Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Dark’ - cuộc chiêm nghiệm về du hành thời gian

Không chỉ gây hứng thú nhờ cấu trúc dòng thời gian phức tạp, series “Dark” còn truyền tải nhiều thông điệp đáng suy ngẫm về thời gian, sự tất định và ý chí tự do.

review phim Dark anh 1

Ra mắt từ năm 2017, loạt phim của Baran bo Odar và Jantje Friese nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Một tác phẩm nhiều thoại, nói tiếng Đức, nhịp độ chậm, ít hài hước và không có diễn viên nổi tiếng bất ngờ nhận sự tán dương từ hàng loạt tờ báo Âu Mỹ.

Trong ba năm tiếp theo, Dark thu hút lượng lớn tín đồ trung thành - những người xem thật kỹ từng tập phim, chú ý mọi tình huống, để rồi dần lắp ghép chúng vào dòng thời gian đầy trúc trắc mà những nhà làm phim sắp đặt.

Mùa ba của series vừa ra mắt, ngoài giải quyết số phận từng nhân vật, còn được kỳ vọng trả lời cho những câu hỏi lớn ở hai phần trước về ý chí tự do, sự tất định của dòng thời gian hay bản chất của các thế giới song song.

Đằng sau lớp vỏ du hành thời gian

Lấy bối cảnh thị trấn Winden (Đức), nơi ở gần một nhà máy hạt nhân, Dark bắt đầu với khung cảnh yên bình và lời dẫn truyện về sự phi tuyến tính của thời gian, rằng “sự khác biệt của quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là ảo tưởng”. Tình tiết mào đầu gợi nhắc Stranger Things, khi những đứa trẻ bắt đầu biến mất. Tuy nhiên, hướng đi của phim sau đó hoàn toàn không liên quan đến series nổi tiếng của Mỹ.

review phim Dark anh 2

Câu chuyện của Dark lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ, nơi ở gần nhà máy điện hạt nhân.

Đau khổ vì người con tên Mikkel mất tích, cảnh sát Ulrich (Oliver Masucci) không quản khó khăn điều tra. Nhưng mọi manh mối đều mơ hồ khi những người liên quan dường như đang giấu kín bí mật nào đó, rồi xác một thiếu niên khác được tìm thấy.

Ở tuyến truyện khác, cậu thiếu niên Jonas (Louis Hofmann) đang tái hòa nhập cuộc sống cũ và cố quên đi nỗi buồn sau khi cha tự tử. Những người lạ bắt đầu xuất hiện ở Winden, bí mật dần được hé lộ và đẩy các nhân vật vào một hành trình mà khán giả khó tưởng tượng nổi khi xem tập đầu.

Ở bề mặt, Dark là một series về du hành thời gian và bày biện rất nhiều tình tiết trúc trắc để tạo sự tò mò, thu hút. Số lượng nhân vật lớn, di chuyển liên tục giữa các mốc thời gian tạo ra thử thách trong việc nhớ tên người và tình tiết.

Càng về cuối, các biên kịch càng đưa thêm nhiều mảnh ghép, biến tổng thể tác phẩm thành một câu đố phức tạp. Một số tình tiết được gieo từ đầu, nhưng chỉ được xử lý hoặc giải thích sau đó nhiều tập, hoặc thậm chí mùa kế tiếp. Các chuỗi sự kiện trong Dark cho thấy sự dày công tính toán từ đầu của ê-kíp. Họ đã lên kế hoạch tổng thể từ đầu và khai triển câu chuyện rất kiên nhẫn.

Có nhiều tình tiết về du hành thời gian từng xuất hiện trong các sản phẩm văn hóa đại chúng được tái hiện trong Dark, như một người quay về quá khứ rồi có khả năng ngăn cản cuộc hôn nhân của bố mẹ mình, nhà khoa học tiếp cận công trình của chính mình trong tương lai, một số kiểu huyết thống xoay vòng do du hành thời gian gây ra…

review phim Dark anh 3

Louis Hofmann (trái, vai Jonas) và Lisa Vicari (vai Martha).

Du hành thời gian không phải chủ đề mới lạ trên màn ảnh, với nhiều tác phẩm nổi tiếng như bộ ba Back to the Future hay loạt Terminator. Nhưng Dark tìm được hướng đi thú vị nhờ khai thác sâu cách phản ứng của con người khi bị đặt vào sự biến động giữa thời gian.

Hầu hết nhân vật trong phim khởi đầu là những người có trí tuệ, học vấn bình thường. Họ không phải những siêu nhân “chơi đùa” với dòng thời gian, hay uyên thâm về chủ đề này, mà bị điều khiển bởi những tình cảm rất giản dị như yêu, hận, quyến luyến người thân.

Mỗi lần đứng trước các biến động lớn như đảo lộn vai vế trong gia đình hoặc mất mát người thân, các nhân vật đều trải qua chấn động tâm lý đáng kể. Có thể nói, Dark là tác phẩm có lớp vỏ khoa học viễn tưởng (kể về du hành thời gian), nhưng nội hàm rất gần gũi, lý giải hành động các nhân vật bằng những động cơ ai cũng có thể hiểu được.

Có hay không ý chí tự do?

