sâu hơn, "lột" xa hơn và mất nhiều hơn trong chính nhân cách của mình, mà bản thân vẫn không hay biết.
Không ít bạn trẻ đặt cược cả cuộc đời mình cho sự nổi tiếng. Kẻ thù lớn nhất sẽ hủy hoại cả cuộc đời mình đó chính là lòng tham của bản thân hay sự ham hố.
Vì sự nổi tiếng, không ít bạn trẻ đã sử dụng cơ thể để làm công cụ cho mình… Chỉ cần bắt được ý tưởng nào đó, sẵn sàng ăn theo để lan tỏa hình ảnh và tạo ra đám đông theo dõi mà không cần nghĩ đến giá trị nhân văn.
Chẳng cần thiết tha đến cảm xúc hay sự phản ứng của người khác dù cho đó là người thân, người ta yêu thương, ruột thịt hoặc thậm chí là người chung sống miễn sao được nhận diện, chửi mặt, mắng tên cũng cam lòng. Đó là những hành động minh chứng cho sự thiếu tỉnh táo và thiếu lòng nhân ái. Sự tàn nhẫn ấy không chỉ với người thân mà cả những người có liên quan và đặc biệt là nhân phẩm của chính mình.
Đau xót nhất đó chính là sự huyễn hoặc về bản thân khi nghĩ mình đã là ngôi sao của những cô gái hay thậm chí là những chàng trai. Chiêm nghiệm về cuộc sống, với ít nhiều trải nghiệm về vị trí quản lý, không thể quên câu: "Đôi lúc sự thăng tiến bằng may mắn sẽ làm bạn chẳng thể ý thức được trọn vẹn giá trị của thành công".
Đó là hành vi thiếu ý thức, thiếu bản lĩnh đúng mực. Tội nghiệp thay khi cuộc đời mình, số phận mình, văn hóa bản thân bị đem ra mua vui cho mọi người để đổi lấy sự hư danh mang tên nổi tiếng.
Nổi tiếng có thể làm cho người ta bay bổng và chấp chới trong không trung. Đối với các bạn trẻ, nổi tiếng làm cho người ta không còn tỉnh táo đủ để nhận ra mình đang cần gì trong cuộc sống. Tất cả đều dễ dàng đẩy họ đến những suy nghĩ mọi thứ dễ dàng quá, chẳng sao đâu, cứ tiếp tục. Chẳng thể mất hết, sẽ có lợi thôi… Đến lúc đỉnh điểm khi một số cá nhân không còn biết kiểm soát mình để rồi hành xử sẽ vô cùng ngây ngô, tội nghiệp.
Chiếc bẫy nổi tiếng được tạo nên bởi sự tò mò của đám đông, một nhóm người và sự hà hơi tiếp sức của một chuỗi thông tin chẳng cần biết tính giáo dục. Ngày hôm nay có thể bạn trẻ sẽ vui vì mình được biết đến - nhưng ngày mai thì sẽ ra sao?
Đừng quên rằng hậu quả đã cho thấy áp lực của sự nổi tiếng có thể làm không ít bạn trẻ không thể vượt qua. Thế giới công nghệ lăng xê cũng đã không ít lần chứng kiến những cái tự tử oan uổng trong cuộc sống.
Công chúng ngày nay cũng rất tỉnh táo để khi cần có thể áp dụng công nghệ tẩy chay không thương tiếc. Đừng tự hài lòng và sung sướng với một bộ ảnh hôm nay để rồi không lâu ngay sau đó tự xấu hổ với bản thân.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn sinh năm 1976, quê Tiền Giang. Hiện PGS. TS Sơn giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP HCM.
PGS. TS Sơn là gương mặt khá quen thuộc trong các chương trình tư vấn tâm lý dành cho giới trẻ, tình yêu hôn nhân gia đình... trên sóng truyền hình và đài phát thanh.