Chuyến du lịch 4 ngày 3 từ đêm từ TP.HCM đến Nha Trang vừa qua, Võ Hoàng Phi và bạn bè quyết định di chuyển bằng tàu hỏa. Thực tế, anh khó mua được vé máy bay vì giá tăng cao chóng mặt, lên đến 1,5 triệu đồng/người/lượt. Trước đây, anh chỉ phải chi vài trăm nghìn đồng cho hành trình tương tự.
"Giá vé máy bay đắt đỏ không tưởng, ngoài ra còn thường xuyên bị hoãn, hủy chuyến. Tôi lựa chọn tàu hỏa vì giá ổn hơn, thời gian chính xác và dịch vụ khá chu đáo", anh chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, ngay cả việc mua vé tàu, chàng trai 21 tuổi cũng gặp khó khăn vì tình trạng "cháy vé". Đặt vé trước 14 ngày, anh vẫn không lựa chọn được toa và vị trí ngồi như ý muốn.
"Thời điểm tôi đặt vé, nhiều toa không còn một chỗ trống. Chịu thôi, mùa cao điểm mà, ít nhất còn đỡ hơn đi máy bay", Phi kể.
Hoàng Phi và bạn bè du lịch đến Nha Trang để trải nghiệm lặn biển. |
Chóng mặt vì giá vé máy bay
Chuyến du lịch mùa hè năm nay không diễn ra như nhiều người kỳ vọng. Trong đó, những vấn đề liên quan đến hàng không được cho là gây phiền toái hơn cả.
Theo ghi nhận của Zing, vào các ngày cuối tuần, chuyến du lịch của nhiều hành khách khởi đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài trở thành chuyến đi "hành xác" bởi hãng hàng không liên tục hoãn, hủy chuyến.
Điều đáng nói, trải nghiệm thất vọng này diễn ra trong tình trạng giá vé ngất ngưởng.
Nguyễn Quỳnh Thanh (25 tuổi, Hà Nội) chi 4 triệu đồng cho chiếc vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội.
Cô cho biết buộc phải di chuyển vào lúc nửa đêm bởi nếu chọn khung giờ thuận tiện, chi phí có thể tăng gấp 1,5 lần.
"Ban đầu, tôi thấy giá vé quá cao nên ngần ngại chưa đặt. Chỉ khoảng vài tiếng sau kiểm tra lại, giá đã tăng thêm khoảng 500.000 đồng. Tôi vội vã mua ngay vì sợ số tiền tiếp tục tăng lên", cô kể, cho biết thêm khoảng đầu năm 2022 chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng cho chặng bay này.
Số lượng hành khách đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) tăng mạnh, vượt quá công suất thiết kế của nhà ga hành khách T1. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tương tự Quỳnh Thanh, Ngọc Thắng (28 tuổi, Hà Nội) chi đến 1,7 triệu đồng cho chiếc vé máy bay một chiều chặng Hà Nội - TP.HCM, khung giờ khuya. Đây là mức giá của 3 ngày trước giờ bay.
"Một người bạn của tôi mua cùng chuyến nhưng sát ngày bay, giá vé nhảy lên 2,5 triệu đồng. Trước đây, tôi thường săn vé giá rẻ, nhiều lần bay Hà Nội - TP.HCM chỉ với 500.000-600.000 đồng. Giờ đây, hết thời như vậy", anh nói.
Không chỉ sốc với giá vé, Thắng còn bất ngờ trước cảnh đông đúc tại sân bay dù đã đêm muộn. 22h, khu vực ga quốc nội chật kín người đứng, người ngồi. Hành khách chờ đợi la liệt, nhiều người lớn tiếng than phiền vì nhận thông báo delay hoặc phải thay đổi cửa khởi hành.
Nhiều gia đình đông người di chuyển khá khó khăn do hành lý cồng kềnh và trẻ nhỏ la khóc.
"Chuyến bay của tôi khởi hành muộn 45 phút. Tôi mất 30 phút để chờ nhận hành lý tại băng chuyền và thêm một giờ để bắt xe, di chuyển về khách sạn. Đặt lưng xuống giường lúc 3h sáng, cơ thể tôi mệt rã rời. Tôi dành nguyên buổi sáng đầu tiên của chuyến đi chỉ để ngủ chứ không vui chơi được gì", anh chia sẻ.
Đặt vé trước một tháng, Nguyễn Đức Trung (Hà Nội) vẫn phải giật mình vì giá vé máy bay Hà Nội - Phú Quốc - Hà Nội tăng cao chóng mặt.
Anh không tiết lộ con số cụ thể, nhưng cho biết chưa khi nào mình phải chi trả mức giá cao đến thế cho chặng bay này.
"Có lẽ do tôi đặt chuyến bay vào cuối tuần và lựa chọn hãng bay hạn chế hoãn, hủy chuyến. Năm ngoái, cũng trong một chuyến du lịch hè, tôi bị delay đến 4 giờ đồng hồ vì bay giá rẻ. Ngồi chờ đợi ở sân bay, tôi mệt mỏi đến nỗi chỉ muốn đi về", anh kể lại.
Từ nơi nắng, đến nơi nóng hơn
Năm nay, chuyến bay của Đức Trung may mắn diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng bỏng rát tại đảo ngọc lại làm anh "ước gì đi chơi vào thời điểm khác".