Với Dark, người xem có thể thấy nhiều lớp ý mang tính triết học được đặt bên dưới câu chuyện. Series đặt ra hàng loạt câu hỏi không dễ trả lời về bản thể, tiêu biểu như thứ gì đã hình thành con người bạn, nếu bạn từ tương lai có thể quay về để chi phối bản thân của hiện tại. Nếu nhà khoa học sáng tạo ra một thiết bị nhờ vào kiến thức về thiết bị này, được chính một người từ tương lai đem về, thì khởi nguồn sáng tạo từ đâu (theo lý thuyết bootstrap paradox)?

review phim Dark anh 4

Thí nghiệm tưởng tượng Con mèo của Schrödinger được giới thiệu lại trong một tập phim. Một con mèo được nhốt vào hộp, cùng một ống đếm và một mẩu vật chất phóng xạ. Nếu có tia phóng xạ, ống đếm sẽ thả một cây búa đập vỡ lọ thuốc độc giết chết mèo. Trước khi hộp được mở, con mèo không rõ tình trạng và được xem như là đồng thời ở trạng thái sống và chết.

Ý chí tự do (free will) và thuyết tất định (determinism) là hai vấn đề được các tác giả gợi mở nhiều lần. Ý chí tự do nghĩa là con người có thể chọn hoặc không chọn thực hiện một hành động nào đó. Còn thuyết tất định cho rằng mọi sự kiện đều đươc quyết định bởi những sự vật, hiện tượng có từ trước. Như vậy, con người không thật sự được “lựa chọn”, mà mọi hành động đều chỉ là kết quả từ hoàn cảnh bản thân và những sự kiện xung quanh.

Cấu trúc vòng lặp trong hai mùa đầu của Dark tạo ra cảm giác về sự thắng thế của thuyết tất định. Những nhân vật trở về quá khứ hoặc đi đến tương lai để cố ngăn một điều gì đó thì luôn thất bại hoặc vô tình trở thành nguyên nhân gây ra chuyện đó. Những bó buộc về suy nghĩ, tình cảm khiến mọi người luôn lặp lại quyết định ở từng khúc quanh đường đời, tạo ra một vòng lặp tưởng chừng không thể thoát.

Nhưng đến mùa cuối, một cú chuyển hướng của biên kịch đã đẩy câu chuyện theo hướng khác trước, với cái kết hơi đột ngột nhưng tròn trịa với những gì đã bày biện trước đó. Các tác giả đã khéo léo để ngỏ những câu hỏi lớn mang màu sắc triết học trong phim, mà tháo nút câu chuyện bằng một giải pháp mang màu sắc tôn giáo phương Đông, liên quan đến sự buông bỏ.

Tuy nhiên, cách nhân vật quan trọng trong câu chuyện thấu triệt vấn đề chưa được giải thích trên màn ảnh. Nếu hành trình nội tâm của người này được mô tả kỹ hơn, tác phẩm sẽ thuyết phục hơn ở đoạn cuối, thay vì đem tới cảm giác rằng biên kịch hơi “đốt giai đoạn” để khép lại diễn biến quá nhanh.

Kỹ thuật và diễn xuất thuyết phục

Ngoài sự cuốn hút từ cốt truyện, Dark còn được đánh giá cao nhờ sự trau chuốt về kỹ thuật làm phim. Những đại cảnh về vùng Winden hay cảnh hang động biến đổi ở các cảnh quay, phơi bày sự thay đổi của vùng này theo loạt mốc thời gian và vũ trụ. Trang phục của các nhân vật đa dạng, phản ánh văn hóa những thời kỳ mà họ cư ngụ.

Phần nhạc phim và nhịp dựng chậm rãi tạo cảm giác u ám, đôi khi nặng nề cho tác phẩm. Một số tình tiết, như khi Jonas lạc đến thế giới song song, đặt chân vào môi trường xa lạ, được phủ lớp màu bi kịch chứ không được khai thác làm chất liệu hài hước như một số phim khác cùng thể loại. Biểu tượng vô cực và những ám hiệu về đa thế giới đã xuất hiện trong dàn cảnh ngay từ những tập đầu, giống như điềm báo cho diễn tiến và kết cục phim.

review phim Dark anh 5

Diễn viên Oliver Masucci trong vai Ulrich gây chú ý ở mùa đầu.

Trong các diễn viên, Louis Hofmann xuất hiện nhiều nhất và đại diện cho trải nghiệm của người xem, khi đa số cảnh được kể từ góc nhìn của Jonas. Tài tử trẻ người Đức dùng ánh mắt để thể hiện nhiều cảm xúc nhân vật, từ sự mê đắm trong tình yêu, ngỡ ngàng khi du hành thời gian, đến trĩu nặng tâm tư về sau. Lối tạo hình cho Jonas cũng làm nổi rõ sự thay đổi tâm lý của anh, ngày càng phong trần và ưu tư hơn khi tiến sâu vào mê cung thời gian.

Một diễn viên ấn tượng khác là Lisa Kreuzer với vẻ điềm tĩnh, thông thái khi hóa thân Claudia (lúc già) - nhân vật xâu chuỗi các mối nối của phim. Ở mùa một, viên cảnh sát Ulrich giữ nhiều đất diễn và tạo cảm giác như nhân vật chính, trước khi Jonas chiếm lĩnh câu chuyện. Hóa thân vai này là Oliver Masucci với vẻ ngoài rắn rỏi và gương mặt gợi nhớ đến tài tử lừng danh Mads Mikkelsen. Có lẽ vì điều này, ê-kíp phim đã trêu đùa khi đặt tên nhân vật em trai của Ulrich là Mads và con trai là Mikkel.

Ở Việt Nam, Dark là một trong những phim được quan tâm nhất trong thời gian qua, có nhiều tuần nằm trong top 10 phim xem nhiều trên Netflix. Những cảnh khỏa thân, bạo lực và tự sát khiến series mang nhãn 18+.

‘Bán đảo’ - cái xác vô hồn của ‘Train to Busan’

Chưa cần so sánh nhiều với “Train to Busan”, bản thân “Peninsula” là một tác phẩm mắc phải rất nhiều vấn đề khi đứng độc lập.

Ân Nguyễn

Bạn có thể quan tâm