"Tôi đi đến đâu, trời nắng đến đó", anh nói.
Trung cho biết trời nắng, tạnh ráo khiến chuyến đi của mình thuận tiện hơn. Anh dễ dàng đi lại khắp nơi bằng xe máy, chụp lại những tấm ảnh đẹp và thỏa thích vui chơi tại các bãi biển.
Nhưng anh không thể quên cảm giác ngột ngạt khi phải xếp hàng chờ mua đồ ăn ở các quán nổi tiếng, ngồi dùng bữa trong không khí hầm hập và về nhà với làn da đỏ ửng vì cháy nắng.
"Một hôm, đang đi trên đoạn đường hẻo lánh, xe máy tôi thuê bất ngờ bị thủng lốp. Xung quanh có một số hàng quán nhưng không nơi nào sửa xe. Tôi đành dắt bộ xe vài km để quay về khách sạn đổi xe khác trong khi trời nắng rát. Áo tôi ướt đẫm mồ hôi, da có cảm giác rít rít do gió biển. Tưởng chừng đi du lịch để tránh nóng, ai ngờ tôi từ một nơi nắng nóng sang một nơi nắng nóng hơn", anh kể.
Tam Bảo cảm thấy mệt nhọc khi phải di chuyển bằng tàu, xe trong thời tiết khắc nghiệt. |
Vừa kết thúc kỳ thi học kỳ, Đoàn Đặng Tam Bảo (19 tuổi, TP.HCM) tự thưởng cho mình chuyến du lịch kéo dài 14 ngày. Địa điểm cô lựa chọn là các thành phố ở miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế.
Cô quyết định di chuyển bằng xe khách, tàu hỏa để tiết kiệm, đồng thời có nhiều trải nghiệm lạ lẫm.
Nhưng trái ngược với sự phấn khởi ban đầu, cô gái não nề vì chuyến đi không như kỳ vọng. Thời tiết khắc nghiệt chính là nguyên nhân chủ yếu.
"Đi tàu từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng là quãng đường kinh khủng nhất mà tôi từng đi. Do hết vé giường nằm, tôi đổi sang toa ngồi. Các toa hầu như kín chỗ, cái nóng của mùa hè cộng với khung cảnh đông đúc khiến tôi rất khó chịu. Có gia đình kia mua thiếu vé rồi thản nhiên chiếm chỗ của tôi. Lúc tôi lên tiếng, họ mới dọn xuống", Bảo chia sẻ.
Sau trải nghiệm di chuyển bằng đường bộ, Bảo quyết định trở về TP.HCM bằng máy bay, chấp nhận giá vé cao và khả năng hoãn, hủy chuyến. Theo cô, chờ đợi tại sân bay có điều hòa, máy lạnh, đỡ hơn nhiều cảnh chen chúc trên xe khách giữa mùa hè.
Bù lại trải nghiệm không mấy hài lòng về phương tiện di chuyển, Bảo đánh giá cao cho địa điểm lưu trú, cảnh quan và ẩm thực tại những nơi cô đặt chân đến. Kết hợp du lịch với thăm họ hàng, Bảo cũng đỡ được một phần chi phí cho chỗ ở. Tổng chi phí cho chuyến đi mất tầm 3 triệu bao gồm cả tiền di chuyển và ăn uống.
"Đối với những bạn trẻ mong muốn du lịch mùa hè này, tôi cho rằng họ cần có kế hoạch di chuyển phù hợp. Nắng nóng dễ làm chúng ta mất sức, xuống tinh thần, ảnh hưởng toàn bộ chuyến đi", cô bày tỏ.
Trong khi đó, lời khuyên của Hoàng Phi là hãy tìm đến những địa danh mới, không quá nổi tiếng. Trong chuyến du lịch lần này đến Nha Trang, chàng trai không tham quan các điểm check-in nổi tiếng mà đổi hướng đi lặn biển tại Hòn Mun, một hòn đảo khá ít du khách.
Theo anh, việc giá cả tăng trong mùa cao điểm là chuyện bình thường. Điều này còn tùy thuộc vào sức chi và gout du lịch của mỗi người.
"Mùa hè đi đâu cũng đông, không thể tránh được. Nhưng cũng có nhiều chuyến đi khiến tôi ngán ngẩm, từ đó về sau, tôi hạn chế đến những điểm xô bồ. Như việc giới trẻ rất thích Đà Lạt, Phú Quốc, tôi thì không".
Trong mùa cao điểm du lịch hè, nhiều địa điểm quá tải, đông đúc khiến trải nghiệm của du khách không được trọn vẹn. Ảnh: Minh Tài. |
Từ đầu tháng 6, hơn 719.000 lượt khách quốc nội tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cùng với sự gia tăng nhanh chóng của khách quốc tế.
Số lượng hành khách đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) cũng tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, vượt quá công suất thiết kế của nhà ga hành khách T1.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Trong đó, đường bay dưới 500 km giữ nguyên mức giá, từ 500 km đến 850 km tăng từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng. Từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng. Tăng cao nhất là 2 đường bay từ 1.000 km và từ 1.280 km trở lên, với mức tăng lần lượt từ 3,2 triệu lên 3,4 triệu đồng và 3,75 triệu lên 4 triệu đồng.